Chuỗi hoạt động kỷ niệm 15 năm đón nhận bằng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đình Thọ Tháp

29/04/2023 07:17

Kinhte&Xahoi Ngày 28/4, tại phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) diễn ra Lễ hội truyền thống, khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo đình Thọ Tháp, chùa Bảo Tháp và Kỷ niệm 15 năm đón nhận Bằng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đình Thọ Tháp. Buổi lễ diễn ra trong niềm vui phấn khởi của cấp uỷ, chính quyền quận Cầu Giấy, phường Dịch Vọng và đáp ứng được mong mỏi của Nhân dân trên địa bàn.

Đình Thọ Tháp và chùa Bảo Tháp là hai công trình có giá trị tâm linh lớn đối với người dân trên địa bàn phường Dịch Vọng nói riêng và quận Cầu Giấy nói chung. Hai công trình này vừa được đưa vào sử dụng sau một thời gian dài tu bổ, tôn tạo.

Công trình tu bổ, tôn tạo đình Thọ Tháp

Đây là những địa danh tín ngưỡng nổi tiếng. Truyền thuyết dân gian kể lại rằng: Vùng đất này là địa bàn chiêu mộ quân sĩ của Chu Lý Đại Vương và Triệu Trí Thành Đại Vương, nối nghiệp sự nghiệp của Lý Bôn chống quân xâm lược nhà Lương ở cuối thế kỷ VI và chống quân xâm lược nhà Tuỳ ở thế kỷ VII. Điển tích của hai Đại vương còn được ghi lại trong thần phả và khắc tên trên bia đá, đặt ngai và bài vị thờ tại đình Thọ Tháp, ngay sát chùa Bảo Tháp, người xưa thường gọi là “tiền Thần, hậu Phật”.

Đình Thọ Tháp có hai sắc phong, được phong dưới triều nhà Nguyễn. Từ xưa đến nay, Nhân dân địa phương đã lấy ngày mồng 9/3 Âm lịch - là ngày sinh của Chu Lý Đại vương, mở lễ hội để tri ân công đức của hai vị thần và cầu cho quốc thái dân an.

Với vị trí địa lý đặc biệt, đình Thọ Tháp, chùa Bảo Tháp là nơi bảo lưu, gìn giữ những di sản văn hóa tốt đẹp của Nhân dân; Nơi thăm viếng, thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo Phật pháp. Những giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của di tích là tài sản quý báu của địa phương, của dân tộc.

Năm 2008, đình Thọ Tháp được xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp TP theo Quyết định số 814/QĐ-UBND ngày 29/2/2008.

Năm 2010, chùa Bảo Tháp được xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp TP theo Quyết định số 5500/QĐ-UBND ngày 5/11/2010.

Các đại biểu tham dự lễ hội truyền thống, khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo đình Thọ Tháp, chùa Bảo Tháp và Kỷ niệm 15 năm đón nhận Bằng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đình Thọ Tháp

Dân làng Dịch Vọng hằng năm thường tổ chức lễ hội mùa xuân vào ngày rằm tháng Giêng tại chùa Hà; Từ ngày 8 đến 9/3 Âm lịch (chính hội ngày 9/3) tại đình Thọ Tháp, cứ 5 năm một lần lại mở đại lễ hội. Các trò vui dân gian diễn ra gồm: Hát chèo, đu dây, đánh vật, chọi gà, cờ tướng, đập niêu, đấu vật…

Đình Thọ Tháp hiện bảo lưu được nhiều cổ vật có giá trị lịch sử và mỹ thuật, trong đó đặc biệt có bản thần tích được sao ở đền Hùng năm Tự Đức thứ 25 (1872) và đạo sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924).

Một nghi lễ trong Lễ hội truyền thống đình Thọ Tháp

Cùng với thời gian sử dụng lâu dài, di tích đình Thọ Tháp, chùa Bảo Tháp đã xuống cấp. Việc tu bổ, phục hồi di tích nhằm đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân địa phương. Đảng uỷ, UBND phường Dịch Vọng đã báo cáo Quận uỷ - HĐND - UBND quận Cầu Giấy giao Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng quận - là Chủ đầu tư triển khai đầu tư 2 dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Thọ Tháp, chùa Bảo Tháp giai đoạn năm 2019 - 2022. Đến nay, công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng.

Được biết, dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Thọ Tháp được UBND quận Cầu Giấy phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2307/QĐ-UBND ngày 24/10/2019 với tổng mức đầu tư 28 tỷ đồng. Quy mô đầu tư: nghi môn (giữ nguyên), tả vu, hữu vu, đại đình, nhà thủ từ - bếp, cổng phụ và khu vệ sinh; Tu bổ tổng thể khuôn viên di tích: Nghi môn, tả vu, hữu vu, đại đình, nhà thủ từ - bếp, sân, vườn và các hạng mục phụ trợ.

Lãnh đạo HĐND - UBND quận Cầu Giấy thực hiện nghi lễ trong Lễ hội truyền thống

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Bảo Tháp được UBND quận Cầu Giấy phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 2306/QĐ-UBND ngày 24/10/2019 với tổng mức đầu tư 19 tỷ đồng. Quy mô đầu tư: Quy hoạch và tu bổ tổng thể khuôn viên di tích cổng Tam quan, nhà Tam bảo, nhà tổ, nhà mẫu, nhà tăng, nhà khách, sân, vườn và các hạng mục phụ trợ.

Đội tế lễ

Đình Thọ Tháp và chùa Bảo Tháp là tài sản kiến trúc nghệ thuật vô giá mà ông cha đã để lại cho muôn đời sau.

Đông đảo đại biểu tham dự chung vui với Nhân dân phường Dịch Vọng

Tại buổi lễ năm nay, phần lễ với các hoạt động tế lễ, dâng hương, biểu diễn nghệ thuật vở chèo “Trương Viên”; Phần hội với nhiều hoạt động giao hữu cầu lông, thể dục dưỡng sinh, trò chơi dân gian giao lưu bóng chuyền hơi, bóng bàn và hát quan họ…

Một số hình ảnh trong chuỗi hoạt động:

Màn trống khai hội
Các cụ bô lão trong làng thực hiện nghi lễ
Đội tế lễ
Đây đều là những người có uy tín trong làng
Nghi lễ diễn ra trang nghiêm
Điệu múa mang sắc màu truyền thống
Những bạn nhỏ cũng tham gia phần lễ hội với điệu múa cờ, thể hiện sức trẻ, sự tiếp nối truyền thống ông cha
Hoạt động hát chèo truyền thống trên Ao Đình
  Hoa Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đưa văn hóa Việt lên phim, dù khó vẫn cần làm

Công chúng Việt luôn dành sự quan tâm và thiện cảm lớn đối với những bộ phim có chứa những yếu tố đẹp về văn hóa, bản sắc dân tộc. Nhưng để có những tác phẩm hay theo mảng đề tài này luôn là thách thức đối với các nhà làm phim.

Hà Nội biểu diễn nghệ thuật chào mừng kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam 30/4

Chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) và 136 năm Ngày Quốc tế lao động 1/5, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và các đơn vị nghệ thuật của Thủ đô sẽ tổ chức nhiều đêm diễn phục vụ khán giả tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/chuoi-hoat-dong-ky-niem-15-nam-don-nhan-bang-di-tich-lich-su-va-kien-truc-nghe-thuat-dinh-tho-thap-222920.html