Dấu hiệu sai phạm một loại sản phẩm “Nhà thuốc xứ Mường”

13/06/2019 10:24

Kinhte&Xahoi Thời gian gần đây, một số bạn đọc phản ánh về việc mua thuốc trị phụ khoa do Công ty TNHH thuốc gia truyền xứ Mường sản xuất. Sau thời gian sử dụng, bệnh tình giảm hay không chưa rõ, nhưng phản ứng phụ đã làm người sử dụng khốn khổ.

Thuốc trị viêm lộ tuyến do Nhà thuốc xứ Mường sản xuất với hình của người mẫu Ngọc Trinh

Một đơn thư rất tâm trạng của một phụ nữ (ngụ TP HCM) như sau: “Vào tháng 2/2019 tôi có mua sản phẩm Thuốc gia truyền xứ Mường “đặc trị viêm lộ tuyến” của Lương y Trần Thị Lý sản xuất tại Công Ty TNHH Thuốc gia truyền xứ Mường có in hình ảnh Ngọc Trinh. Sản phẩm này được quảng cáo do ông Trương Thành Nhân và bà Nguyễn Thị Ngọc Bích làm tổng đại lý phân phối độc quyền miền Trung và miền Nam bán thông qua mạng xã hội.

Do thấy hình ảnh của Ngọc Trinh và được nhân viên bán hàng tư vấn “đây là loại thuốc đông y được bào chế từ dược liệu thiên nhiên cây cỏ với cam kết chắc chắn rằng thuốc gia truyền xứ Mường đặc trị bệnh nhiều bệnh phụ khoa như Viêm nhiễm phụ khoa, nấm, viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, viêm lộ tuyến, Trị u nang buồng trứng, u xơ cổ tử cung”… nên tôi tin tưởng”.

Hệ quả của việc dùng “thuốc” trên và nhầm tưởng hình ảnh người mẫu trên hộp thuốc có sự đảm bảo nhất định nào đó, là chị đã phải nhập viện để điều trị vì viêm loét vùng kín nhiều hơn. Chị sau đó đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan điều tra, cơ quan chức năng với mong muốn ngăn chặn và làm sáng tỏ về chất lượng cũng như nguồn gốc sản phẩm có đảm bảo hay không.

Mới đây Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã gửi thông báo trả lời đơn tố cáo trên với nội dung: “Sau khi xem xét nội dung đơn; Căn cứ quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã chuyển đơn trên đến Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương xem xét, giải quyết” (Bình Dương là nơi vợ chồng ông Nhân và bà Bích đang sống, điều hành việc kinh doanh).

Quan sát trên hộp thuốc, không thấy số đăng kí thuốc nhưng lại có đăng các tiêu chuẩn về ISO, EURO CERT. Bất thường khác, trên hộp thuốc lại có “tem chống hàng giả của Bộ Công an”, dù theo thông báo của Bộ Công an, từ ngày 01/02/2017, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an chính thức dừng nghiên cứu và ký hợp đồng cung cấp tem chống hàng giả cho các doanh nghiệp.

Việc in tem chống hàng giả lúc này chỉ được cung cấp bởi các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp in tem chống hàng giả được cấp giấy phép theo quy định của pháp luật. Như vậy, từ tháng 2/2017, trên thị trường hoàn toàn không tồn tại sản phẩm tem mang tên “tem chống hàng giả Bộ Công an” nữa.

Người tố cáo cho biết: “Tôi đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc nhằm làm rõ về chất lượng loại “thuốc gia truyền xứ Mường” này, tại sao không có giấy phép đăng kí chất lượng mà vẫn lưu hành?”.

Theo Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Du lịch tâm linh thế nào để không phản tác dụng?

Thời gian gần đây, ở Việt Nam, chúng ta mới nghe nói nhiều đến cụm từ “du lịch tâm linh”, nhưng thực ra đó là cụm từ không mới ở nhiều quốc gia có bề dày lịch sử, văn hóa, tôn giáo, từ phương Đông tới phương Tây. Vấn đề quan trọng ở chỗ làm sao để du lịch tâm linh thực sự trở thành nơi con người tìm về với đức tin, nguồn cội để dưỡng thiện tâm hồn mình, thay vì bị động cơ trục lợi “lấy thánh, thần ra kinh doanh” làm biến tướng…