Cảnh sát bày cách ứng phó với tội phạm cướp ngân hàng

11/03/2022 10:31

Kinhte&Xahoi Qua những vụ cướp ngân hàng manh động, gây xôn xao dư luận trong mấy ngày vừa qua, cơ quan chức năng khuyến cáo các ngân hàng cần thường xuyên cập nhật thông tin, tổ chức tập huấn kỹ năng ứng phó với tội phạm cướp tài sản cho lượng bảo vệ, nhân viên ngân hàng và người dân khi đến giao dịch.

Liên tục xảy ra những vụ cướp ngân hàng

Chiều 7/1/2022, Nguyễn Văn Nam (SN 1998, trú tại xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng), sử dụng súng colt xông vào ngân hàng gây ra tiếng nổ, đe dọa nhân viên phòng giao dịch Đình Vũ Vietcombank Hải Phòng rồi cướp hơn 3 tỷ đồng. Sau khi nhận được tin báo, Công an TP Hải Phòng phối hợp với Cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an một số tỉnh, thành khẩn trương điều tra, truy bắt đối tượng.

Đến 23 giờ đêm 8/1/2022, tổ công tác của Công an TP Hải Phòng phối hợp với các đơn vị đã truy bắt được Nguyễn Văn Nam khi đối tượng đang lẩn trốn tại nhà nghỉ Bắc Sơn, phường Bắc Sơn, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Khám xét trên người và chỗ ở của Nguyễn Văn Nam, cảnh sát thu giữ 2 khẩu súng, 40 viên đạn, 1 xe máy, 1 điện thoại và 1,2 tỷ đồng.

 
Nguyễn Văn Nam cùng số tang vật vụ cướp 3 tỷ đồng tại chi nhánh Vietcombank ở Hải Phòng chiều 7/1.

Tiếp đến vào khoảng 14 giờ ngày 4/3/2022, Trần Quang Minh (36 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh), giả vờ làm khách hàng, vào quầy giao dịch tại Chi nhánh Vietcombank Hạ Long, Quảng Ninh để thực hiện hành vi cướp tiền.

Khi vào được bên trong, Minh lấy ba lô mang theo người ra rồi hô lớn: “Có bom! Đưa tiền đây, không thì cho nổ banh xác”. Đúng lúc này tại quầy giao dịch, chị Phạm Thị Tr (nhân viên chi nhánh ngân hàng), đã tìm cách kéo dài thời gian không đưa tiền cho Minh. Thấy vậy, Minh trèo lên quầy thu ngân thì chuông báo động kêu nên đối tượng đã bỏ chạy ra ngoài.

Khi qua vị trí quầy lễ tân, đối tượng vơ lấy chiếc điện thoại iPhone 12 đang để trên bàn của chị Lương Thị Ngọc A (nhân viên Chi nhánh Vietcombank Hạ Long). Tiếp đó, Minh định trèo tường để bỏ trốn thì bị lực lượng bảo vệ của ngân hàng bắt lại. Kiểm tra chiếc ba lô Minh mang theo thì bên trong không có gì.

Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, Trần Quang Minh khai mới ra TP Hạ Long từ ngày 23/2, do chưa tìm được việc làm rồi nợ nần nhiều nên đánh liều đi cướp ngân hàng để trả nợ. Hiện cơ quan công an đã tạm giữ hình sự đối tượng Minh để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trần Quang Minh bị bắt giữ sau khi gây ra vụ cướp ngân hàng tại Chi nhánh Vietcombank Hạ Long, Quảng Ninh ngày 4/3/2022

Sáng 7/3, 2 đối tượng là Trần Văn Hiếu (31 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm) và Nguyễn Thanh Tùng (41 tuổi, ở quận Thanh Xuân), đi xe máy không biển kiểm soát đến một phòng giao dịch ngân hàng trên địa bàn phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để cướp tài sản.

Khi vào bên trong Phòng giao dịch, Hiếu dùng bật lửa có hình dạng giống súng đe dọa nhân viên, cướp hơn 500 triệu đồng. Quá trình bỏ chạy, các đối tượng đã va chạm với người tham gia giao thông và đánh rơi hơn 300 triệu đồng cùng chiếc bật lửa giống khẩu súng.

Rạng sáng 8/3, Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Công an TP Hà Nội bắt giữ được Hiếu và Tùng, thu giữ khoảng 200 triệu đồng.

Theo cơ quan chức năng, Hiếu và Tùng đều không có nghề nghiệp ổn định, cả hai nợ tiền của nhiều người mà không có khả năng trả. Khoảng giữa tháng 2/2022, thông qua nhóm trên mạng xã hội Facebook có tên “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”, Hiếu và Tùng nhanh chóng thân quen rồi nảy sinh ý định cướp ngân hàng để lấy trả nợ.

Trước Tết Nguyên đán 2022, hai đối tượng từng khảo sát một số ngân hàng trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội. Do thấy các chi nhánh này luôn có đông người qua lại nên các đối tượng quyết định thay đổi địa điểm. Sau đó, Hiếu đề xuất cướp tại một phòng giao dịch của ngân hàng trên địa bàn phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm vì nơi này ít nhân viên và người đến giao dịch.

Chỉ huy Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, thông thường phòng giao dịch trên có 10 nhân viên trong một ca. Gần đây, do dịch bệnh COVID-19, chi nhánh Tây Hồ Tây chỉ có 3 nhân viên, trong đó có một bảo vệ. Biết điều này, Hiếu và Tùng đã mua các dụng cụ để cướp ngân hàng và khảo sát hướng bỏ chạy sau khi gây án. Hiện Công an TP Hà Nội, đang tạm giữ 2 đối tượng để tiếp tục điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định.

Trần Văn Hiếu và Nguyễn Thanh Tùng cùng số tang vật trong vụ cướp ngân hàng ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Làm gì để chống cướp ngân hàng

 Liên quan những vụ cướp nêu trên, Bộ Công an cho biết, trong những tháng đầu năm, công an một số tỉnh, thành phố trên cả nước ghi nhận, điều tra không ít vụ cướp nhà băng. Trong nhiều vụ, tội phạm sử dụng vũ khí thô sơ, súng hoặc đe dọa dùng súng, nổ bom để cướp tiền gây xôn xao dư luận.

Theo đại diện đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, thông thường trước khi gây án, nghi phạm sẽ chọn trụ sở ngân hàng để nghiên cứu quy luật hoạt động và sơ hở của lực lượng bảo vệ. Khi thực hiện, tội phạm thường có nhiều nhất 2 người, di chuyển bằng xe máy. Các đối tượng thường lợi dụng thời điểm nơi giao dịch vắng vẻ, bảo vệ mất cảnh giác rồi gây án.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này, Bộ Công an đề nghị các ngân hàng, trụ sở giao dịch tiền tệ, tổ chức tín dụng cần trang bị hệ thống camera công khai lẫn bí mật có khả năng theo dõi, kiểm soát được từ xa; Lắp đặt hệ thống báo động ở nơi bí mật, có thể phát tín hiệu khẩn cấp kết nối với cơ quan công an nơi gần nhất. Riêng camera cần cho ra hình ảnh, video chất lượng tốt, có độ phân giải cao.

Các địa điểm giao dịch cần có lực lượng bảo vệ đủ số lượng, trang bị đủ công cụ hỗ trợ hợp pháp và có sức khỏe, kỹ năng phản ứng với sự cố. Bảo vệ ngân hàng phải nâng cao cảnh giác, đặc biệt là khi có ít khách và lượng tiền giao dịch lớn.

Camera ghi được hình ảnh đối tượng dùng súng cướp ngân hàng tại Hải Phòng

Bộ Công an cũng đề nghị các ngân hàng tổ chức tập huấn định kỳ, thường xuyên cho nhân viên những kỹ năng cần thiết để đối phó với cướp, đặc biệt là tình huống tội phạm sử dụng vũ khí nóng. Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ và nhân viên giao dịch thường xuyên quan sát, kịp thời phát hiện ngay dấu hiệu nghi vấn để có biện pháp xử lý.

Lãnh đạo các phòng giao dịch, các chi nhánh ngân hàng cần thường xuyên cập nhật thông tin về phương thức, thủ đoạn của tội phạm cướp ngân hàng để phổ biến cho nhân viên; lực lượng bảo vệ, điều chỉnh quy định làm việc, hạn chế sơ hở tội phạm cướp ngân hàng lợi dụng gây án.

Đối với khách hàng đến giao dịch tiền mặt, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần tìm hiểu các quy định về an ninh trật tự tại nhà băng, tuân thủ sự hướng dẫn của bảo vệ và nhân viên ngân hàng. Ngoài ra, người đến giao dịch nên đề cao cảnh giác, phòng ngừa sự cố cướp tiền có thể xảy ra, chủ động bảo vệ tài sản của bản thân nhất là vào thời điểm vừa ra khỏi ngân hàng, lúc ít người và ở nơi vắng vẻ.

 Thành Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bún, phở, cà phê Việt Nam tạo sức hút tại triển lãm quốc tế

Tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản hôm nay 9-3 cho biết, Triển lãm Thực phẩm và đồ uống quốc tế lần thứ 47 (Foodex Japan 2022) đang diễn ra tại Nhật Bản quy tụ 10 gian hàng Việt Nam trưng bày các loại thực phẩm và đồ uống như: Bún, miến, phở khô, trái cây đông lạnh và sấy khô, các loại nước chấm và gia vị, cà phê…

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/canh-sat-bay-cach-ung-pho-voi-toi-pham-cuop-ngan-hang-191569.html