Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM được nhiều người check in sống ảo.
Nhiều ý kiến cho rằng, người dân hẻm Hào Sĩ Phường ở TP HCM cấm quay phim, chụp hình, hạn chế khách tham quan là bởi người dân trong con hẻm này sinh sống nhờ kinh doanh buôn bán truyền thống, không “được nhờ” từ số khách tham quan nói trên, chỉ toàn nhận phiền hà.
Ngược lại, một số con hẻm “check in sống ảo” khác tại Sài Gòn thì rất hồ hởi đón tiếp các bạn trẻ, thậm chí những đơn vị kinh doanh nơi đây còn biến con hẻm thông thường thành hẻm màu sắc, có đặc trưng riêng nhằm quảng bá, hút khách.
Một ví dụ là hẻm 144 Pastuer, TP HCM. Con hẻm thực chất là lối đi lên của một quán bia, nhưng được trang trí đầy sắc màu, tranh vẽ tạo nên phong cách riêng. Con hẻm này đã thu hút không biết bao nhiêu tín đồ sống ảo và cũng làm được chức năng chính là quảng bá hiệu quả cho quán bia trên.
Tương tự, con hẻm “Nhật Bản” ở đường Lê Thánh Tôn là nơi tập trung nhiều nhà hàng phong cách Nhật. Các nhà hàng này đã biến cả một con hẻm thành “khu phố Nhật thu nhỏ” bằng cách trang trí đậm chất Nhật bản, từ cây cối, tranh vẽ cho đến đèn lồng. Nhờ đó, con phố này luôn thu hút khách đến” check in và ăn uống đông đúc.
Một con hẻm nhỏ khác, nằm trong con đường Phạm Ngũ Lão, phố Tây quận 1 cũng đã trở thành điểm check in mới nổi của giới trẻ nhờ cách trang trí đậm chất Hồng Kong, được mệnh danh là “Little Hongkong”. Cũng nhờ đó mà doanh thu của hàng quán tại hẻm này vượt trội.
Tương tự, nhiều nhà hàng, quán cafe tại Sài Gòn cũng dùng cách “check in sống ảo” để thu hút khách. Chị Lê Minh Nguyệt, 35 tuổi, chủ cafe Mơ chia sẻ: “Thực chất, thiết kế, decor quán thật bắt mắt, phong cách độc lạ, nhiều góc sống ảo cũng là một cách quảng cáo hữu hiệu.
Thay vì bỏ tiền ra cho các chiến dịch marketing, chỉ cần quán đẹp, đúng gu giới trẻ, các bạn sẻ tự check in, review, chia sẻ thông tin cho nhau, quảng cáo giùm cho quán. Theo tôi, kinh doanh hiện nay không thể tách rời “gu” của các bạn trẻ. Chất lượng phục vụ, nước uống, thức ăn là yếu tố căn bản để giữ chân khách, nhưng cái đẹp độc đáo mới là thứ hút khách tò mò đến quán ban đầu”.
Tương tự, giờ đây, nhiều điểm du lịch, tham quan nhờ có trào lưu “sống ảo” của giới trẻ mà ăn nên làm ra. Như Thảo Cầm Viên Sài Gòn, đã có thời vắng khách, đìu hiu đến mức phải suýt đóng cửa. Nhưng nhờ sửa sang hợp lý, cộng với những bộ ảnh bắt mắt chụp các khung cảnh trong Thảo cầm viên của nhiều blogger du lịch, nơi này đã được giới trẻ chú ý, dần nổi tiếng, đông đúc trở lại. Hoặc những Bảo tàng áo dài, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM…, số lượng các bạn trẻ mua vé vào chụp ảnh không ít và chính số này góp phần quảng bá tốt cho những điểm đến nói trên.
Tuy nhiên, phục vụ sống ảo cũng cần đi kèm với “chất lượng thật”. Nếu không có nội hàm thì cái “ảo” bên ngoài cũng chỉ mua vui cho du khách được một thoáng chốc. Những nhà hàng, quán cafe chạy theo trào lưu “Sài Gòn xưa” và nhanh chóng dẹp bỏ, những quán ăn sống ảo đóng cửa vì bị chê dở, hay nhiều khu du lịch Đà Lạt bị gỡ bỏ, phê phán do bất chấp chạy theo trào lưu sống ảo... chính là bài học có thể thấy rõ.
Trân Trân - Theo Dân Trí