Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến nói gì tại tòa?

19/05/2020 09:12

Kinhte&Xahoi Trong phiên xét xử chiều 18/5 cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến thừa nhận đã không sát sao, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ.

Quang cảnh phiên tòa.

Chiều 18/5, tại Hà Nội, Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân (QCHQ) tiếp tục xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiến (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) và 7 bị cáo liên quan đến sai phạm tại 3 khu "đất vàng" ở TPHCM.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát quân sự Trung ương: Các khu đất số 2, khu đất 7-9, khu đất số 9-11, ở đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TPHCM, với tổng diện tích trên 7.300 m2) có nguồn gốc là đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của Quân chủng Hải quân (QCHQ).

Tại phiên xử chiều nay, HĐXX yêu cầu bị cáo Hiến lên bục khai báo để làm rõ những nội dung của vụ án.

HĐXX hỏi cơ quan nào có thẩm quyền quyết định chủ trương đưa 3 khu đất trên chuyển đổi sang mục đích kinh tế? 

Bị cáo Hiến cho biết, ngày 13/3/2006, Thường vụ Đảng ủy QCHQ họp phiên mở rộng nghe ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Công ty Hải Thành báo cáo phương án hợp tác kinh doanh trong liên doanh Hako và hợp đồng hợp tác kinh doanh 3 khu đất nói trên. Thường vụ đã nhất trí phương án hợp tác kinh doanh, giao cho Chuẩn đô đốc Lê Quang Đạo trực tiếp chỉ đạo.

Bị cáo Nguyễn Văn Hiến.

HĐXX cho biết, mặc dù QCHQ chưa có báo cáo đề nghị Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng 3 khu đất trên, nhưng bị cáo Hiến đã ký một loạt văn bản gửi cấp trên và UBND TPHCM xin chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng, đưa 3 lô đất vào hợp tác kinh doanh, xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê.

Hiểu sai ý kiến chỉ đạo của Bộ Quốc phòng

Các tờ trình của bị cáo Hiến gửi lên Bộ Quốc phòng, đều được Bộ Quốc phòng xem xét phê chuẩn và có công văn trả lời, chỉ đạo, trong đó công văn 3333 có nội dung: "Việc triển khai thực hiện chỉ được tiến hành sau khi QCHQ đã hoàn thành các thủ tục liên quan về quản lý khai thác các khu đất trên sang làm kinh tế theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng”. 

HĐXX hỏi bị cáo Hiến có nắm được công văn số 3333 nói trên không? Ông Hiến đáp "Tôi cho rằng các cơ quan đã hiểu nhầm, hiểu sai ý của Bộ Quốc phòng và đã tham mưu sai cho thường vụ, tham mưu sai cho QCHQ và chúng tôi đã hiểu sai".

"Khi thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng, bị cáo có tham mưu cho QCHQ báo cáo hoặc xin hướng dẫn của cơ quan nghiệp vụ của Bộ Quốc phòng về vấn đề này không?", HĐXX tiếp tục hỏi.

Ông Hiến cho biết, bản thân có đề nghị cơ quan chức năng QCHQ xin ý kiến của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Cục Tác chiến và các ngành dọc như tài chính, kinh tế và xin ý kiến đầy đủ các cơ quan, lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

Một nội dung nữa HĐXX muốn làm rõ, đó là các lời khai của các bị cáo khác tại tòa cho rằng, bản chất của các hợp đồng liên doanh tại 3 khu đất nói trên là cho thuê đất. Vậy tại sao QCHQ không thực hiện làm hợp đồng cho thuê đất, mà lại làm hợp đồng liên doanh?

Nội dung này ông Hiến cho biết, cho đến khi cơ quan điều tra nói đó là bản chất cho thuê đất, lúc đó ông mới "nghĩ theo hướng là cho thuê đất". Bản thân ông Hiến và các cán bộ trong thường vụ QCHQ đều nghĩ là hợp đồng liên doanh cho khoán kinh doanh chứ không phải là cho thuê đất. Trong hợp đồng cũng không có một từ “thuê” nào, đề nghị tòa xem xét.

HĐXX hỏi tiếp "Theo bị cáo thủ tục chuyển mục đích sử dụng 3 khu đất vào thời điểm đó có đúng quy định không?". Ông Hiến trả lời "Tôi cho rằng nếu mà xin đúng được quy trình thủ tục đủ thì đúng quy định của pháp luật. Nhưng hiện nay xin chưa đủ mà đã ký hợp đồng nên là chưa đúng quy định".

Nói đến đây, HĐXX viện dẫn các điều luật, theo đó: Việc chuyển đổi đất quốc phòng sang làm kinh tế, sẽ làm thay đổi quy hoạch sử dụng đất quốc phòng. Do đó, theo điều 30 Luật đất đai năm 2003; điều 5 quy chế quản lý sử dụng đất quốc phòng ban hành kèm theo quyết định số 31 năm 2005; điều 26 Nghị định số 181 năm 2004 thì Bộ Quốc phòng là cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm làm thủ tục trình Chính phủ xét duyệt điều chỉnh quy hoạch và sử dụng đất quốc phòng.

HĐXX hỏi, khi UBND TPHCM có các quyết định về chuyển đổi mục đích sử dụng 3 khu đất trên sang làm kinh tế, bị cáo có nắm được nội dung của các quyết định đó không, có nội dung gì liên quan đến QCHQ?

Ông Hiến nói không nắm rõ và cũng chưa được thấy những quyết định đó.

HĐXX cho biết, các quyết định nói trên của UBND TPHCM có nội dung chuyển mục đích sử dụng 3 khu đất từ quốc phòng sang làm kinh tế và phải nộp tiền. Trong các quyết định này đều có yêu cầu Bộ Tư lệnh Hải quân báo cáo Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng trên địa bàn TPHCM.

"Khi ký các biên bản do cấp dưới trình, bị cáo có kiểm tra và yêu cầu các cơ quan thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và đề nghị của UBND TPHCM trong các nội dung này không?", HĐXX truy hỏi.

Ông Hiến giải thích: "Hầu như các văn bản do các cơ quan trình lên, tôi đều yêu cầu thực hiện theo đúng quy định pháp luật, của Bộ Quốc phòng, QCHQ.

Tất cả văn bản tôi ký đều do cơ quan tham mưu trình lên, đồng thời những nội dung đó đã được Thường vụ Đảng ủy QCHQ thông qua, nên tôi là Ủy viên của Thường vụ QCHQ, là Tư lệnh quân chủng ký hành chính quân sự là phải thực hiện".

Ông Hiến thừa nhận, mặc dù chỉ đạo như vậy nhưng do bận rộn công việc nên không có điều kiện kiểm tra cấp dưới thực hiện.

HĐXX tiếp tục viện dẫn các quy định pháp luật, cụ thể: Theo quy định tại điều 29 quy chế quản lý, sử dụng đất quốc phòng ban hành kèm theo Thông tư 35 năm 2009 thì tất cả các trường hợp đã và đang sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế trước khi có quy chế này thì đều phải kiểm tra, rà soát, lập lại thủ tục theo quy định của quy chế này.

Thiếu sát sao, quyết liệt khi thực hiện nhiệm vụ

 Theo HĐXX, việc bị cáo đã khai và trong hồ sơ tài liệu vụ án cũng có phản ánh chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra nội dung các dự án. Tuy nhiên các cơ quan không thực hiện đúng các nội dung này, do vậy mà các khu đất sau thời gian này vẫn tiếp tục góp vốn và vẫn để các cơ quan thực hiện các nội dung không đúng quy định.

HĐXX làm việc tại phên tòa.

HĐXX hỏi "Qua toàn bộ sự việc trên, bị cáo thấy việc làm và trách nhiệm của mình như thế nào, có sâu sát, có quyết liệt trong công tác quản lý không?".

Ông Hiến thừa nhận đã xác định với cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương và hôm nay với HĐXX là bản thân có khuyết điểm khi thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình thiếu sát sao, quyết liệt.

"Tôi đã ra mệnh lệnh kiểm tra, tôi đã họp Bộ Tư lệnh phân công công tác để triển khai các Nghị quyết của Thường vụ Đảng ủy QCHQ nhưng mà không truy đến cùng. Nếu mà sát sao, quyết liệt hơn nữa cũng có thể phát hiện được sai sót. Về nhận thức, kiến thức của tôi không đủ nên không phát hiện được sai sót, tôi xin nhận khuyết điểm", ông Hiến nói.

Ngày mai (19/5), phiên tòa tiếp tục làm việc.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chia tay rồi, mình tha thứ cho nhau được không?

Người yêu cũ - người mà ngày xưa bạn có thể chạy đến ôm chầm nũng nịu, bây giờ đến cái chạm tay cũng trở nên xa vời. Chia tay lâu vậy rồi, chúng mình tha thứ cho nhau được chưa?

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/cuu-thu-truong-bo-quoc-phong-nguyen-van-hien-noi-gi-tai-toa-d124846.html