Cú hích nâng cao chất lượng giáo viên

10/02/2022 07:05

Kinhte&Xahoi UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND (ngày 19-1-2022) thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giai đoạn 2021-2026. Theo kế hoạch, 100% giáo viên các cấp học trong độ tuổi sẽ đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục. Đây là cú hích nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên - lực lượng có ý nghĩa quan trọng, tác động tích cực tới chất lượng giáo dục của ngành Giáo dục Thủ đô.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên. Trong ảnh: Một tiết học của cô và trò Trường Trung học cơ sở Phúc Xá (quận Ba Đình). Ảnh: Nguyễn Quang

Quan tâm lực lượng chủ lực

Năm học 2021-2022, thành phố Hà Nội có hơn 2.800 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông với gần 130.000 giáo viên. Đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và bảo đảm chất lượng.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, dù còn nhiều khó khăn, song công tác đầu tư, quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên luôn được thành phố Hà Nội và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Các nhà trường cũng luôn tạo điều kiện, khuyến khích giáo viên tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ. Nỗ lực ấy đã góp phần quan trọng để Hà Nội luôn giữ vững vị thế là một trong những địa phương nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước về chất lượng giáo dục nhiều năm qua.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) Lê Trung Kiên cho biết, về cơ bản, đội ngũ giáo viên của trường đều đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ, luôn có ý thức tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng. Sự cố gắng của từng cá nhân đã góp phần tạo chuyển biến rõ rệt về kết quả giáo dục của nhà trường trong những năm qua, đáng chú ý là thành tích nằm trong tốp 10 trường học ở Thủ đô có điểm trung bình môn toán cao nhất kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.

Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Cường thông tin, toàn huyện có hơn 3.000 giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Theo quy định mới của Luật Giáo dục, giáo viên mầm non phải đạt trình độ cao đẳng; giáo viên tiểu học và trung học cơ sở phải đạt trình độ đại học, do đó vẫn còn một bộ phận giáo viên của huyện chưa đáp ứng yêu cầu. Thời gian qua, các nhà trường trên địa bàn đều tạo điều kiện để giáo viên được tham gia các lớp bồi dưỡng. Đến nay, số giáo viên này đều đang tham gia các lớp đào tạo nâng trình độ chuẩn.

Tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trực tuyến cho các giáo viên Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm).

Quyết tâm về đích trước thời hạn

Kế hoạch số 22/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giai đoạn 2021-2026 đặt mục tiêu 100% giáo viên trung học cơ sở trong độ tuổi được cử đi đào tạo, hoàn thành chương trình và được cấp bằng cử nhân vào năm 2025; 100% giáo viên tiểu học được cấp bằng cử nhân và 100% giáo viên mầm non được cấp bằng cao đẳng sư phạm trở lên vào năm 2026. Căn cứ kế hoạch, các đơn vị trên địa bàn thành phố đã xây dựng lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương với quyết tâm về đích trước thời hạn. 

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, Kế hoạch số 22/KH-UBND là căn cứ để đơn vị xây dựng kế hoạch, tham mưu với lãnh đạo quận về lộ trình triển khai, đồng thời quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Những quy định cụ thể của kế hoạch cũng đã tháo gỡ được khó khăn cho cơ sở và người học về vấn đề tài chính. Theo đó, giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn sẽ được ngân sách quận, huyện, thị xã hoặc ngân sách thành phố chi trả kinh phí đào tạo, tùy theo phân cấp quản lý. 

Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu, toàn huyện có hơn 3.000 giáo viên ở cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, thì có khoảng 17% số giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định mới. Phòng sẽ tham mưu với lãnh đạo huyện ưu tiên công tác bồi dưỡng, cố gắng hoàn thành trước kế hoạch của thành phố từ 1 đến 2 năm.

Cô giáo Phạm Thị Hương, Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Với việc được hưởng 100% lương, phụ cấp và các chế độ, chính sách hiện hành khi được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn, đội ngũ giáo viên chúng tôi bớt đi nhiều mối lo, tập trung cho việc học tập cũng như giảng dạy tốt hơn".

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, toàn ngành hiện có hơn 17.000 giáo viên chưa đạt chuẩn, thuộc đối tượng cử đi đào tạo nâng chuẩn (cấp mầm non có gần 7.500 người, cấp tiểu học có gần 7.200 người, còn lại là ở cấp trung học cơ sở) và hiện có gần 8.700 người đang đi học. Theo lộ trình, năm 2022, toàn ngành sẽ có hơn 6.600 người được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn; năm 2023 là gần 1.200 người, số còn lại sẽ được cử đi đào tạo vào năm 2024.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết, căn cứ Kế hoạch số 22/KH-UBND của UBND thành phố, Sở đề nghị UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị, nhà trường rà soát kỹ đội ngũ giáo viên; căn cứ hướng dẫn về nguyên tắc, cách thức để chọn cử giáo viên tham gia đào tạo đúng đối tượng. Các nhà trường cần có phương án sắp xếp giáo viên hợp lý, phân công đủ giáo viên giảng dạy và tạo điều kiện thuận lợi cho những người được cử đi đào tạo; thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định, bảo đảm quyền lợi cho giáo viên.

 Thống Nhất - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tiêu chí ứng xử trong gia đình: Phù hợp văn hóa và tình cảm của người Việt

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định ban hành bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Trong đó, các tiêu chí ứng xử chung trong gia đình Việt Nam là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Điều này rất phù hợp với văn hóa và tình cảm của người Việt, nhất là trong xã hội hiện đại như ngày nay.

Chùa Hương mở cửa đón khách từ ngày 16-2

Ngày 8-2, UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất với đề nghị của huyện Mỹ Đức về việc mở cửa đón khách tham quan Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn trong điều kiện thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/1024381/cu-hich-nang-cao-chat-luong-giao-vien