Công ty XKLĐ Hogamex thu phí 'vượt ngưỡng' trái quy định?

11/07/2018 10:13

Kinhte&Xahoi Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu 3-2 Hòa Bình (gọi tắt là công ty XKLĐ Hogamex) đang bị người lao động tố thu phí “vượt ngưỡng” so với quy định của Bộ LĐ -TBXH.

Phản ánh đến tòa soạn, nhiều người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) Nhật Bản bức xúc cho biết, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu 3-2 Hòa Bình (gọi tắt là Công ty XKLĐ Hogamex) có địa chỉ chi nhánh văn phòng tại tầng 10 – Tòa nhà SUCED – Số 108 Đường Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội. (Cách bến xe Mỹ Đình 500m) có dấu hiệu thu phí “vượt ngưỡng” so với quy định của Bộ LĐ –TBXH.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, PV đã vào cuộc tìm hiểu và được biết, Công ty XKLĐ Hogamex có trụ sở chính tại số 14 An Dương Vương (P.Chăm Mát - TP. Hòa Bình - tỉnh Hòa Bình) có văn phòng ở Hà Nội tại tầng 10, Tòa nhà Suced, số 108, đường Nguyễn Hoàng (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Văn phòng ở TP. HCM: 169/21 Nguyễn Tư Giản, phường 12, quận Gò Vấp TP. HCM.

Trong vai người có nhu cầu muốn đi xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản, PV được nhân viên tự xưng là của Công ty XKLĐ Hogamex làm nhiệm vụ tuyển dụng người đi XKLĐ tư vấn với những lời nói “có cánh” như: Nằm trong TOP những công ty hàng đầu về lĩnh vực tư vấn XKLĐ sang Nhật. Mỗi năm công ty thực hiện hàng nghìn lượt XKLĐ sang Nhật. Uy tín và hiệu quả là cảm nhận của những cảm nhận của những tu nghiệp sinh đã gửi gắm sự tin tưởng cho Nhân lực...

Lô gô Công ty xuất khẩu lao độngHogamex.

Kể từ ngày thành lập, Công ty khởi nghiệp từ ngành xuất khẩu lao động ra nước ngoài và đạt được những thành tích nhất định trong các lĩnh vực như: xuất nhập khẩu hàng hóa, may mặc, giới thiệu việc làm trong nước kinh doanh bất động sản. Đặc biệt, trong lĩnh vực phái cử thực tập sinh (TTS) kỹ năng sang Nhật thì công ty là doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tiên được cấp phép. Trong công cuộc này, công ty phái cử sang Nhật những TTS khỏe mạnh, có kỹ năng tốt và có khả năng giao tiếp tiếng Nhật tốt. Đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam và Nhật Bản, cũng như các quy định của chương trình TTS...

Sau khi “tâng bốc” công ty xong, PV được nhân viên Công ty XKLĐ Hogamex tư vấn, giới thiệu quy trình đi XKLĐ sang Nhật Bản. Tại đây, ứng viên sẽ được nhân viên của công ty tư vấn có các gói đi XKLĐ tại một số lĩnh vực như: Xây dựng, điện tử, cơ khí, thực phẩm... với tùy từng mức chi phí dao động từ 100 - 170 triệu đồng/đơn hàng. Sau khi trúng tuyến, vào từng "đơn hàng" mà ứng viên sẽ có thời gian học từ 4 - 6 tháng.

Để đăng ký làm học viên theo học tại công ty, ứng viên cần phải đáp ứng một số yếu tố như: Thứ nhất ứng viên phải có sức khỏe, thứ hai là ứng viên phải đặt cọc "phí thi tuyển đơn hàng" là 10 triệu đồng. "10 triệu đặt cọc trước, cái đấy là để đảm bảo thi tuyển "đơn hàng". Nếu trúng tuyển thì sẽ được tính vào phí xuất cảnh hoặc là tiền ăn.

Còn về hồ sơ đi XKLĐ, nhân viên của công ty cho hay ứng viên chỉ cần đem theo một số giấy tờ như: Sổ hộ khẩu bản gốc, CMTND bản gốc, giấy khám sức khỏe để công ty đăng ký "đơn hàng" cho ứng viên.

Theo lời tư vấn của nhân viên công ty, ứng viên đi trong thời gian 3 năm đối với các "đơn hàng" thực phẩm, cơ khí... Visa theo diện "thực tập sinh".

Người này còn cho biết, căn cứ vào từng đơn hàng cụ thể mà công ty sẽ đưa ra để tư vấn cho người lao động cùng với đó là mỗi đơn hàng sẽ có một mức phí phải đóng khác nhau. Khi có đơn hàng cụ thể từ đối tác hoặc người tìm kiếm đơn hàng phía bên Nhật Bản, công ty sẽ giới thiệu từng đơn hàng, tính chất công việc mà người lao động sẽ làm tại Nhật Bản, mức lương được hưởng.

Trước đó, vào tháng 4/2016, Bộ LĐ-TBXH đã có văn bản 1123/LĐTBXH-QLLĐNN về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp chấn chỉnh đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản. Bộ LĐ-TBXH nghiêm cấm các hành vi thu tiền trước dưới mọi hình thức đối với học viên thực tập sinh. Trong văn bản này đã quy định rõ, các khoản phí doanh nghiệp thu không được vượt quá 3.600USD/người/hợp đồng ba năm và không quá 1.200USD/ người/hợp đồng một năm. DN chỉ được thu các khoản phí sau khi học viên, người lao động đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và doanh nghiệp đã ký hợp đồng với Nhật. Việc nộp chi phí đi XKLĐ tại Công ty XKLĐ Hogamex ứng viên phải nộp giao động từ 4000 USD đến 6500 USD tùy vào từng đơn hàng là đã vượt quá mức so với quy định rất nhiều.

Nhân viên của Công ty XKLĐ Hogamex từ chối tiếp nhận và nói là không làm việc với giấy giới thiệu.

Để làm rõ những sai phạm liên quan đến việc đưa người lao động đi xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản của Công ty XKLĐ Hogamex có dấu hiệu thu phí vượt ngưỡng so với mức quy định của Bộ LĐ-TBXH, PV đã tới văn phòng công ty liên hệ đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, nhân viên của Công ty XKLĐ Hogamex từ chối tiếp nhận và nói là không làm việc với giấy giới thiệu.

Theo Luật Báo chí mới, (khoản 1 điều 25 Luật Báo chí sủa đổi năm 2016). “Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo”. Còn, phóng viên theo những chuyên gia pháp luật về báo chí, khái niệm “Phóng viên” trong Luật Báo chí được hiểu là người được ký hợp đồng với tòa soạn với chức danh “Phóng viên” nhưng chưa đủ điều kiện để cấp thẻ Nhà báo. Phóng viên là người đến cơ sở, thông qua các biện pháp nghiệp vụ của mình khai thác, xử lý thông tin viết bài đăng báo. Thông thường phóng viên chưa có thẻ Nhà báo khi đến cơ sở, đơn vị tác nghiệp dùng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí cử đi. Điều này có nghĩa là khi PV đi tác nghiệp bằng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí là hoàn toàn phù hợp.

Đề nghị Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ -TBXH kiểm tra những dấu hiệu sai phạm tại công ty này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

 

Theo KD&PL

 

Theo KD & PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hồ Gươm: Những hình ảnh đẹp và chưa đẹp

Hồ Gươm như một bức tranh thủy mặc, làm say đắm lòng người. Thế nhưng, bức tranh đẹp xinh ấy đang bị "bôi bẩn" bởi những hình ảnh chưa đẹp do ý thức của chưa cao của một số du khách.