Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi

05/01/2023 14:35

Kinhte&Xahoi Việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Dự cuộc họp có ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố và đại diện một số Bộ, ngành là thành viên Hội đồng thẩm định.

Cuộc họp Hội đồng thẩm định Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013.

Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Việc thực hiện các chính sách đặc thù theo quy định của Luật đã giúp Thành phố thiết lập các công cụ pháp lý tương đối đồng bộ cho việc xây dựng, quản lý quy hoạch nhằm thực hiện thống nhất theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc thi hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành còn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Vì vậy, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, khắc phục những tồn tại, hạn chế và tạo cơ chế đột phá để huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô Hà Nội nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra là rất cần thiết.

Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề xuất 09 nhóm chính sách, gồm: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô; xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô; huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực KH&CN, đổi mới sáng tạo; phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.


Các thành viên Hội đồng thẩm định đều thể hiện sự nhất trí với sự cần thiết thực hiện quy trình xây dựng đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này; đồng thời tích cực trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến đối với từng nhóm chính sách cụ thể.


Trong đó, tập trung vào một số nội dung như: tính hợp hiến, hợp pháp của các đề xuất chính sách; vấn đề về phân cấp, phân quyền; vấn đề thực hiện quy hoạch của Thành phố; nguyên tắc áp dụng Luật, kiến nghị rà soát chính sách tại các Nghị quyết quy định cơ chế đặc thù của một số địa phương khác.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: Hà Nội là Thủ đô của cả nước - điều này đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013; do vậy trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), thành phố quyết tâm cao với mong muốn Hà Nội sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho Trung ương, là đầu tàu để có động lực, dẫn dắt các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm.

Trên cơ sở kế thừa những gì đã có, căn cứ vào tình hình thực tiễn và các quy định của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị và đặc biệt ý kiến đóng góp của thành viên hội đồng thẩm định này; UBND thành phố Hà Nội sẽ tiếp thu, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học để thực hiện rà soát một lần nữa, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá các thành viên phát biểu có tính xây dựng cao, tâm huyết, liên quan trực tiếp đến các chính sách trong phạm vi dự án Luật sửa đổi; hồ sơ đề nghị xây dựng Luật được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tuân thủ theo đúng quy trình của Luật Ban hành VBQPPL 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Thứ trưởng cũng nhất trí đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh của đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, tuy nhiên đề nghị 09 chính sách cần cô đọng và có trọng tâm, trọng điểm hơn nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 cũng như bám sát tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị đã ban hành liên quan đến Thành phố Hà Nội.

Trong đó, cần rà soát và bổ sung một số vấn đề được các thành viên HĐTĐ phát biểu như: bổ sung thêm đánh giá định lượng đối với một số chính sách để đảm bảo tính khả thi, thuyết phục; bổ sung quy định cụ thể về phân cấp, phân quyền; bổ sung chính sách kiểm soát, xác định trách nhiệm và tổ chức thực hiện; bổ sung mối quan hệ với tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện rà soát quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ...

Thứ trưởng cũng đánh giá cao quy định về nguyên tắc áp dụng Luật sửa đổi lần này; tuy nhiên, cần làm rõ tiêu chí xác định ưu đãi để tạo thuận lợi cho việc áp dụng; trong Tờ trình và Báo cáo Đánh giá tác động cũng cần bổ sung căn cứ và giải trình cụ thể khi quy định các nguyên tắc áp dụng pháp luật.

Đồng thời, nhất trí việc trình hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) trên cơ sở tiếp thu, giải trình đối với ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định.

 Nguyễn Xinh- Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Du lịch TP Hồ Chí Minh đón đoàn khách đầu tiên năm 2023

Sáng 1/1/2023, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đã tổ chức Lễ đón đoàn khách du lịch đến TP Hồ Chí Minh đầu năm 2023.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/de-nghi-xay-dung-luat-thu-do-sua-doi-d188735.html