Đề nghị cách chức một Trạm trưởng Kiểm lâm ở Hà Giang vì để nạn phá rừng lộng hành

07/06/2021 09:34

Kinhte&Xahoi Một Trạm Trưởng Kiểm lâm ở Hà Giang đang bị Chi cục Kiểm lâm tỉnh này đề nghị cách chức vì để rừng tự nhiên bị tàn phá.

Mạnh tay với sai phạm

Thời gian qua, tình trạng các xưởng bóc mọc lên gần rừng tự nhiên đang hàng ngày khiến cho những cánh rừng này dần bị thu hẹp ở Hà Giang như Pháp luật Plus phản ánh trong các bài báo trước là việc diễn ra thực tế.

Tuy nhiên, trong thời gian dài người bảo vệ rừng và chủ rừng vẫn chưa có phương án khắc phục hoặc cố tình để cho các đối tượng khai thác gỗ lộng hành khiến rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp lại.

Không chỉ các xưởng bóc tại huyện Quang Bình, lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang cần rà soát và tăng cường kiểm tra tại các xưởng bóc ở các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Xín Mần, Bắc Mê.

Liên quan đến thực trạng trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Đông, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Giang để làm rõ về trách nhiệm của người bảo vệ rừng tại địa phương này.

Ông Đông cho biết, sau khi nhận được hình ảnh thực tế mà PV cung cấp, lãnh đạo Chi cục đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Quang Bình tổ chức kiểm tra tất cả các địa phương có tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ tự nhiên trên địa bàn và khẳng định vấn đề này lãnh đạo Chi cục cũng đang trăn trở.

Ông Đông cho biết thêm, Chi cục đã giao phòng chuyên môn tham mưu xây dựng kế hoạch, Chi cục Trưởng đã cùng với lãnh đạo các phòng trực tiếp làm việc với UBND các xã, nơi mà phóng viên đã ghi nhận.

Qua đó kiểm tra vai trò của Hạt Kiểm lâm địa phương, Trạm Kiểm lâm phụ trách địa bàn; nắm tình hình về trách nhiệm quản lý rừng, của các chủ rừng, trách nhiệm của chính quyền địa phương và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

“sau khi xem xét mức độ phức tạp của tình trạng phá rừng mà báo chí phản ánh, đồng thời nhận thấy trách nhiệm của Trạm Kiểm lâm xã Xuân Giang, huyện Quang Bình khi nhiều lần để xảy ra thực trạng phá rừng tự nhiên cả trước đó và hiện tại gây bức xúc trong dư luận.

Chi cục Kiểm lâm Hà Giang đã đề nghị cách chức Trạm Trưởng Kiểm lâm Xuân Giang, hiện chỉ đang đợi quyết định của Giám đốc Sở Nông nghiệp vì giám đốc mới có quyền cách chức chức vụ này”. Ông Đông cho hay.

Trung thực để…giữ rừng

Trao đổi về trách nhiệm của chủ rừng, ông Lý Văn Ba, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang cho biết: “sau khi nắm bắt thông tin từ báo chí, chúng tôi đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh xử lý tình trạng vận chuyển, mua bán gỗ tự nhiên trái phép. Đặc biệt đã xử lý hành chính một đối tượng tên Thèn Minh và yêu cầu sẽ xử lý hình sự một người tên Trường”.

Còn ông Đặng Ngọc Huân, Chủ tịch UBND xã Tân Nam, huyện Quang Bình thì cho hay, trên địa bàn nơi ông quản lý không có tình trạng buôn bán, vận chuyển gỗ rừng tự nhiên. Thực tế tại địa phương đã có nhiều vụ án mang tính chất hình sự vì mua bán, vận chuyển gỗ trái phép nên hiện nay không ai dám khai thác gỗ rừng tự nhiên nữa.

Tình trạng khai thác rừng tự nhiên phục vụ sản xuất ván bóc xuất khẩu đang là nội dung nổi cộm tại  Hà Giang.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Hà Giang, năm 2019 lực lượng Kiểm lâm và các lực lượng chức năng đã phát hiện 271 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 46 vụ (giảm 14,5%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó đã xử lý 270 vụ, tịch thu gần 200m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách 2,76 tỷ đồng.

Về quản lý lâm sản, thời điểm này trên địa bàn tỉnh có 276 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản. Trong năm 2019, Chi cục đã tổ chức 02 cuộc thanh tra chuyên ngành tại 04 cơ sở thuộc huyện Vị Xuyên, Bắc Quang; 01 cuộc kiểm tra chuyên đề tại các huyện: Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình.

Báo cáo cho hay, qua thanh, kiểm tra nhìn chung các cơ sở chế biến lâm sản chấp hành tốt các quy định của pháp luật về kinh doanh, chế biến. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và xử lý 02 cơ sở vi phạm.

Thực từ thực tế trên cho thấy, mỗi địa phương muốn bảo vệ rừng thì trước hết chủ rừng, người bảo vệ rừng cần phải trung thực, mạnh tay hơn nữa trước những sai phạm của người dân cũng như doanh nghiệp. Và rõ ràng thực trạng rừng tự nhiên hiện nay đang bị tàn phá là không thể chối cãi, việc cho phép các xưởng gỗ “mọc lên” gần rừng tự nhiên đồng nghĩa với nguy cơ mất rừng rất lớn. Ngoài ra, việc tuyên truyền, vận động người dân giữ rừng tự nhiên cũng cần được tỉnh Hà Giang thực hiện nghiêm túc hơn nữa.

Phapluatplus sẽ tiếp tục thông tin.

 Biên Giới - Bảo Hà - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bức thư gửi con gái khiến trái tim các bậc làm cha mẹ rung động

Rất nhiều phụ huynh sau khi đọc xong đều nói rằng: Bức thư đã nói ra hết tất cả từ đáy lòng tôi muốn nói mà chưa thể nói. Bởi trong bức thư, vị giáo sư đã dành cho con 9 lời khuyên bao gồm đạo đức, nghề nghiệp, kiến thức, tình yêu và rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/doi-song/de-nghi-cach-chuc-mot-tram-truong-kiem-lam-o-ha-giang-vi-de-nan-pha-rung-long-hanh-d157590.html