Chiến lược phòng chống dịch của Hà Nội “đi đúng hướng”

16/08/2021 09:09

Kinhte&Xahoi Đây là nhận định của PGS.TS Trần Đắc Phu, chuyên gia cố vấn tại Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

Hình minh họa.

Ông Phu đánh giá, TP Hà Nội đang đi đúng hướng trong công tác phòng, chống dịch. Thời gian qua, Hà Nội đã xét nghiệm miễn phí tất cả trường hợp ho, sốt hoặc có dấu hiệu nghi mắc COVID-19 trong cộng đồng. Mỗi ngày có gần 1.000 người đăng ký; qua đó đã phát hiện ra các ca bệnh, dù không nhiều nhưng ở rải rác khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Cụ thể trong 2 ngày cuối tuần, Hà Nội đã cách ly y tế đối với hơn 7.500 người ở một số phường Văn Chương, Hàng Bột, Thổ Quan, Khâm Thiên và Văn Miếu thuộc quận Đống Đa.

Hà Nội không xét nghiệm COVID-19 tràn lan, gây lãng phí, chỉ tập trung vào các đối tượng có nguy cơ và các vùng nguy cơ cao. Trong mấy ngày nay, Hà Nội đã lấy và xét nghiệm hàng trăm nghìn mẫu người trong diện này, phát hiện thêm một số ít ca mắc mới ở cộng đồng.

Để bảo vệ kết quả bước đầu này, từ nay đến hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội (6 giờ ngày 23/8), Hà Nội phải quyết liệt hơn nữa. Chỉ có giãn cách xã hội nghiêm ngặt mới cắt đứt được chuỗi lây nhiễm virus SARS-CoV-2 giữa người nhiễm đang lẩn khuất trong cộng đồng với người lành.

Ông Trần Đắc Phu nêu rõ, không thể nào xét nghiệm hết gần 10 triệu người dân đang ở Hà Nội. Bởi, nếu xét nghiệm, hôm nay có thể âm tính nhưng ngày mai lại dương tính do đang trong thời kỳ ủ bệnh. Do đó, Hà Nội cần thực hiện giãn cách xã hội nghiêm hơn nữa, kiên trì thực hiện thông điệp 5K để cắt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.

Song song với xét nghiệm, truy vết các ca mắc, Hà Nội cần tiếp tục bảo vệ “vùng xanh” an toàn. Bảo vệ vùng an toàn không có nghĩa là “ngăn sông cấm chợ” mà phải bảo vệ từ nếp sống an toàn trong từng xóm ngõ, nhà máy... từ đó, từng phường/xã, quận/huyện an toàn và toàn thành phố sẽ an toàn.

Để giảm số F0 trong khu cách ly, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu giám sát chặt chẽ việc tiếp xúc giữa các phòng trong khu cách ly; tiến hành giãn cách không quá 4 người trong 1 phòng; hạn chế tiếp xúc giữa những người trong cùng phòng và đảm bảo khoảng cách giữa các giường. Song song đó, thực hiện nghiêm việc phân loại và thu gom chất thải, để vận chuyển và xử lý theo đúng quy định tránh lây nhiễm chéo…

Coi việc điều trị bệnh nhân COVID-19 vẫn là nhiệm vụ quan trọng, do đó, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Phương án số 187/PA-UBND ngày 13/8 về đáp ứng oxy y tế trong tình huống có 40.000 người bệnh COVID-19 trên địa bàn.

Phương án được đề ra nhằm bố trí bảo đảm oxy y tế cho các bệnh viện, cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế, đồng thời sử dụng nguồn lực hợp lý, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Phương án thực hiện theo 3 giai đoạn, gồm: Giai đoạn đáp ứng tình huống 10.000 ca mắc COVID-19, giai đoạn đáp ứng tình huống 20.000 ca và giai đoạn đáp ứng tình huống 40.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn TP. Kinh phí thực hiện phương án từ các nguồn ngân sách nhà nước; viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, các nguồn vốn hợp pháp khác.

 Diệu Thảo - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nghề streamer, TikToker bùng nổ trở lại trong mùa dịch

Vài năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nghề streamer, TikToker đã có bước tiến vượt bậc và mang lại nguồn thu nhập đáng mơ ước với nhiều người. Trong mùa dịch, khi mà mọi người phải ở nhà nhiều hơn, ngành nghề này bùng nổ trở lại với những tín hiệu và sức hút đầy mạnh mẽ.

Ở nhà mùa dịch, có trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội

Vài năm trở lại đây, mạng xã hội đã trở thành một món ăn tinh thần không thế thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Khi dịch bệnh đến, chúng ta phải ở nhà nhiều hơn, mạng xã hội cũng vì thế mà trở nên gần gũi và được sử dụng nhiều hơn.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/thong-tin-covid-19/chien-luoc-phong-chong-dich-cua-ha-noi-di-dung-huong-d163561.html