Chính phủ ban hành Nghị quyết về BOT giao thông

02/07/2018 16:53

Kinhte&Xahoi Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về việc thực hiện chính sách pháp luật trong đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 83/NQ-CP triển khai thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Chính phủ ban hành Nghị quyết về BOT giao thông. (Ảnh minh hoạ)

Nghị quyết nêu rõ, về tổng kết việc triển khai thực hiện mô hình đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT nói riêng và đầu tư theo hình thức PPP nói chung, rà soát, đánh giá, tổng kết việc lập, triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP (bao gồm các loại hợp đồng) từ tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư phát triển các lĩnh vực kết cấu hạ tầng trong giai đoạn từ trước tới hết năm 2017 và cập nhật đến thời điểm báo cáo, nhằm đánh giá những mặt được và những hạn chế, bất cập, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục hữu hiệu.

Tổng hợp những kết luận của các Đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với các dự án PPP, trong đó nêu rõ những vấn đề đã được xử lý, đang xử lý và các kiến nghị nếu có; nghiên cứu tiếp thu những kiến nghị của thanh tra, Kiểm toán Nhà nước để thực hiện các biện pháp hữu hiệu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông vận tải theo hình thức hợp đồng BOT, BT nói riêng.

Triển khai các phương án xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém và kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm. Báo cáo tổng hợp tổng kết việc triển khai thực hiện các mô hình đầu tư theo hình thức PPP của Chính phủ bao gồm tất cả các ngành dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2018.

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu quy định chặt chẽ về tiêu chí lựa chọn dự án để đầu tư; bổ sung quy định về tiêu chí để đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, nghiên cứu quy định mức vốn chủ sở hữu phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng nhóm dự án, phù hợp với chủ trương huy động nguồn lực xã hội.

Rà soát quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các công trình theo hợp đồng BOT, trong đó tập trung sâu về các dự án giao thông; sửa đổi, rà soát, xây dựng và ban hành định mức, đơn giá và công bố chỉ số giá thị trường phù hợp với điều kiện thực tế, loại bỏ chi phí bất hợp lý của các trạm BOT.

Về tồn tại cần giải quyết của các công trình giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đã và đang triển khai, khẩn trương quyết toán các dự án đã hoàn thành để xác định phương án tài chính và thời gian thu phí sử dụng dịch vụ chính thức; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; thực hiện đúng cam kết của Nhà nước với nhà đầu tư về phần vốn hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; Thực hiện nghiêm túc các điều khoản về đảm bảo đầu tư nhằm bảo đảm khả năng thu hồi vốn của các dự án.

Xây dựng và ban hành tiêu chí thành lập trạm thu phí dịch vụ và nhà điều hành của các dự án nhằm đảm bảo tính kinh tế, sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư (trong đó có nghiên cứu, đánh giá sự hợp lý, cơ sở khoa học của quy định khoảng cách giữa 2 trạm), xây dựng mức phí phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến (thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng);

Từ năm 2019, Chính phủ yêu cầu triển khai đồng bộ thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước.

 

Theo KD & PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM