Chuyên gia khuyến nghị giải pháp nhằm sớm khống chế ổ dịch Covid-19 thôn Hạ Lôi

15/04/2020 16:15

Kinhte&Xahoi Liên quan đến ổ dịch Covid-19 tại thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh), PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đánh giá, đây là ổ dịch phức tạp nhất cả nước hiện nay.

Phun thuốc khử khuẩn môi trường tại thôn Hạ Lôi 

Theo PGS.TS Trần Như Dương, người đã có những kinh nghiệm quan trọng trong công tác khống chế dịch Covid-19 tại xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), một trong những giải pháp quan trọng nhất để khống chế thành công ổ dịch thôn Hạ Lôi là phải “an dân” trong vùng cách ly y tế.

“Chúng ta đang tuyên truyền tốt, nhưng cần phát động toàn dân tham gia phòng chống dịch. Người dân vùng cách ly phải đồng lòng, còn không đồng lòng thì khó chống được dịch” - PGS.TS Trần Như Dương nói với Kinh tế & Đô thị.

Toàn dân phòng chống dịch ở đây, theo PGS.TS Trần Như Dương đơn giản là... ở nhà. Cùng với đó là cộng tác với y tế để minh bạch thông tin. Người dân không được giấu giếm bất cứ thông tin gì cả, và phải tham gia cùng chính quyền đảm bảo việc cách ly đối với người có biểu hiện không chấp hành, tức “theo dõi giám sát lẫn nhau”, ai không chấp hành cần báo với chính quyền ngay.

Xung quanh ý kiến cho rằng, có thể tổ chức cách ly tại nhà để tiết kiệm chi phí chống dịch, PGS.TS Trần Như Dương cho rằng, đó là điều không nên. “Cách ly tại nhà nhiều khi không quản được nên vẫn cần cách ly tập trung. Thực tế, đã có nhiều trường hợp bị lây cho cả nhà, như tại Trung Quốc. Cách ly tập trung dù tốn kém hơn nhưng như vậy mới quản lý giám sát được thường xuyên” - PGS.TS Trần Như Dương nhận định.

Đối với nhiệm vụ trong những ngày tới, PGS.TS Trần Như Dương cho biết, cần tập trung lấy mẫu F1 để thông tin cho người dân bị F2 an tâm. F1 âm tính thì F2 hoàn toàn yên tâm. Đây là yếu tố đánh giá trên cơ sở khoa học về y tế, có thể giúp ổn định tâm lý cho người dân vùng cách ly.

Nhấn mạnh đối với thôn Hạ Lôi, quan trọng nhất hiện nay là tổ chức phát hiện - cách ly. Ở đó, các tổ giám sát phải thực hiện đo thân nhiệt, thăm hỏi sức khoẻ người dân thường xuyên, vì nhiều trường hợp không sốt, không ho. “Ai mệt mỏi, đau người, gai người, lừ đừ, không cần sốt cũng cần theo dõi chặt chẽ hơn. Diễn biến dịch khiến chúng ta phải nhạy cảm hơn với phát hiện bệnh, đừng chờ có biểu hiện rồi mới giám sát chặt” - PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Du lịch trực tuyến trong mùa dịch Covid-19: Tìm cơ hội trong thách thức

Ngành Du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khi hầu như toàn bộ hoạt động bị tê liệt. Tuy nhiên, trong khó khăn, thách thức, không ít doanh nghiệp, đơn vị vẫn nỗ lực tìm kiếm cơ hội, xây dựng hướng đi mới làm nền tảng cho sự phát triển bền vững sau này, nổi bật là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phát triển hình thức du lịch trực tuyến (online)...

Hóa giải tức giận theo nguyên tắc chữ Nhẫn của nhà Phật

Nhẫn theo giáo lí nhà Phật là cách tu để hóa giải sự tức giận từ đó thoát khỏi những đau khổ, khó chịu để đạt được sự an lạc, tự tại. “Nhẫn nhục” là tiêu diệt tức giận; là một liệu pháp điều tiết, cân bằng trạng thái tâm lí. Khi đạt đến mức độ cao nhất thì “Nhẫn vô khả nhẫn”, tức là đang nhẫn nhục mà an lạc, tự tại như không phải “Nhẫn”.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/chuyen-gia-khuyen-nghi-giai-phap-nham-som-khong-che-o-dich-covid-19-thon-ha-loi-381225.html