Cử tri lý giải Đạm Hà Bắc kinh doanh thua lỗ kéo dài, gửi phương kế tới Quốc hội

09/11/2021 07:33

Kinhte&Xahoi Tại nghị trường Quốc hội, vấn đề kinh doanh của Đạm Hà Bắc (Bắc Giang) được đưa ra bàn luận.

Ngày 8/11, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, các Đại biểu Quốc hội đã thảo luận đầu tiên về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang).

Theo đó, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nêu ý kiến của cử tri gửi đến Quốc hội. Công ty Đạm và Hóa chất Hà Bắc hiện đang có một nghịch lý là nhà máy chạy ổn định hết công suất, sản phẩm sản xuất tới đâu bán hết tới đó, chiếm 2% thị phần cả nước và đáp ứng trên 7% nhu cầu các tỉnh phía Bắc nhưng liên tục bị lỗ kéo dài.

Cử tri công ty phản ánh nguyên nhân là do lãi suất khoản vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam ở mức cao từ 10,8 đến 18%/năm. Cử tri đề nghị cơ quan có thẩm quyền cơ cấu lại khoản vay, đưa lãi suất về lãi suất thị trường và kéo dài thời hạn khoản vay. Nếu được như vậy thì công ty sẽ có lãi ngay từ năm 2021 và có khả năng trả đầy đủ khoản vay cho ngân hàng phát triển vào năm 2022. Nếu tình trạng này sẽ có nguy cơ mất khoản vay này.

Ngoài ra, cử tri công ty cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, xem xét sớm sửa đổi quy định mặt hàng phân bón, trong đó có đạm ure từ sản phẩm không chịu thuế giá trị gia tăng sang chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 0%, vì với quy định không chịu thuế thì toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào cho sản xuất phân bón không được khấu trừ nên tăng giá thành sản xuất phân bón chứ không đạt được mục tiêu giảm giá phân bón để hỗ trợ cho người nông dân, đồng thời lại giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. 

Toàn cảnh Nhà máy phân đạm và hóa chất Hà Bắc. Ảnh Chương Huyền

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) thì kiến nghị Chính phủ có giải pháp hạ giá phân bón.

“Liên quan đến đầu vào cho sản xuất từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón và nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất không ngừng tăng cao, vô hình trung đẩy người nông dân vào thế đã khổ, càng thêm khổ. Từ đầu năm đến nay, giá phân bón cả sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu đều tăng vọt trung bình từ 60 đến 80% và dự báo còn tiếp tục tăng cao. Không chỉ phân bón mà giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng vọt, trong bối cảnh vật tư nông nghiệp tăng cao, giá các sản phẩm nông nghiệp bấp bênh, đặt ra nhiều thách thức cho người nông dân trong việc tiếp tục duy trì sản xuất. 

Đây là vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh lương thực khu vực và sự phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như An Giang trong thời gian tới. Đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như là các bộ, ngành trung ương cần quan tâm. Trước mắt có giải pháp hạ giá phân bón nói riêng và bình ổn các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nói chung một cách căn cơ, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn nhiều hơn vì lợi ích của bà con nông dân nhiều hơn nữa trong thời gian tới”, ĐHQH Trần Thị Thanh Hương cho hay.


CTCP Phân đạm và hóa chất Hà Bắc (mã chứng khoán DHB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021 với nhiều thông tin thú vị. Đáng chú ý, doanh nghiệp này đã có "chút lãi" sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ kéo dài.

Quý 3/2021, Đạm Hà Bắc công bố kết quả kinh doanh với doanh thu lãi lớn. Cụ thể, doanh thu quý 3 đạt 1.212 tỷ đồng, tăng trưởng 117% so với quý 3 năm ngoái. Chi phí vốn chỉ tăng 25% lên 829 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 383 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với số lỗ gộp 103 tỷ đồng ghi nhận trong quý 3 năm ngoái.

Theo lý giải từ Đạm Hà Bắc, việc thực hiện công tác phòng dịch Covid-19 tốt, đã khiến công nhân an tâm sản xuất, cùng với đó, thị trường phân bón có nhiều biến chuyển tích cực, giá NH3 và Ure trên thế giới và trong nước đều tăng cao, hàng hóa tiêu thụ tốt doanh thu và cả hiệu quả kinh doanh tăng mạnh.

Tính đến 30/9/2021 Đạm Hà Bắc vẫn còn dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 4.015 tỷ đồng (giảm 750 tỷ đồng so với đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 2.439 tỷ đồng. Tổng dư vay nợ thuê tài chính lên đến 6.454 tỷ đồng.

Trừ các chi phí khác như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, thì quý 3 Đạm Hà Bắc vẫn còn lãi sau thuế 117,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 384 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên có lãi sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ của Đạm Hà Bắc.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 doanh thu Đạm Hà Bắc tăng gấp rưỡi cùng kỳ, đạt 3.080 tỷ đồng. Nhờ giá bán tăng cao, làm lợi nhuận gộp đạt 541 tỷ đồng. Tuy nhiên, đáng chú ý là chi phí tài chính vẫn rất cao, lên đến 717 tỷ đồng, cộng thêm các chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, nên Đạm Hà Bắc vẫn lỗ 297 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Số lỗ này đã giảm rất nhiều so với số lỗ 1.078 tỷ đồng ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2020.

Tính đến 30/9/2021 Đạm Hà Bắc vẫn còn lỗ lũy kế 5.044 tỷ đồng. Âm vốn chủ sở hữu 2.275 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị chuyển cơ quan điều tra Bộ Công an để điều tra xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm có dấu hiệu hình sự tại Dự án đầu tư, cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc.  

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

 Chí Nhân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Huy động nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa

Ngày 5/11, Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND TP Hà Nội sau đợt giám sát thực tế các địa phương về việc thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND ngày 13/7/2012 của HĐND TP về “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/cu-tri-ly-giai-dam-ha-bac-kinh-doanh-thua-lo-keo-dai-gui-phuong-ke-toi-quoc-hoi-d170341.html