Để mỗi mùa về thêm nhớ nhung…

31/07/2022 11:39

Kinhte&Xahoi “Thời nào thức ấy”, những món ăn khi mùa mới về theo vòng quay của đất trời như tạo thêm cho chúng ta kỉ niệm, như người bạn cũ gặp lại để tạo thêm những nhớ nhung, thêm nhiều kí ức trong cái hối hả của thời gian chảy trôi không ngừng…

Đến hẹn lại lên...

 Tháng 7 Âm lịch, theo quan niệm của dân gian lúc này trong không khí có chút trầm mặc. Đây cũng là thời điểm cuối hạ đầu thu, thời tiết đỏng đảnh, thoắt mưa thoắt nắng. Chưa qua hết những ngày dữ dội của mùa hè nhưng cái gió heo may thì vẫn từ đâu chưa thổi tới. Sự thất thường của thời tiết dễ khiến con người mỏi mệt. Vì thế, dinh dưỡng tháng 7 cũng được người Hà Nội xưa chắt lọc để sao cho vừa phù hợp với sản vật theo mùa vừa cân bằng âm dương, xốc lại tinh thần, mang tới nhiều năng lượng cho con người.

Những món ăn từ sen luôn mang đến cho người thưởng thức sự hài lòng bởi vẻ đẹp và vị ngon đặc biệt của mình

Vừa hay, đây là mùa sen ngậm hạt, sen cho củ.

Thực vật nước Nam có rất nhiều loài cây mà từ rễ, thân, lá, hoa, hạt không bỏ phí một thứ gì. Sen là một trong số ấy. Ngay cả thứ đắng như tâm sen còn để pha trà, làm thuốc chữa mất ngủ. Thế để nói, sen là một thứ thảo dược quý báu và nổi tiếng của Hà Nội.

Nổi tiếng bởi lẽ, sen Hồ Tây vừa đẹp vừa thơm, vừa là thứ “thời trân” vào mùa ai cũng muốn được sở hữu một đôi lần. Sen Hồ Tây còn tạo nên khung cảnh không gian thơ mộng, tạo nên một mùa mới cho Hà Nội, mùa chụp ảnh, thưởng trà ướp hương sen. Thoắt cái mới ngày nào còn hít hà thứ trà buộc kín trong bông hoa ngàn lớp cánh có hương thơm dịu nhẹ lâng lâng như thoát tục thì nay khắp trên phố người ta đã bán hạt sen.

Hạt sen non bóc từ đài xanh đậm ra, trẻ con phụ nữ có thể ăn vặt để thưởng thức vị ngọt nhẹ. Còn những hạt sen già hơn có thể mang ra nấu chè. Hà Nội cái gì cũng sẵn. Chỉ cần ra chợ, sà vào bà hàng quen, hạt sen đã được bóc vỏ bỏ màng, thông tâm sẵn rồi, chỉ việc mang về bắc lên bếp đun nhỏ lửa. Chè sen cũng có nhiều vị khác nhau.

Chè được nấu từ hạt sen, củ sen, táo đỏ, đỗ xanh...

Tôi vẫn nhớ nhất món chè sen thuần vị mà mẹ tôi, một người phụ nữ sinh ra và lớn lên tại Mê Linh, một làng cổ ven sông Hồng nấu theo công thức của ông bà ngày xưa. Đó là hạt sen đun nhừ với đỗ xanh, bỏ thêm đường mật mía. Những thứ này quê tôi sẵn lắm. Cả bát chè sen mang một màu vàng ngả sang sậm, thơm nhẹ mùi sản vật sinh ra từ bãi bồi sông Hồng. Cả tuổi thơ tôi gắn với món chè sen ấy. Cho đến bây giờ, lũ trẻ con tôi cũng vẫn ăn món này, do tôi nấu từ công thức mà mẹ tôi truyền lại.

Mùa sen ngậm hạt cũng là mùa nhãn về. Người Hà Nội ngày nay quen với món chè nhãn lồng hạt sen nhiều hơn. Đó là một món ăn mà sự cầu kì, tinh tế được đặt lên hàng đầu. Bởi lẽ, để nấu được một bát chè sen long nhãn đúng nghĩa, từ khâu lột màng sen cũng đã phải rất cầu kì. Lột sau cho khéo để hạt sen giữ nguyên hình dáng, lộ ra vẻ đẹp trăm hạt như một màu vàng nhẹ của mình.

Chè nhãn lồng hạt sen

Đến khi hầm sen cũng phải đảm bảo sen nhừ mà nguyên hạt, nước trong, ngọt nhẹ, không có váng. Đặc biệt, những quả nhãn tách hạt không thể được làm bởi người hậu đậu, hấp tấp hay tâm trạng bực bội, vội vàng. Cùi nhãn tròn xoe, ngậm vừa đủ hạt sen bên trong, như chiếc lồng trong suốt đựng một viên ngọc vậy.

Cả người nấu lẫn người ăn đều phải thong thả thì mới thưởng thức hết được cái ngon, cái đẹp của món chè sen long nhãn. Bởi chưa ai ăn chè nhãn lồng hạt sen mà ăn cả bát to. Chỉ là một bát hay cốc nhỏ, loáng thoáng dăm bảy “viên ngọc” có thả bông hoa nhài, ăn lấy thơm lấy tho, lấy sự ngọt ngào và cả tâm tình của người chuẩn bị mà thôi.

Vẻ đẹp của ẩm thực

Tôi cứ nhớ mãi, nhiều năm trước, một người lần đầu tiên ăn canh củ sen do tôi nấu đã thốt lên: “Sao cầu kì thế, còn… đục cả lỗ ra thế cho đẹp?". Cái sự ngạc nhiên của bạn khiến tôi rũ ra cười, bởi tuy sen là thứ rất gần gũi nhưng không phải ai cũng thích, cũng đã từng ăn củ sen. Thế nên, không tường tận rằng đó là vẻ đẹp trời sinh của củ sen như bạn tôi thì cũng là đương nhiên thôi.

Củ sen làm được nhiều món lắm, nấu chè dưỡng nhan với táo đỏ, kỉ tử, hạt sen… này, tẩm bột chiên này. Tôi vẫn thích nhất là món canh củ sen hầm sườn non. Bát canh loáng thoáng màu vàng pha hồng của củ sen, màu vàng của cà rốt và sườn non thì tạo nên vị ngọt nhẹ cho bát canh rất dễ ăn vào thời tiết ẩm ương này.

Canh củ sen

Những lỗ rỗng chạy dọc theo củ sen khi ta thái ngang lát tạo thành vẻ đẹp ngẫu hứng. Nó làm ta gắp lên cảm giác có sự nhẹ nhàng, thanh thoát. Bởi lẽ, ngày nay, người ta thưởng thức món ăn đâu chỉ là lấy no, lấy nhiều nữa. Món ăn ngon hàm chứa trong ấy cả vẻ đẹp của ẩm thực để chúng ta được ngon mắt, ngon mồm.

Vừa hay, sen là thứ hoa thanh tao “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, cũng là thứ cây mà bản thân từng cánh hoa, từng cái lá, từng miếng củ sen đều toát lên vẻ đẹp không thể trộn lẫn vào đâu được và chính bản thân từng bộ phận ấy đều có thể tự làm “phụ kiện” trang trí cho món ăn mà nó được tạo nên, không cần phải mượn thêm hoa lá cành từ các loại khác.

 Bắt đầu từ cữ này, củ sen được bán rải rác ở khắp các chợ Hà Nội cho đến cuối năm. Mùa lạnh không ai lặn bùn hái củ sen nữa. Đây cũng là lúc người trồng sen để cây dưỡng sức chờ cho mùa bung hoa vào đầu hạ. Những người bán hàng trả lời khách quen mua củ sen như thế.

Người mê sen, hay mua củ sen về nấu cho gia đình mình, gửi tặng người thân như tôi vẫn luôn có ý chờ và biết thông tin này để tìm đến đúng chỗ bán củ sen ở các chợ khi vào mùa. Chờ một mùa mới đến, tìm đến người bán hàng quen, mua đúng thứ mình cần để về nấu cho người thân ăn cũng là cách những bà nội trợ Hà Nội thưởng thức cuộc sống trôi qua trong cuộc đời mình một cách rất thức thời.

Tin rằng, bằng cách ấy, chúng ta tạo thêm cho mình những niềm nhớ nhung, mong mỏi lặp đi lặp lại theo những vòng tuần hoàn của tháng năm. Cũng bằng cách ấy, kí ức về gia đình, về không gian sống, về những người xung quanh chúng ta lại dầy thêm lên bằng những kỉ niệm rất đỗi bình dị, đời thường.

 Cẩm Tú - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cuộc thi “Hoa hậu Thiếu niên Việt Nam năm 2022” chưa được cấp phép

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, liên quan đến cuộc thi “Hoa hậu Thiếu niên Việt Nam năm 2022” tổ chức tại TP Hồ Chí Minh khi chưa được chấp thuận, Sở đã làm việc với đơn vị tổ chức và đơn vị này đã nhận sai sót.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/de-moi-mua-ve-them-nho-nhung-202289.html