Cựu Phó Vụ trưởng VKSND Tối cao: Cần làm rõ vợ chồng đối tượng Dương Đường có được "chống lưng"?

13/04/2020 11:12

Kinhte&Xahoi Cơ quan chức năng cần điều tra ráo riết, nếu có “chống lưng” phải xử nghiêm để củng cố niềm tin của người dân vào Cơ quan bảo vệ pháp luật.

Đó là nhận định của ông Đỗ Xuân Tựu, cựu Phó vụ Trưởng vụ Thực hành quyền công tố và xét xử hình sự, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đối với vụ án “Cố ý gây thương tích” do Nguyễn Xuân Đường và vợ là Nguyễn Thị Dương là chủ mưu.

Liên quan tới vụ án cố ý gây thương tích này, ngày 10/4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã bắt được Nguyễn Xuân Đường (SN 1971, đăng ký hộ khẩu thường trú tại số nhà 366, đường Lê Quý Đôn, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình) khi đang lẩn trốn tại khu vực xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Ông Đỗ Xuân Tựu, cựu Phó vụ Trưởng Vụ 7 VKSND tối cao trả lời Phapluatplus.vn.

 Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với Nguyễn Xuân Đường để điều tra theo quy định của pháp luật.

Khi Nguyễn Xuân Đường bị bắt, dư luận đặt câu hỏi, vì sao bao nhiêu năm Đường bị tố cáo về hành vi “cố ý gây thương tích” nhưng chưa từng bị xử lý hình sự?  Có đơn tố cáo cho rằng, vì vợ chồng Dương, Đường có người chống lưng...

Cụ thể, trước đó, năm 2019, báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn thư của bà Đinh Thị Lý (trú tại số nhà 2, ngõ 331, phố Lý Thường Kiệt, tỉnh Thái Bình) tố cáo nhóm người do Nguyễn Xuân Đường (thường gọi Đường Nhuệ, chồng Dương) chỉ đạo đánh đập mẹ con bà vào sáng 18/11/2014. Con trai bà là anh Mai Thế Duy bị vỡ xương hàm mặt, phải mổ và phẫu thuật đóng đinh.

Kết quả trưng cầu giám định pháp y tại Trung tâm Pháp y Thái Bình thể hiện con bà bị thương tật 15%. Đã nhiều năm gia đình bà Lý đi tố cáo nhưng đến nay chưa được xử lý.

Để rộng đường dư luận, phóng viên Phapluatplus.vn đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Xuân Tựu, cựu Phó vụ Trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự, VKSND tối cao.

Trả lời Phapluatplus.vn, về nội dung nêu trên, ông Đỗ Xuân Tựu, cho rằng: “Căn cứ trên cơ sở hồ sơ, tài liệu và chứng cứ kèm theo đơn người dân tố cáo, Cơ quan chức năng cần tiến hành điều tra ráo riết. Từ đó, có căn cứ để quy kết có hay không hành vi bao che, “bảo kê”.

Nếu phát hiện có những căn cứ cho rằng, có người “bảo kê” thì cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Qua đó, củng cố niềm tin của người dân vào Cơ quan bảo vệ pháp luật”.

Dư luận bức xúc hơn, vì biết trước đó Đường từng có hành vi cố ý gây thương tích nhưng đối tượng liên quan chưa từng bị xử lý. Vì sao?

“Vấn đề này thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra, cần phải đánh giá toàn bộ bản chất sự việc và các cá nhân có liên quan.

Cơ quan điều tra cần phải xem xét tỉ mỉ, cụ thể, khách quan, lỗi cố ý của từng cá nhân trong sự việc, tránh làm oan, tránh bỏ lọt tội phạm. Củng cố niềm tin của người dân vào cán cân công lý”- ông Tựu nhấn mạnh.

Vợ chồng Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương. Ảnh: Báo LĐ

Theo đó, chiều 7/4, Cơ quan CSĐT Công An tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định Khởi tố vụ án "Cố ý gây thương tích" xảy ra ngày 30/3/2020 tại số nhà 366, đường Lê Quý Đôn, tổ 22, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình.

Đồng thời Công an tỉnh Thái Bình cũng ra các Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc đối với: Nguyễn Thị Dương (thường gọi Dương Đường, SN 1980, trú tại số nhà 366, đường Lê Quý Đôn, tổ 22, phường Kỳ Bá, Thành phố Thái Bình).

Nguyễn Đức Mạnh (SN 1992trú tại tổ 6, phường Bồ Xuyên, Thành phố Thái Bình), Phạm Ngọc Quý (SN 2003, trú tại xã Minh Quang, huyện Vũ Thư) để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Khoản 2, Điều 134, Bộ luật Hình sự./.

Căn cứ tài liệu điều tra ban đầu xác định: Khoảng 10h40 ngày 30/3, nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ vận tải Phúc Cường có nhận vận chuyển 1 gói tài liệu của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đường Dương từ Thái Bình đi Hà Nội.

Do người vận chuyển và người nhận không thống nhất được địa điểm giao hàng nên xảy ra mâu thuẫn và giao nhận hàng muộn. Sau đó Nguyễn Xuân Đường đã gọi điện đe dọa, yêu cầu nhân viên công ty Phúc Cường về Thái Bình gặp Đường.

Khoảng 18h20, nhân viên công tý Phúc Cường đến nhà Nguyễn Xuân Đường (cũng là trụ sở công ty trách nhiệm hữu hạn Đường Dương). Tại đây, Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương đã tra hỏi, đe dọa nhân viên công ty Phúc Cường. Sau đó, Nguyễn Thị Dương, Nguyễn Đức Mạnh, Phạm Ngọc Quý đã đánh gây thương tích nhân viên công ty Phúc Cường.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hóa giải tức giận theo nguyên tắc chữ Nhẫn của nhà Phật

Nhẫn theo giáo lí nhà Phật là cách tu để hóa giải sự tức giận từ đó thoát khỏi những đau khổ, khó chịu để đạt được sự an lạc, tự tại. “Nhẫn nhục” là tiêu diệt tức giận; là một liệu pháp điều tiết, cân bằng trạng thái tâm lí. Khi đạt đến mức độ cao nhất thì “Nhẫn vô khả nhẫn”, tức là đang nhẫn nhục mà an lạc, tự tại như không phải “Nhẫn”.

Những thiên đường du lịch thời Covid-19

Trong khi nhiều người dân chấp hành tốt lời kêu gọi hoặc lệnh cách ly xã hội của chính quyền đất nước sở tại, có những địa điểm vẫn phớt lờ điều này. Những du khách không muốn ở nhà đã lựa chọn đặt an toàn của cả xã hội lên bàn cân.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/cuu-pho-vu-truong-vksnd-toi-cao-can-lam-ro-vo-chong-doi-tuong-duong-duong-co-duoc-chong-lung-d121786.html