Cổ tự linh thiêng trên núi Đại Huệ nắm giữ nhiều kỷ lục Việt Nam

20/08/2021 07:43

Kinhte&Xahoi Giữa cảnh sắc núi non hùng vĩ, chùa Đại Tuệ hiện lên thấp thoáng trong mây ngay trên động Thăng Thiên, làm nao lòng không biết bao du khách mỗi khi có dịp vãn cảnh chùa. Đây được xem là điểm du lịch tâm linh văn hóa xứ Nghệ. Ngôi chùa cổ này còn trở nên nổi tiếng khi đang nắm giữ những kỷ lục Việt Nam.

Toàn cảnh chùa Đại Tuệ.

Nơi hội tụ tâm linh văn hóa xứ Nghệ

Chùa Đại Tuệ còn có tên gọi khác là chùa Đại Huệ, chùa Cao… Chùa tọa lạc trên động Thăng Thiên, đây là một trong những đỉnh núi cao nhất trong dãy núi Đại Huệ (thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Đây là ngôi chùa cổ, duy nhất trên cả nước thờ Phật bà Đại Tuệ, nghĩa là trí tuệ lớn làm giác ngộ thành Phật Mẫu.

Chùa Đại Tuệ ghi dấu Phật giáo lâu đời trên vùng đất Nghệ An, non nước điệp trùng, trời mây tụ khí lành, cây cỏ xanh tươi bốn mùa. Tương truyền, chùa Đại Tuệ được xây dựng từ thời Mai Hắc Đế ở đầu thế kỷ thứ VIII. Đến đầu thế kỷ XV, chùa lại được Vua Hồ Quý Ly xây cất lại để thờ Phật bà Đại Tuệ - người có công giúp Hồ Vương xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc Minh.

Năm 1789, trên đường ra Bắc đại phá quân Thanh, vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đã dừng chân ở đây chiêu mộ mười vạn quân sĩ tổ chức huấn luyện ở trước sân chùa. Tại đây, vua được nhà sư ở chùa mách bảo kế sách hành quân vừa tránh được tai mắt kẻ địch, rút ngắn được đường ra Thăng Long.

Thuận lời sư, Quang Trung đã hành quân cấp tốc ra Thăng Long đại phá 29 vạn quân Thanh trước dự định hai ngày. Chiến thắng trở về, Hoàng đế Quang Trung chiếu xuống cắt 20 mẫu ruộng giao cho chùa để dân làng lo việc hương khói, thờ cúng. Do quá trình biến thiên của lịch sử và thời gian, chùa Đại Tuệ chỉ còn lại 3 bức tường rêu phong và một mái nhà tranh.

Hệ thống tượng bằng gỗ dâu nguyên khối nhiều nhất là một trong những kỷ lục của chùa.

Trên núi Đại Huệ gần chùa Đại Tuệ có một ngôi mộ xây bằng đá. Người dân địa phương cho biết: Khi bị nhà Nguyễn truy sát, Hoàng đế Cảnh Thịnh (Vua Quang Toàn – con trai của Quang Trung) đã chạy lên núi Đại Huệ, xuống tóc tu tại chùa Đại Tuệ.

Sau khi viên tịch, mộ vua Cảnh Thịnh đã được chôn cất tại đây. Cùng với một số di tích và những câu chuyện lan truyền trong dân gian, chùa Đại Tuệ còn lưu giữ pho tượng Phật Tam thế, 5 bộ sách kinh Phật, bia đá, một số bát hương, bát gốm cổ.

Trước những đóng góp tích cực trong công cuộc bảo vệ nền độc lập cho dân tộc qua nhiều thời kỳ lịch sử, và sự nhiệt thành của thập phương Phật tử gần xa, ngày 16/4/2011, Chùa Đại Tuệ chính thức được khởi công xây dựng lại với 3 phần chùa Thượng, chùa Trung và chùa Hạ. Tháng 10/2015, chùa Thượng đã hoàn thành với bảo tháp Đại Tuệ cao chín tầng, Đại hùng bảo điện, Tổ đường, nhà thờ Ngũ đế cùng với khu Tăng xá, nhà cư sỹ, khách đường, lầu chuông lầu khánh…

Pho tượng khổng lồ bằng đá hồng ngọc nguyên khối.

Điều đặc biệt là toàn bộ hệ thống tượng pháp trên đại tháp chùa Thượng được làm bằng ngọc quý; tượng pháp trong Đại điện cũng như Tổ đường và nhà thờ Ngũ đế được làm từ gỗ dâu nguyên khối. Bên cạnh đó, tất cả câu đối đại tự trên chùa Đại Tuệ được viết toàn bằng chữ thuần Việt. Đây là điểm nhấn đặc sắc nhằm tôn vinh nét đẹp và giá trị trường tồn của văn hóa Việt trong dòng chảy văn hóa, lịch sử.

Chùa Đại Tuệ tọa lạc trên khuôn viên khoảng 6.000m2, ở độ cao hơn 450m so với mực nước biển trong một không gian tĩnh lặng, cảnh vật thơ mộng, hữu tình. Đứng từ đây, có thể chiêm ngưỡng cả một vùng di tích danh thắng bao quanh như dòng Lam giang hiền hòa uốn lượn, phóng tầm mắt say ngắm toàn cảnh Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên, Vinh, Nghi Lộc....

Sau lưng chùa Đại Tuệ là đỉnh động Thăng Thiên có bàn cờ Tiên bằng đá. Cách chùa một trăm mét về phía Tây có tảng đá lớn khoảng năm khối, dùng đá gõ vào phát âm thanh như tiếng mõ (nhân dân gọi là Đá Mõ).

Ngôi chùa nắm giữ nhiều kỷ lục Việt Nam

Nằm ở độ cao hơn 450 m so với mực nước biển nên chùa Đại Tuệ còn có một điều rất đặc biệt đó là thời tiết trên chùa khác hoàn toàn với những vùng dân cư xung quanh. Ở đây trong một ngày du khách sẽ cảm nhận được 4 mùa.

Buổi sáng là không khí thoáng đãng, ấm áp của mùa xuân, buổi trưa sẽ được thưởng thức những tia nắng chói chang của mùa hè, buổi chiều là không khí mát mẻ của mùa thu, còn tối đến là cái se lạnh của mùa đông. Đặc biệt, vào sáng sớm hay chiều tối ở đây thường có mây mù bao phủ, những đám mây trắng bay là là trên các cành cây ngọn cỏ giống như ở chốn bồng lai tiên cảnh.

Những điều đặc biệt trên khiến chùa Đại Tuệ được nhiều du khách biết đến. Chưa hết, ngôi chùa cổ này còn có những kỷ lục đã được xác nhận. Theo đó, vào tháng 2/2016, tại chùa Đại Tuệ, Hội kỷ lục gia Việt Nam đã xác nhận 4 kỷ lục Việt Nam cho ngôi chùa này.

Tượng Phật Ngọc hòa bình thế giới được cung nghinh về chùa Đại Tuệ vào năm 2017.

4 kỷ lục được xác nhận gồm: Ngôi chùa trên núi có hồ nhân tạo lớn nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng đá bằng hồng ngọc nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng bằng gỗ dâu nguyên khối nhiều nhất và ngôi chùa có hệ thống câu đối bằng thư pháp thuần Việt nhiều nhất Việt Nam.

Cũng trong năm đó, đại diện Ban Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, Ban trị sự Giáo hội phật giáo tỉnh Nghệ An, trụ trì Chùa Đại Tuệ đã tổ chức lễ khai bút đầu năm. Đây là một hình thức khuyến học được đông đảo quần chúng nhân dân và tăng ni phật tử tham gia, hưởng ứng.

Những năm sau, tục khai bút tại chùa là hoạt động thường niên nhằm giáo dục con cháu về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc. Hoạt động này còn mang ý niệm tâm linh, gửi gắm ước vọng về một năm khởi đầu sự học, sự nghiệp suôn sẻ, thành công; những cán bộ đang công tác tiếp tục nâng cao trí tuệ để phục vụ đất nước và nhân dân.

Trước đó, vào tháng 5/2015, tại Chùa Đại Tuệ đã diễn ra lễ đón nhận Kỷ lục “Bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hoa sen lớn nhất thế giới” do liên minh Kỷ lục thế giới trao tặng. Bức tranh Bác Hồ bằng hoa sen với hai màu chủ đạo là hồng và trắng, có kích thước 4x6m (chiều rộng: 4m và chiều cao: 6m) với ý nghĩa kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm đó, bức tranh được đặt trang trọng tại chùa Đại Tuệ, đã thu hút nhiều du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Chùa Đại Tuệ là ngôi chùa duy nhất trên đất nước Việt Nam thờ Phật mẫu Đại Tuệ. Một không gian chứa đựng trí tuệ vi phàm, nhắc nhở mọi người nhớ về luật nhân quả, tu tâm dưỡng tính để tự hoàn thiện nhân cách cho chính mình và góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

Lễ cung nghinh tượng Phật Ngọc hòa bình thế giới

Đầu năm 2017, tại chùa Đại Tuệ đã diễn ra một sự kiện vô cùng đặc biệt. Cụ thể, ngày 21/1/2017, đông đảo chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử và du khách thập phương đã tổ chức lễ cung nghinh tượng Phật Ngọc hòa bình thế giới từ chùa Diệc (TP Vinh) về an vị tại chùa Đại Tuệ. Tượng Phật Ngọc nặng 4,5 tấn, cao 2,54m, ngang 1,77m, gồm 5 phần ghép lại là kim thân, nhục kế, hào quang, tòa sen, bình bát. Hành trình dài hơn 20 km nhưng phải mất rất nhiều thời gian, bởi đoàn diễu hành phải đi qua đoạn đường núi, dốc dài hơn 4km mới đặt chân lên chùa Đại Tuệ. Ngôi chùa này được chọn là nơi an vị cuối cùng của tượng Phật Ngọc trước khi di chuyển sang nước Úc an vị vĩnh viễn. 

 Kim Long - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nghề streamer, TikToker bùng nổ trở lại trong mùa dịch

Vài năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nghề streamer, TikToker đã có bước tiến vượt bậc và mang lại nguồn thu nhập đáng mơ ước với nhiều người. Trong mùa dịch, khi mà mọi người phải ở nhà nhiều hơn, ngành nghề này bùng nổ trở lại với những tín hiệu và sức hút đầy mạnh mẽ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/co-tu-linh-thieng-tren-nui-dai-hue-nam-giu-nhieu-ky-luc-viet-nam-d163949.html