Để những hỗ trợ đến đúng với người thực sự có hoàn cảnh khó khăn

20/04/2020 10:46

Kinhte&Xahoi Những cây “ATM gạo”, “siêu thị 0 đồng” hoặc các điểm phát quà “Ai cần cứ đến lấy” đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Hà Nội, thể hiện sự quan tâm, chăm lo đời sống người dân của các cấp ủy, chính quyền cũng như sự chung tay hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm...

Các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể cùng các tổ chức, cá nhân hảo tâm đã tặng hàng ngàn phần quà, hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Tiến Thành.

Liên tục rà soát, hỗ trợ nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn

Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, song song với nỗ lực phòng chống dịch, hệ thống chính trị từ cơ sở đến thành phố đã triển khai các hoạt động an sinh xã hội rộng khắp để hỗ trợ cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ngân sách của thành phố, của các quận, huyện, thông qua mặt trận tổ quốc các cấp, các tầng lớp nhân dân Thủ đô cũng đã đóng góp hàng tỷ đồng để giúp bà con vượt qua khó khăn. "Không ai bị bỏ lại phía sau" là một thực tế đã diễn ra ở Hà Nội với sự chung tay của toán xã hội, trong đó vai trò của hệ thống chính trị được khẳng định rõ ràng.

Dù vậy, khi có phản ánh trên một vài tờ báo về những trường hợp đến nhận gạo và nhu yếu phẩm tại các “ATM gạo” hay “siêu thị 0 đồng” ở Hà Nội đang ở hoàn cảnh "rơi nước mắt", chính quyền các địa phương, sau những hỗ trợ ban đầu đã rà soát để tiếp tục có sự quan tâm, chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBND phường kết hợp với các tổ chức, đoàn thể đã rà soát, lên danh sách 85 hộ cận nghèo và 202 gia đình chính sách để kịp thời quan tâm, chia sẻ. Mỗi hộ đều đã được trao 20kg gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm khác như mì tôm, mắm muối, nước rửa tay, khẩu trang…

“Từ các nguồn huy động, phường đã hỗ trợ tổng cộng 163 triệu đồng tiền mặt, 4 tấn gạo, 100 thùng mì tôm, 600 chai nước rửa tay cùng hàng ngàn khẩu trang… Phường đang nhận từ nhiều nguồn tài trợ để tiếp tục chăm lo đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn”, ông Quang cho biết. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Quang cũng cho biết, có một vài trường hợp có hoàn cảnh thực tế không như một số bài báo đã nêu. Ví dụ, những ngày qua, một tờ báo phản ánh về trường hợp một người phụ nữ 66 tuổi trên địa bàn phường đến nhận gạo tại Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao quận Bắc Từ Liêm có hoàn cảnh một mình "bươn chải giữa đời nuôi con trai bị tâm thần”. Tuy nhiên, theo ông Quang, gia đình người phụ nữ này không thuộc diện hộ cận nghèo hay hộ nghèo. Con trai bà sinh năm 1982, là người hoàn toàn khỏe mạnh nhưng không chịu lao động, khiến gia cảnh thêm khó khăn. Phường đã nhiều lần động viên nam thanh niên này kiếm việc làm. Mặc dù không thuộc diện hộ nghèo hay cận nghèo, nhưng trong đợt hỗ trợ thứ 2 của phường gia đình người phụ nữ này cũng đã được hỗ trợ và có tên trong danh sách các gia đình được hỗ trợ đợt 4.

Tương tự, tại quận Cầu Giấy, báo chí phản ánh về hoàn cảnh éo le của một người phụ nữ 76 tuổi, trú tại phường Quan Hoa, khi phải “chắt chiu” bữa đói bữa no cùng người cháu gái mất bố, mẹ bỏ đi. Chiều 15-4, do cây “ATM gạo” ở Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tạm dừng hoạt động nên bà buồn bã ra về, không giữ được lời hứa với cháu “đợi bà về có gạo, có cơm ăn ngon”. 

Chính quyền phường đã rà soát và cho biết, người phụ nữ nói trên hiện đang ở cùng với một người cháu nội (sinh năm 2001, đã đi làm), bên cạnh là nhà con trai. Ngôi nhà 3,5 tầng kiên cố của bà có diện tích mặt sàn khoảng 30m², đầy đủ tiện nghi, vừa là nơi ở, vừa cho sinh viên thuê trọ. Trong nhiều đợt họp bình xét của các ban, ngành, đoàn thể khu dân cư, gia đình bà đều không ở vào diện nhận hỗ trợ hằng năm cũng như do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Người lao động ngoại tỉnh tại Hà Nội được nhận những phần quà ấm áp nghĩa tình. Ảnh: Quang Thái.

Trên địa bàn phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm), sau bài báo phản ánh một số hộ dân trên địa bàn chưa nhận được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBND quận cũng chỉ đạo phường lập tức xác minh. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) Trần Thị Tố Nga, một số gia đình mà bài báo phản ánh đã được UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường phối hợp với một nhóm từ thiện hỗ trợ suất quà trị giá 200.000 đồng gồm 3kg gạo, dầu ăn, gia vị và khẩu trang. Ngoài ra, chính quyền phường đã chuyển quà của các nhà hảo tâm trên địa bàn đến gia đình 2 suất quà gồm gạo, thịt, rau, củ, quả… với tổng trị giá 550.000 đồng.

Riêng gia đình bà N.T.L (tên do tác giả bài báo đặt) được nêu có hoàn cảnh khó khăn, thực tế, đã được Hội Liên hiệp phụ nữ phường đề xuất tặng quà hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng gia đình bà từ chối và đề nghị chuyển quà hỗ trợ đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn. 

Một trường hợp khác là gia đình ông K trú tại phường Phú Lãm (quận Hà Đông) sau phản ánh của báo chí cũng đã được chính quyền phường kịp thời xác minh để tiếp tục có hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều người dân sống cùng tổ dân phố và một số phóng viên đã đến tận nơi đều khẳng định gia cảnh của ông không khó khăn đến mức “rớt nước mắt”.

Ông K đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền phường. Tuy nhiên, qua tiếp xúc, ông cho biết ở đâu phát gạo thì ông vẫn tới lấy, trong nhà ông có 6-7 bao gạo chứ không phải “chỉ còn đúng 1 bát gạo, nếu nấu cơm thì ai ăn ai không” như một bài báo nêu.

Khi xảy ra dịch bệnh, phường Phú Lãm đã rà soát toàn bộ những hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Nhờ ủng hộ từ nhiều nguồn xã hội hóa cùng với đóng góp từ các đoàn thể, hiệp hội trên địa bàn, phường đã hỗ trợ bằng tiền mặt và gần 400 suất quà gồm các nhu yếu phẩm đến các hộ cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật, người lao động khó khăn, bệnh tật do ảnh hưởng của dịch bệnh với tổng trị giá hơn 57 triệu đồng. Đến nay, tất cả 100% đối tượng khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ. 

Để "không ai bị bỏ lại phía sau"

Có thể thấy, những ngày qua, hàng ngàn người có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời và động viên nghĩa tình, ấm áp. 

HNMO đưa tin mới nhất, ngày 19-4, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19" của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, chị Nguyễn Hà My ở Tổ dân phố số 22, phường Long Biên, quận Long Biên đã ủng hộ 60 triệu đồng tiền tiết kiệm cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của phường. Nhiều tập thể, cá nhân hảo tâm đã quyên góp ủng hộ với tổng số tiền và hiện vật trị giá gần 120 triệu đồng.

Chị My là một cá nhân trong số hàng ngàn, hàng vạn công dân Thủ đô, vì cảm động trước hình ảnh các chiến sĩ tuyến đầu ngày đêm gắng sức chống dịch, vì cảm thông trước bao gia cảnh khó khăn mà mong muốn được đóng góp một chút nhỏ bé. Rất nhiều chủ các cửa hàng ăn do ảnh hưởng của dịch Covid -19 phải ngừng bán hàng, nhưng họ tự nguyện làm đồ ăn như xôi, bánh khúc, bánh cuốn, bánh bao, bánh mì... tương trợ các hoàn cảnh khó khăn tại các điểm phát lương thực, thực phẩm trên nhiều tuyến phố Hà Nội. 

Đại diện chính quyền, các đoàn thể phát gạo dưới nhiều hình thức ở khắp các địa bàn quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội. Ảnh: Quang Thái.

Chiều 17-4, một câu chuyện cảm động được kể tại điểm phát quà “Ai cần cứ đến lấy” trước cổng Bệnh viện Nhi trung ương. Một cô gái trẻ đã ủng hộ nhóm từ thiện phát quà cho các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại đây 300 chiếc bánh khúc, vốn là đặc sản từ quê hương Vĩnh Phúc. Người làm bánh khi nhận được đơn hàng đặc biệt này đã tự ý làm thêm ra 100 chiếc để ủng hộ. Những hành động yêu thương nhỏ bé từ những người không bận tâm lưu lại tên tuổi như thế luôn nhẹ nhàng nhưng thấm đẫm tình người, khiến bao người nhận bánh vô cùng cảm động.

Từ cổng Bệnh viện Nhi trung ương hay nhiều bệnh viện khác, nhìn rộng ra khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn Hà Nội, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân đã tổ chức hàng trăm điểm cấp, phát nhu yếu phẩm với phương châm: “Ai cần đến lấy”, “Nếu bạn khó khăn, xin cứ dùng. Nếu bạn tạm ổn, xin nhường cho người khác”, “Không sợ hết gạo, chỉ cần giữ khoảng cách an toàn, bình tĩnh xếp hàng chờ đến lượt”…

Đáng chú ý, các cấp Hội Chữ thập đỏ đã triển khai chương trình tặng lương thực, thực phẩm miễn phí cho người nghèo liên tục trong 10 ngày (từ ngày 15 đến 25-4) tại nhiều địa điểm, góp phần giúp người nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn. Thông tin từ Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội, trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 3.000 lượt người đến các điểm cấp, phát lương thực, thực phẩm để nhận sự hỗ trợ với tổng trị giá hàng hóa gần 1 tỷ đồng. 

Các cấp Hội Chữ thập đỏ trên khắp địa bàn thành phố mỗi ngày hỗ trợ hơn 3.000 lượt người.

Các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố những ngày này cũng hỗ trợ người dân gặp khó khăn thông qua nhiều chương trình thiết thực, hiệu quả. Thành đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội đã phát động “Chiến dịch 10.000 việc làm vì cộng đồng chống thất nghiệp mùa dịch” nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho thanh niên bị thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tổ chức Đoàn, Hội còn triển khai chương trình “Hà Nội nghĩa tình”, cung cấp 8.000 suất ăn/ngày cho sinh viên, công nhân và người có hoàn cảnh khó khăn…

Phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, 30/30 quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội đã, đang trợ giúp kịp thời cho người dân gặp khó khăn. Tiêu biểu là các ngành, đoàn thể huyện Gia Lâm huy động được nguồn hàng hóa, tiền mặt trị giá hơn 5 tỷ đồng để chuyển đến những người cần trợ giúp. Quận Long Biên hỗ trợ các trường hợp khó khăn với tổng trị giá gần 3 tỷ đồng; quận Hoàn Kiếm hỗ trợ các gia đình nghèo, đối tượng chính sách, người già cô đơn trên địa bàn với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng. Quận Bắc Từ Liêm  hỗ trợ 27 hộ nghèo, 224 hộ cận nghèo, 60 hộ có hoàn cảnh khó khăn, 240 người khuyết tật với tổng giá trị 1,133 tỷ đồng. Quận Đống Đa đã hỗ trợ các đối tượng yếu thế lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu tổng trị giá 850 triệu đồng và tiền mặt gần 1,6 tỷ đồng. Quận Hai Bà Trưng hỗ trợ cho trên 1000 trường hợp là gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình diện cách ly, người già cô đơn, người lao động không có thu nhập trong thời gian dịch bệnh, bệnh nhân xóm chạy thận. Quận Hoàng Mai hỗ trợ cho 3000 hộ với số tiền 1,5 tỷ đồng. Quận Hà Đông đã trao tặng 8.893 suất quà trị giá hơn 3,3 tỷ đồng.

Những con số nhiều tỷ đồng tiền mặt, hàng trăm tấn gạo, hàng ngàn suất ăn hay bé nhỏ như 400 chiếc bánh khúc… là minh chứng rõ ràng nhất cho sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân Thủ đô cùng vào cuộc để chăm lo cho người nghèo, để những hỗ trợ đến kịp thời, đúng với người có hoàn cảnh khó khăn, tạo nên sức mạnh nghĩa tình, thiện tâm cùng chiến thắng dịch bệnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bác sĩ sáng tác ca khúc chống đại dịch Covid-19

Không phải nhạc sĩ nhưng sự kết hợp hài hòa giữa Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Mạnh Thắng (Viện Khoa học Thể dục Thể thao) và nhà giáo Trần Phương (Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng) đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, xúc động khi nghe ca khúc "Thế giới cùng chống đại dịch virus corona".

Linh thiêng thạch kinh chùa Nhất Trụ

Chứa khoảng 2500 ký tự, những cột kinh Phật bằng đá ở chùa Nhất Trụ (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) trở thành niềm tự hào về văn hóa, lịch sử nước Việt.

Link bài gốc http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/965042/de-nhung-ho-tro-den-dung-voi-nguoi-thuc-su-co-hoan-canh-kho-khan