Cần làm gì để bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm không khí ở mức báo động

16/12/2019 11:24

Kinhte&Xahoi Gần 1 tuần qua, Hà Nội liên tiếp nằm trong top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo xếp hạng của Air Visual. Trung tâm KTTV quốc gia cho biết, những ngày tới điều khí tượng sẽ không có thay đổi nhiều nên có thể chất lượng không khí (CLKK) vẫn sẽ duy trì ở mức này.

Ô nhiễm không khí hiện được xem là mối đe dọa sức khỏe môi trường lớn nhất thế giới. Một nửa dân số trên thế giới không được tiếp cận với nhiên liệu hoặc công nghệ sạch, 9/10 người trong số này đang phải hít không khí ô nhiễm, và có đến 7 triệu người bị giết chết mỗi năm vì ô nhiễm không khí. Mức độ ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người là rất nghiêm trọng, tương đương với tác hại của việc hút thuốc lá, và cao hơn nhiều so với tác động từ thói quen ăn quá nhiều muối.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người (Ảnh: Internet)

Một trong những mối nguy lớn nhất của ô nhiễm không khí với sức khỏe đó là gây ra các bệnh về phổi. Theo các chuyên gia, khói bụi và các chất ô nhiễm độc hại sẽ làm hỏng các mô phổi, gây bệnh hen suyễn, viêm phổi, viêm phế quản, rối loạn hô hấp hay thậm chí là ung thư phổi.

Theo WHO, ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm và tỷ lệ này ở đột quỵ não và bệnh lý tim mạch là 25%. Nhưng với các bệnh lý về hô hấp thì các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ lớn hơn rất nhiều, khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý về hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là người già, phụ nữ có thai và trẻ em, những người mắc bệnh lý về hô hấp cũng như tim mạch.

Các hạt sooty và oxit nitơ thải ra từ xe hơi, nhà máy sản xuất và nhà máy điện có thể tạo thành một hỗn hợp khí ô nhiễm vô cùng nguy hiểm. Khi hít vào, chúng sẽ di chuyển trong khắp cơ thể bạn thông qua đường máu, đặc biệt nguy hiểm khi các bụi này là hợp chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, kim loại nặng… có thể gây nhiễm độc, ung thư, hen…

Thậm chí không khí ô nhiễm còn làm tổn thương các mô do các hạt bụi mịn và siêu mịn dễ dàng đi vào trong máu và tiếp cận với hầu hết cơ quan. Chúng còn là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng viêm toàn thân và làm phức tạp thêm những căn bệnh đã có từ trước.

Các nghiên cứu trong một thập kỷ qua đều chứng minh, cả nam và nữ giới tiếp xúc nhiều với môi trường ô nhiễm không khí có thể bị vô sinh. Tình trạng này xảy ra khi không khí ô nhiễm khiến tinh trùng ở nam giới bị giảm chất lượng hay dị dạng.

Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến đường hô hấp, trực tiếp len lỏi vào nội tạng thông qua hô hấp của mũi, miệng,… mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến mắt, gây ra các bệnh lý của mắt. Các triệu chứng xuất hiện trên mắt do tình trạng ô nhiễm không khí gây ra. Đó có thể là tình trạng bị kích thích và dị ứng thông thường, bệnh đục thủy tinh thể và thậm chí là ung thư.

Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến mắt khiến mắt tiết nước gây viêm nhiễm, phổ biến nhất đó là mắt bị đỏ; cảm giác bỏng rát; mắt chảy nước; đổ nhiều ghèn; cảm giác mắt bị khô, có sạn; thị lực suy giảm do mắt chảy nước và ngứa. Đồng thời bụi có thể gây cộm, khó chịu, thậm chí trầy xước giác mạc nếu có góc cạnh…

Để bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm môi trường, người dân nên sử dụng khẩu trang đạt chuẩn có thể lọc được bụi mịn và đeo kính khi ra đường, phần nào giảm được các khí, khói hơi độc hại tiếp xúc đến mắt và đường hô hấp.

Nên dùng các sản phẩm khử khuẩn, thanh lọc không khí giúp cho bầu không khí luôn được trong lành như máy làm sạch không khí có thể giúp loại bỏ bụi, vi khuẩn, virus, nấm mốc, các chất hữu cơ bay hơi giúp cho con người luôn được khỏe mạnh và phòng chống được các bệnh về đường hô hấp trong thời điểm ô nhiễm không khí như hiện nay.
 
Tập Yoga nửa giờ mỗi ngày có thể “đẩy” lượng tạp chất ra khỏi cơ thể bạn hiệu quả. Bởi quá trình tập Yoga sẽ tăng nhu cầu hít thở sâu, việc này giúp cải thiện dung tích phổi và hỗ trợ làm sạch phổi. Thậm chí, tập Yoga cũng được coi là phương pháp giảm căng thẳng rất tốt.

Hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

Không đi bộ, tập thể dục dọc theo những đường phố đông đúc có thể giúp bạn tránh khỏi không khí ô nhiễm thải ra từ các phương tiện giao thông. Bởi vào thời điểm mức độ ô nhiễm không khí cao, nơi tốt nhất cho sức khỏe là ở trong nhà với một chiếc điều hòa không khí được trang bị bộ lọc.

Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Với những người hút thuốc lá, nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá.

Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.

Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống, nên trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp gas.

Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡngngười già cần thực hiện các biện pháp dự phòng nghiêm ngặt hơn.

Bên cạnh đó, chế độ ăn uống là yếu tố quan trọng cơ bản nhất để cơ thể tạo sức đề kháng tốt cho cơ thể. Nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm như rau xanh, hoa quả, sữa chua để cung cấp đầy đủ các loại vitamin, yếu tố vi lượng. Đồng thời đa dạng hoá các bữa ăn, tạo một chế độ ăn uống hợp lý đầy đủ năng lượng. Khi có sức đề kháng tốt, toàn bộ cơ thể hoạt động tốt như một hệ thống phòng ngự.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bắn pháo hoa mừng thành lập thị xã Sa Pa

UBND tỉnh Lào Cai sẽ tổ chức lễ công bố thành lập thị xã Sa Pa tại sân vận động trung tâm huyện Sa Pa vào tối ngày 28/12/2019. Để chào mừng sự kiện này, Sa Pa sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/can-lam-gi-de-bao-ve-suc-khoe-khi-o-nhiem-khong-khi-o-muc-bao-dong-d113233.html