Đại biểu Quốc hội tranh luận việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp tư nhân

22/10/2022 19:48

Kinhte&Xahoi Chiều 22/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến quan tâm tới việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp tư nhân và sự cần thiết của Ban Thanh tra Nhân dân.

Nhiều ý kiến khác nhau

 Đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá, đến nay dự án Luật trình Quốc hội đã tương đối hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu, thể hiện được chủ trương đường lối của Đảng trong việc thực hiện dân chủ. Tuy nhiên, theo đại biểu, việc quy định chặt chẽ việc thực hiện dân chủ với khối tư nhân là chưa hợp lý.

Đại biểu Phạm Văn Hòa

Việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp Nhà nước là rất phù hợp, tuy nhiên, với khối tư nhân,hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có quy định cụ thể, rõ ràng, rành mạch với những chế tài cụ thể tại Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động, Bộ luật Dân sự.

“Quy định doanh nghiệp tư nhân phải báo cáo định kỳ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cho những người có hợp đồng lao động là không hợp lý, không khả thi, có thể làm ảnh hưởng tới việc bảo mật, đánh mất lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp trong thực tế”, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ rõ quan điểm.

Đại biểu cũng cho rằng, Ban Thanh tra Nhân dân là cần thiết ở xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp nhà nước nhưng việc tổ chức và hoạt động Ban Thanh tra Nhân dân ở doanh nghiệp ngoài Nhà nước thì sẽ thiếu cơ chế, thiếu kinh phí, phải hoạt động ngoài giờ, dẫn tới bất cập, không thể hoạt động hiệu quả.

Vì vậy, đại biểu đề nghị không quy định việc thành lập Ban Thanh tra Nhân dân ở doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Phát biểu tranh luận về vấn đề có thực sự cần thiết thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước hay không, đại biểu Tô Văn Tám, cho rằng, vấn đề này có đầy đủ cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn để thực hiện.

Về cơ sở chính trị, ông Tám cho rằng, Chỉ thị 35 và Chỉ thị 98 của Bộ Chính trị về xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã nêu ra 2 điểm hết sức chú ý.

Thứ nhất là quy định quyền của mọi người dân ở cơ sở được thông tin về pháp luật, các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và lợi ích hàng ngày của Nhân dân tại cơ sở.

Điểm thứ hai là, Ban Thanh tra Nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Về cơ sở pháp lý, đại biểu cho biết, Hiến pháp năm 2013 có quy định về quyền làm chủ và việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Bên cạnh đó, việc thực hiện dân chủ cơ sở tại các tổ chức cũng được quy định ở các văn bản dưới luật.

Về cơ sở thực tiễn, việc thực hiện các quy định về thực hiện dân chủ ở các tổ chức có sử dụng lao động đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Do vậy, theo đại biểu, cần phải hệ thống hóa nội dung này để đưa vào luật nhằm đảm bảo tốt hơn, thể chế tốt hơn và thực hiện tốt hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Có nên thành lập Ban Thanh tra Nhân dân ở doanh nghiệp

 Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Ông Tùng cho biết, qua thảo luận, tuyệt đại đa số các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành Luật này điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và ở các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập nhưng về việc thực hiện dân chủ tại các tổ chức có sử dụng lao động thì còn có ý kiến khác nhau.

Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành Luật này cần có một chương riêng điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động và đề nghị cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định tại Chương này để bảo đảm đầy đủ, khả thi.

Một số ý kiến đề nghị Luật này chỉ quy định về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp Nhà nước, còn ở các loại hình doanh nghiệp khác thì dẫn chiếu đến pháp luật về lao động.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo thêm như sau: Doanh nghiệp Nhà nước hiện nay không chỉ bao gồm các doanh nghiệp có 100% vốn do Nhà nước đầu tư, thành lập, tổ chức quản lý mà đã mở rộng cả các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hay tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Do đó, nếu chỉ quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các doanh nghiệp Nhà nước theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì sẽ chưa thật sự đầy đủ và có thể tạo thêm áp lực về trách nhiệm cho doanh nghiệp Nhà nước trong khi về cơ chế quản lý, môi trường kinh doanh và cạnh tranh thì doanh nghiệp nhà nước đang ngày càng tiệm cận với tiêu chuẩn chung như đối với các doanh nghiệp khác.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần có quy định chung về thực hiện dân chủ tại tất cả các loại hình doanh nghiệp cũng như tổ chức có sử dụng lao động nói chung để bảo đảm tính bình đẳng. Trường hợp pháp luật chuyên ngành thấy cần có thêm các yêu cầu khác đối với từng loại doanh nghiệp thì sẽ có quy định riêng tùy theo yêu cầu quản lý (ví dụ trong quản lý, sử dụng tài sản công, trong công tác cán bộ hay trong thực hiện kế toán, kiểm toán,...)

Ngoài ra, việc thành lập Ban Thanh tra Nhân dân ở các tổ chức có sử dụng lao động cũng đang có nhiều ý kiến khác nhau.

Vẫn có ý kiến cho rằng, chỉ nên quy định thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn và ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước như hiện nay để bảo đảm tính khả thi.

Một số ý kiến khác đề nghị chỉ thành lập Ban Thanh tra Nhân dân ở xã, phường, thị trấn bởi ở loại hình cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, Ban Thanh tra Nhân dân khó phát huy hiệu quả do cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu sự chi phối, tác động trực tiếp của người đứng đầu, quản lý cả về mặt hành chính và về lợi ích vật chất nên khó bảo đảm tính độc lập trong thực hiện nhiệm vụ như đối với ở xã, phường, thị trấn.

Đây là những nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến.

 Hạnh Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vinh danh “Bảo vật tinh hoa làng nghề Việt Nam”, tổ chức “Đám cưới tập thể theo nếp sống mới” cho 18 cặp đôi

Tối 15/10, tại Khu vực Tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” và quanh khu vực Phố đi bộ Hồ Gươm, Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức Chương trình “Tinh hoa Việt Nam” - vinh danh cặp bánh Cốm - Phu Thê “Bảo vật tinh hoa làng nghề Việt Nam” và “Đám cưới tập thể theo nếp sống mới” tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU, ngày 3/10/2012, của Thành ủy Hà Nội.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tranh-luan-viec-thuc-hien-dan-chu-o-doanh-nghiep-tu-nhan-208631.html