Đề nghị Quốc hội tái giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy

14/09/2022 19:37

Kinhte&Xahoi Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh thay mặt Quốc hội tái giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Chiều 14/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 15, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8/2022.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về việc mặc dù đã có các quy định về phòng cháy, chữa cháy nhưng các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng vẫn xảy ra, nhất là tại các quán karaoke, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.

Thảo luận về báo cáo, liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Quốc hội khóa XIV đã tổ chức giám sát tối cao về phòng cháy, chữa cháy nhưng đến nay chưa tái giám sát.

“Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội tổ chức tái giám sát việc thực hiện Nghị quyết giám sát tối cao của Quốc hội về phòng cháy, chữa cháy của Quốc hội khóa XIV để xem công tác thực hiện nghị quyết đến đâu”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Phát biểu tại phiên họp, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong tháng 8 những vấn đề có liên quan đến công tác dân nguyện và thuộc trách nhiệm của mình, Bộ Công an đã chỉ đạo sát sao Công an các đơn vị, địa phương.

Công an các đơn vị, địa phương tăng cường thanh, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là an ninh mạng; tăng cường xử lý các hình thức cho vay nặng lãi; xử lý tình trạng các quán karaoke, vũ trường có ma tuý, mại dâm...

"Mặc dù chúng ta đã thực hiện tốt, công tác phòng cháy, chữa cháy đã giải quyết quyết liệt, nhất là sau vụ 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hy sinh nhưng vẫn tiếp tục xảy ra các vụ cháy, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp trong thời gian tới", Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình.

Liên quan đến nội dung cử tri và Nhân dân băn khoăn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, nên rà soát, bổ sung vấn đề hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy có phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số địa phương là trung tâm công nghiệp của đất nước và một số ngành, lĩnh vực…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, giải ngân đầu tư công chung của cả nước và nhiều địa phương còn thấp, dưới 40%, đòi hỏi phải tập trung quyết liệt để bảo đảm tăng trưởng và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo còn gặp nhiều thách thức. Tình trạng thiên tai bão lũ diễn biến bất thường, trái quy luật, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất, kinh doanh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị báo cáo cần bổ sung đầy đủ để có sự nhận diện về bức tranh chung của toàn xã hội, tâm tư, tình cảm của cử tri và Nhân dân.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu các ý kiến để hoàn thành báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thông báo kết luận gửi đến các cơ quan tổ chức thực hiện.

 Anh Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trưng bày "Báu vật Hoàng cung Thăng Long"

Nhân kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Công ước 1972; 20 năm nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long (2002-2022), chiều 8/9, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện nghiên cứu Kinh thành khai mạc Trưng bày thường xuyên có chủ đề "Báu vật Hoàng cung Thăng Long".

Lịch sử ngàn năm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là biểu tượng của lịch sử, văn hóa Đại Việt và Thăng Long - Hà Nội suốt 13 thế kỷ liên tục, từ thời Đại La đến Thăng Long rồi Hà Nội ngày nay.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/de-nghi-quoc-hoi-tai-giam-sat-cong-tac-phong-chay-chua-chay-205716.html