Đầu năm đi chợ Cầu May

22/02/2019 09:06

Kinhte&Xahoi Không rõ ở đâu trên trái đất này có một phiên chợ độc đáo như thế không chứ ở Việt Nam thì có đấy.

Cái độc đáo của nó nằm ở chỗ: Cả năm chợ chỉ họp duy nhất một phiên và phiên chợ ấy lại chỉ diễn ra vào đêm của mồng 7 và rạng ngày mồng 8 tháng Giêng âm lịch. Phiên chợ ấy từ lâu đã được người ta biết đến bởi cái tên thoạt nghe "vừa tây vừa ta" nằm ở đất Thành Nam, đó là chợ Viềng.

Chợ Viềng - Nam Trực - Nam Định.

Một nét độc đáo khiến nhiều người quan tâm tìm về phiên chợ này là "bán đi cái rủi", "cầu sự may mắn" trong năm. Có lẽ vì thế chăng mà phiên chợ độc đáo có một không hai này đã trở thành nét đẹp văn hoá không riêng gì với người dân Thành Nam mà của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Mua may bán rủi

Không rõ chợ Viềng có từ khi nào, chỉ biết rằng vừa đặt chân đến Thành Nam, qua một số người dân, chúng tôi mới biết tỉnh Nam Định lại có tới bốn hội chợ Viềng và đều họp vào đêm mồng 7 tháng Giêng hằng năm. Đó là chợ Viềng tại xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc; chợ Viềng tại xã Nam Giang, huyện Nam Trực; chợ Viềng tại xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng… Tuy nhiên, chợ Viềng - Phủ Dầy tại huyện Vụ Bản và chợ Viềng Nam Trực là 2 phiên chợ thu hút đông du khách thập phương hơn cả.

Mặc dù đêm mồng 7 tháng Giêng mới là chính hội chợ Viềng, thế nhưng ngay từ ngày mồng 6, người bán hàng từ các nơi đã nô nức kéo về bày bán các sản vật với những gian hàng như cây cảnh, những mẹt hàng bán đồ lưu niệm, nông cụ sản xuất, các cổ vật... Hàng quán được bày bán san sát dọc hai bên đường và trong khuôn viên của chợ.

Tiếng là "chợ", thế nhưng chợ Viềng lại không bày bán các loại sản phẩm ngoại lai đắt tiền, cao cấp như tại các hội chợ tỉnh, thành phố. Các sản vật được mang đến chợ chủ yếu là các loại cây trồng, vật dụng, nông cụ của nhà nông như giống cây, cây cảnh, lưỡi cày, cuốc, xẻng; các món đồ cổ, đồ giả cổ… Và, một điều ai cũng tâm niệm khi đến với phiên chợ Viềng, đó chính là người bán không vì mục đích kiếm lời nhiều, người mua cũng không phải mục đích mua sắm. Sự bán mua ở đây mang nặng ý thức tâm linh - rằng người ta chỉ cần bán hoặc mua được một vật gì đó dù rất nhỏ thì người bán, kẻ mua đều gặp nhiều may mắn tốt lành và cả đôi bên đều cùng vui vẻ hỉ hả ra về. Chính vì vậy, hội chợ Viềng còn có tên gọi là chợ Cầu May.

Chị Nguyễn Thanh Minh, quê ở tận Hải Phòng cùng gia đình về hội chợ Viềng tâm sự với phóng viên: 10 năm rồi, năm nào gia đình tôi cũng đi chợ Viềng. Có năm mua cây cảnh, năm mua mấy đồng xu, có năm chỉ đi chơi rồi mua cân thịt bê thui là món đặc sản của phiên chợ Viềng về mong năm mới gặp được nhiều may mắn mang phúc lành cho cả nhà. Đây cũng là mong ước của anh Lê Đức Dương. Mặc dù quê tận huyện Nông Cống, Thanh Hoá nhưng tối mùng 7 năm nào anh Dương và vợ con, bạn bè cũng có mặt tại chợ Viềng. Phải đi đúng đêm mùng 7 mới thấy chợ Viềng thật linh thiêng và huyền ảo, vừa hư vừa thực.

Có lẽ thế chăng nên ngay từ lúc 7h tối, các ngả đường đổ về chợ đã chật cứng người và xe. Nhiều người phải gửi xe cách chợ cả 8km, 9km để chen chân vào chợ và dòng người cứ thế mỗi lúc một đông cho tới nửa đêm khiến cho dọc tỉnh lộ gần khu chợ đã biến thành chợ. Tại đây, các gian hàng đủ màu sắc san sát nhau hầu như chẳng còn một chỗ trống. Tại các sân đền, sân phủ, người ta cũng thi nhau bày bán đủ thứ hàng hoá. Ngoài các loại giống cây, hạt giống rồi cây ăn quả, cây cảnh, hoa các loại: nhãn, na, bưởi, hồng đến cam, hồng xiêm, huệ, cúc… thì thịt bê thui bằng rơm nếp vàng suộm, bì dày mà mềm, thơm phức từ xưa đến nay vẫn luôn là món ẩm thực không thể thiếu ở chợ Viềng.

 Cán bộ phóng viên báo dâng hương tại đền Trần Nam Định, trên đường đi chợ Viềng - Nam Trực.

Anh Lương Đức Công, xã Trung Thành, huyện Vụ Bản - người có thâm niên bán hàng thịt bê gần 20 năm tại chợ Viềng cho hay: Từ chiều mùng 6 đến nay, tôi đã bán được 5 con bê. Thịt đến đâu chỉ bán một loáng là hết. Người nào cũng muốn mua một cân thịt bê tươi mang về lấy lộc đầu năm.

Ở góc chợ, chị Thanh, 45 tuổi, đầu chít chiếc khăn hoa, người làng Hạnh Lâm, xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản đã gói sẵn những túi muối nhỏ bán với giá từ 2 nghìn đồng đến 5 nghìn đồng cho du khách theo đúng tục lệ của người dân Việt Nam: Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi.

"Mua rồi may mắn cả năm, làm ăn phát tài, phát lộc em à", chị Thanh nở nụ cười trong đêm chợ Viềng huyền ảo. Chẳng thế mà, chị không ngơi tay xúc muối vào những chiếc túi nhỏ để bán cho khách. Ngay bên cạnh là chiếc mẹt của cô bé mới chừng 13 tuổi với đủ loại đồng xu lớn nhỏ khác nhau. "Mua đủ bộ 5 đồng xu tượng trưng cho sinh - lão - bệnh - tử - sinh thì may mắn lắm chị ơi! Thiếu một đồng thì mất may cả năm", cô bé nhanh nhảu "tiếp thị".

Văn hóa chợ Viềng

Năm nào cũng vậy, do lượng khách về tham dự chợ Viềng lên đến hàng vạn người, lại tập trung rất đông vào đêm mồng 7 nên cảnh ùn tắc giao thông là chuyện thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, dù có phải chen chân, có khi chịu cảnh ùn tắc hàng tiếng đồng hồ nhưng xem ra không ai tỏ ra cáu giận, không một lời cãi vã, ai cũng mang trong mình tâm trạng hứng khởi mong tìm được sự may mắn đầu năm tại phiên chợ Viềng.

Chị Bùi Nga Xuân, một người dân bản địa cùng tham dự phiên chợ Viềng tâm sự: Ở chợ Viềng người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả. Mặc dù đầu năm, nhiều mặt hàng tăng giá, thế nhưng những hàng hoá tại chợ Viềng luôn được bán với giá cả hợp lý khiến người mua cũng có cảm giác mình mua được món hàng may mắn đầu năm, người bán coi như bán đi được cái rủi, cái không may mắn trong nhà cho thiên hạ.

Đây đều là những nét đẹp văn hoá mà không phải phiên chợ nào cũng có được. Còn người mua, dù mua được cái gì thì cũng coi là điềm may mắn. Có lẽ vì thế mà trong khuôn viên chợ Viềng không có sự lộn xộn bởi các loại hàng giảm giá, hàng khuyến mại như các chợ đêm khác.

Một điều cuốn hút du khách hành hương về chợ Viềng chính là đi chợ Viềng vừa có dịp cầu may vừa có dịp lễ Mẫu; Theo dân gian, đến giờ Tý tức là khoảng 12h đêm ngày mồng 7, Chúa Liễu Hạnh sẽ hiển linh. Và khi đó, người ta cầu may mắn, cầu phước lành cho một năm mới sẽ dễ thành. Cũng chính vì lẽ đó mà đêm mùng 7 là đêm người ta kéo nhau về hội chợ Viềng đông nhất. Mỗi người một lễ trên tay với những "cành vàng", "lá ngọc" cùng nhau tiến vào lễ Phủ giữa lúc những hạt mưa xuân lất phất bay. Cầu may mắn, cầu bình an, cầu phước lành làm cho chợ Viềng - Phủ Dầy trở thành nơi hội tụ sự linh thiêng của đất và trời.

Dẫu chợ Viềng còn những hạt sạn không đáng có như nạn "chặt chém" giá vé gửi xe, ùn tắc giao thông do lượng người đổ tham dự lễ hội quá đông, nhưng hội chợ Viềng hằng năm vẫn là một trong những nét đẹp văn hoá rất đặc sắc trong sinh hoạt của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. 

Đã thành một thói quen, những người đi chợ Viềng về đều mang theo những điều may mắn đầu năm mới, xua đi những điều không may mắn trong năm qua, rước về nhà niềm hạnh phúc, an bình trong năm mới. 

Theo GĐPL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Du lịch hay... phá hoại Đà Lạt?

Những bãi rác khổng lồ còn sót lại tại những điểm du lịch có tiếng sau khi du khách rời đi là hình ảnh đang làm dư luận bức xúc. Nhiều người cho rằng, hành động vô ý thức của nhiều du khách không phải là đi chơi mà chẳng khác nào đang phá hoại môi trường du lịch.

Không thể thương mại hóa hoạt động dâng sao giải hạn

Dù chưa có văn bản chính thức về dâng sao giải hạn tràn lan tại các chùa hiện nay, Hoà thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định “không khuyến khích nhà chùa dâng sao giải hạn”.