Chính phủ yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn để người dân an tâm nghỉ lễ 30/4 - 1/5

26/04/2022 06:39

Kinhte&Xahoi Để người dân an tâm nghỉ lễ, Chính phủ đã giao nhiều cơ quan bộ ngành chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

Ngày 25/4/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Công điện số 381/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5/2022.

Nội dung công điện như sau:

 Sau thời gian triển khai các giải pháp mở cửa lại hoạt động du lịch trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, hoạt động du lịch đã diễn ra sôi động tại nhiều địa phương trên cả nước, du lịch quốc tế từng bước được khôi phục.

Cáp treo Bana Hill. Ảnh Sunworld.

Tuy nhiên, đã bắt đầu nảy sinh một số vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh, vệ sinh môi trường... tại khu, điểm du lịch, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ du lịch. Để bảo đảm an ninh, an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5, đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Triển khai nhất quán, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm...; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Cụ thể:

a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, khách du lịch trong việc bảo đảm quy định về phòng, chống dịch COVID-19, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... tại các khu, điểm du lịch.


- Chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm an toàn trong hoạt động du lịch; giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm của tổ chức, cá nhân trong chấp hành pháp luật về kinh doanh du lịch, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch.

- Tiếp tục tuyên truyền, xúc tiến quảng bá điểm đến, đẩy mạnh triển khai kế hoạch mở cửa lại du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch COVID-19.

b) Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương chỉ đạo đẩy mạnh việc kiểm tra về an toàn thực phẩm, nhất là tại các khu, điểm du lịch; giải quyết kịp thời các sự cố về an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

c) Bộ Giao thông vận tải

 - Chỉ đạo nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, bảo đảm an toàn cho khách du lịch khi tham gia giao thông, nhất là tại những điểm nguy cơ cao xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông.

- Chỉ đạo công tác kiểm tra tại các bến tàu, nhà ga, bến xe, cảng hàng không, bến thủy nội địa trong việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, cung cấp thông tin cho hành khách, chất lượng phục vụ đối với hành khách.

d) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ căn cứ chức năng nhiệm vụ, chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý nhà nước toàn diện về du lịch trên địa bàn, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo có hiệu quả các nhiệm vụ sau:

a) Chỉ đạo các đơn vị quản lý khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo vệ sinh, môi trường, an toàn thực phẩm. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trong đảm bảo vệ sinh, môi trường, an toàn thực phẩm.  

b) Chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn và trật tự xã hội tại các khu, điểm du lịch. Yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch kiểm tra, rà soát chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ; tổ chức rà soát, lắp đặt biển chỉ dẫn, phân luồng giao thông bảo đảm an toàn, phòng ngừa ùn tắc, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận các khu, điểm du lịch; kiểm tra việc bảo đảm an toàn giao thông trong vận chuyển khách du lịch bằng ô tô, phương tiện thủy nội địa; bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh du lịch; kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây mất an toàn cho khách du lịch.

c) Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch; ngăn chặn tình trạng không niêm yết giá công khai và không bán đúng giá niêm yết, kinh doanh du lịch, lữ hành trái phép, lừa đảo, trục lợi, chèo kéo, nài ép khách du lịch vào dịp cao điểm. Giám sát các chương trình kích cầu, khuyến mại du lịch.

d) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch. Bảo đảm các trung tâm hỗ trợ du khách, đường dây nóng hoạt động hiệu quả, kịp thời cung cấp thông tin và giải quyết khiếu nại của khách du lịch trên địa bàn.

Yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định./.

 Chí Kiên - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lan tỏa và thúc đẩy văn hóa đọc trong giới trẻ

Với mong muốn nâng cao nhận thức của hội viên, thanh niên về giá trị của việc đọc sách, Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã ban hành kế hoạch về việc triển khai chương trình “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn” năm 2022.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/doi-song/chinh-phu-yeu-cau-dam-bao-an-ninh-an-toan-de-nguoi-dan-an-tam-nghi-le-30-4--1-5-d180717.html