Đặc sắc ngày Tết Thanh minh của dân tộc Tày tại Lạng Sơn

16/04/2024 11:31

Kinhte&Xahoi Trong đời sống tín ngưỡng cộng đồng các dân tộc Tày ở Lạng Sơn, Tết Thanh Minh là một trong những ngày lễ quan trọng trong năm.

Đây là dịp để mọi người cùng nhau tưởng nhớ công lao của ông bà, tổ tiên, của những người đã khuất. Hình ảnh các gia đình quây quần bên phần mộ tổ tiên trong Tết Thanh Minh đã góp phần tô đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tày Xứ Lạng.

Trong những ngày cận kề tết Thanh Minh, có thể dễ dàng nhận thấy, tại các khu vực an táng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều nhộn nhịp người dân đi tảo mộ, thắp hương cho tiên tổ, người thân đã khuất để tưởng nhớ và tỏ lòng hiếu kính.

Vào đúng mùng 3/3 âm lịch, con cháu, họ hàng dù ở xa cũng sẽ cố gắng tập trung đông đủ bên mộ phần tổ tiên. Người dọn dẹp, người sắp đồ cúng, không khí u buồn nơi nghĩa trang có phần tươi vui, nhộn nhịp hơn.

Hình ảnh thể hiện sự chuẩn bị kỳ công và quy mô của tết Thanh minh làm nên bản sắc độc đáo trong sinh hoạt tín ngưỡng tại Lạng Sơn.
Đồ cúng thường có lợn quay, gà thiến, bánh ngải, xôi ngũ sắc, vàng hương, bánh kẹo, hoa quả,...

Đặc biệt, trong mâm cỗ cúng tổ tiên của người Tày không có bánh trôi, bánh chay như người Kinh mà thay vào đó là “khẩu nua đăm đeng” (nghĩa là xôi nếp đỏ, đen) hoặc xôi ngũ sắc (xanh, đỏ, trắng, vàng, đen), bánh ngải, bánh dày ngũ sắc góp phần tạo nên nét văn hóa đặc sắc trong đời sống của đồng bào.

Xôi ngũ sắc được tạo màu từ các loại cây tự nhiên

Bà Thảo (58 tuổi) sinh sống tại TP Lạng Sơn chia sẻ “Ngày Thanh Minh gia đình tôi thường làm xôi nhiều màu sắc và làm bánh từ các loại lá cây như: lá ngải, lá cẩm và lá cây sau sau - xôi và bánh sẽ có mùi thơm đặc trưng của cây cỏ, là món ăn dân tộc đẹp mắt, rất phù hợp với mâm cỗ dâng tổ tiên vào ngày Tết Thanh Minh”.

Các mâm cúng được bày biện đẹp mắt, sắp xếp cẩn thận và chỉn chu để dâng lên tổ tiên tỏ lòng thành kính và biết ơn.

Anh Lý Hiếu, huyện Hữu Lũng cho biết: “Vợ chồng tôi làm ăn xa nhà nhưng cứ đến ngày mùng 3/3 âm lịch hằng năm, chúng tôi sẽ đều sắp xếp về quê tảo mộ. Đây là dịp để chúng tôi bày tỏ lòng thành kính của mình và còn được sum họp với gia đình, họ hàng, gia tăng thêm tình đoàn kết”.

Không khí nhộn nhịp ngày Tết Thanh minh.

Sau nghi lễ dọn dẹp phần mộ và thờ cúng, mỗi ngôi mộ đều được cắm một cành nêu cắt bằng giấy bản nhiều màu sắc. Các ngôi mộ thường đặt trên đồi cao, xa nhà nên bà con thụ lộc ngay bên phần mộ. Mọi người tụ họp nghe người lớn tuổi trong họ kể về những người đã khuất, nhắc nhở nhau hướng về nguồn cội, đoàn kết, gắn bó giúp đỡ nhau trong cuộc sống, công việc, học tập để làm rạng danh tổ tiên.

Ngày nay, cuộc sống hiện đại, những nghi thức trong Tết Thanh minh đã thay đổi ít nhiều cho phù hợp, tiết kiệm, nhanh gọn. Dẫu vậy, ý nghĩa nhân văn thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên, những người quá cố trong ngày Tết Thanh minh vẫn luôn là nét đẹp văn hoá được mỗi gia đình gìn giữ, góp phần tạo nên nếp nhà, gia phong, bảo tồn phong tục truyền thống của cha ông trong dòng chảy văn hóa của dân tộc.

Nguyễn Thảo - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://phapluatplus.vn/dac-sac-ngay-tet-thanh-minh-cua-dan-toc-tay-tai-lang-son-198033.html