Chuẩn bị mâm cúng giao thừa đúng cách để mang lại may mắn

08/02/2021 22:57

Kinhte&Xahoi Lễ cúng giao thừa đêm 30 Tết này mang ý nghĩa như một lời tạm biệt năm cũ và chào đón một năm mới, với bản thân, gia đình và những người yêu thương nhiều may mắn, sức khỏe và thành công. Vì vậy, cúng giao thừa như thế nào cần phải hết sức lưu ý và cẩn thận.

Giao thừa là khái niệm chỉ thời điểm chuyển tiếp giữa ngày cuối cùng của năm cũ và ngày đầu tiên của năm mới tính theo Âm lịch. Đây là một tập quán văn hóa quan trọng, có từ lâu đời của rất nhiều dân tộc trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Về nguồn gốc, từ “Giao thừa” có nghĩa là “Cũ giao lại, mới tiếp lấy - Lúc năm cũ qua, năm mới đến”.

Cúng giao thừa còn được gọi là Cúng trừ tịch, với ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu trong năm cũ để chào đón những điều tốt đẹp trong năm mới sắp đến. Lễ cúng giao thừa được tiến hành vào giờ chính Tý, tức là 12 giờ đêm ngày 30 tháng Chạp (có thể là 29 tùy năm).

Ảnh minh họa.

Người Việt tin rằng, mỗi năm sẽ có các vị thần Hành binh, Hành khiến, Phán quan cai quản hạ giới khác nhau. Theo đó, cứ hết một năm, vị Hành khiển cai quản trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển cai quản năm mới. Chính vì thế, người dân làm lễ cúng giao thừa nhằm tiễn đưa vị thần năm cũ đồng thời chào đó vị thần năm mới, xin các thần phù hộ cho gia đình một năm bình yên, hạnh phúc.

Ý nghĩa của việc cúng giao thừa

Cúng giao thừa (đêm 30 Tết) trong dân gian như một bữa tiệc “tiễn đưa năm cũ”, tiễn những vị thần năm cũ và chào đón những vị thần mới. Cầu mong các vị thần sẽ phù hộ cho gia đình một năm mới may mắn, bình an, hạnh phúc và làm ăn phát đạt.

Người ta tin rằng tất cả những điều tốt và xấu xảy ra vào thời điểm này đều sẽ liên quan đến các thành viên trong gia đình trong năm mới. Trong thời khắc thiêng liêng ấy, mọi người đều quên hết những điều không hay trong năm cũ. Tất cả những điều kiêng kỵ đều được thực hiện triệt để từ thời khắc giao thừa đến sáng sớm mùng 1 Tết.

Mâm cúng giao thừa trong nhà

Mâm cơm cúng giao thừa sẽ khác nhau tùy theo từng phong tục của mỗi vùng miền, dưới đây là mâm cơm cúng giao thừa phổ biến nhất tại 3 miền:

Mâm cúng giao thừa ở miền Bắc

Mâm cơm cúng giao thừa ở miền Bắc thường là những món ăn truyền thống, bao gồm 4 bát, 4 đĩa. Nếu cỗ lớn hay gia đình có điều kiện thì bao gồm 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa. Thông thường, các món ăn đó gồm: Bát móng giò hầm măng, bát bóng nấu thập cẩm, bát mọc, bát miến nấu lòng gà. Đĩa thịt gà luộc, đĩa giò lụa, đĩa nem, đĩa giò xào, đĩa nộm, đĩa hành muối, đĩa bánh chưng.

Mâm cúng giao thừa ở miền Trung

Mâm cỗ cúng giao thừa ở miền Trung thường sẽ có cả bánh chưng và bánh tét. Ngoài ra, mâm cỗ giao thừa còn bao gồm các món ăn khác như: Đĩa dưa món, đĩa giò lụa Huế, đĩa thịt đông, đĩa gà bóp rau răm, đĩa chả Huế, đĩa thịt heo luộc, dưa giá, bát măng khô ninh, bát miến, đĩa cá chiên, đĩa ram...

Ảnh minh họa.

Ở một số nơi tại miền Trung, người ta còn làm nhiều món khác như: Cuốn diếp gỏi ngó sen, gỏi bao tử, bánh răng bừa, xà lách gân bò, chả tôm, nem lụi…

Mâm cúng giao thừa ở miền Nam

Do đặc trưng thời tiết nắng nóng nên mâm cỗ cúng giao thừa ở miền Nam thường ưu tiên các món nguội. Cụ thể, mâm cỗ cúng bao gồm: Canh măng tươi, canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho hột vịt, gỏi tôm thịt, chả giò, dưa giá, củ kiệu, bánh tét ăn kèm củ cải ngâm nước mắm...

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị các lễ vật khác như: 1 đĩa trầu cau, 1 đĩa trái cây gồm 5 loại quả, đèn dầu, 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo, 3 hoặc 5 ly trà, bánh mứt các loại tùy vào gia đình, 1 bình hoa tươi, vàng mã...

Chuẩn bị mâm cúng giao thừa ngoài trời

Mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời gồm có: 1 con gà trống hoa luộc nguyên con có mào cờ, mỏ ngậm bông hoa hồng, 1 đĩa xôi gấc (hoặc bánh chưng), bánh kẹo, 1 mâm ngũ quả, rượu, trà, quả cau, lá trầu, 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo, nhang, đèn…

Ngoài ra, mâm cỗ cũng bao gồm các vật phẩm quần áo, mũ, ủng quan Thần linh cùng với vàng, tiền. Năm Tân Sửu 2021 thuộc hành Thổ nên bạn có thể chuẩn bị quần áo, mũ, ủng màu nâu, vàng, cam...

Hiện nay, có một số người quan niệm năm con gì thì cúng con đấy, như năm Dậu cúng gà, năm Sửu cúng trâu... hoặc lại có quan niệm năm con gì thì kiêng cúng con đấy. Theo một số chuyên gia văn hóa thì quan niệm này không đúng, bởi theo tục lệ chỉ cần có thịt động vật trên mâm cỗ là được.

Cũng có gia đình làm cỗ ngọt và chay hương, hoa, đèn nến, bánh kẹo; mứt Tết và các loại đồ uống khác.

Tùy điều kiện mỗi gia đình có thể sắm lễ vật khác nhau, có thể chỉ là đĩa thịt lợn luộc, cần nhất vẫn là lòng thành, các vị Hành khiển chỉ cần chứng nhận qua chén rượu, nén hương... miễn sao trong đó chứa đựng tấm lòng thành kính.

(*) Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!

 Lan Anh / Tiêu Dùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chợ hoa Tết - điểm hẹn văn hóa ngày Tết của Hà Nội

Đã thành nét đẹp truyền thống, khoảng một tháng trước Tết, Hà Nội có nhiều chợ hoa được tổ chức. Tuy nhiên năm nay, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người dân đến với các khu chợ hoa ít hơn. Mặc dù vậy, dạo quanh các ngõ phố, chợ hoa vẫn đem đến cho người dân những cảm nhận đặc trưng dư vị ngày Tết ở mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/chuan-bi-mam-cung-giao-thua-dung-cach-de-mang-lai-may-man-409540.html