Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp

30/12/2021 08:12

Kinhte&Xahoi Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diễn ra hôm qua (29/12).

Kim ngạch xuất khẩu lập kỷ lục mới

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội (KTXH), làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản..., ngành NN&PTNT vẫn có bước tăng trưởng vượt bậc.

Một điểm sáng của ngành trong năm 2021 là kim ngạch xuất khẩu lập kỷ lục mới. Thống kê sơ bộ, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020. Trong đó, nông sản chính 21,49 tỷ USD, tăng 13,5%; lâm sản chính 15,96 tỷ USD, tăng 20,7%; thủy sản trên 8,89 tỷ USD, tăng 5,6%; chăn nuôi 434 triệu USD, tăng 2,1%. Có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD…

Năm 2022, ngành NN&PTNT cả nước phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng toàn ngành 2,8 - 2,9%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 49 tỷ USD; tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 92,5%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng...

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực vượt khó và kết quả đạt được của ngành, của các địa phương và đặc biệt là của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp. Năm 2021, tăng trưởng của ngành cao hơn năm 2020, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đặt ra, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của đất nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế của ngành Nông nghiệp như việc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của ngành; công tác dự báo còn nhiều hạn chế; phát triển chưa bền vững, chưa dựa nhiều vào công nghệ và chuyển đổi số; chưa chủ động, linh hoạt thích ứng với diễn biến mới; thị trường xuất khẩu chưa đa dạng; chưa có nhiều thương hiệu mang tầm quốc tế…

Thủ tướng đề nghị toàn ngành cần tiếp tục quán triệt nhiệm vụ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH, phát triển ngành Nông nghiệp trong trạng thái bình thường mới.

Tinh thần chung là đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phải không ngừng nâng cao giá trị tuyệt đối của ngành Nông nghiệp, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và ở khu vực nông thôn. Nông dân phải là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực; người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm.

Đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững

Thủ tướng yêu cầu, trước hết ngành cần đặt ra những mục tiêu lớn hơn nữa, bám sát thực tế để cụ thể hóa các đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng về nông nghiệp. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế nhằm tăng cường quản lý nhà nước, phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời cắt giảm thủ tục hành chính không thật sự cần thiết. Đẩy mạnh huy động nguồn lực bằng hình thức hợp tác công - tư trên nguyên tắc cân bằng lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa 3 chủ thể: người dân, Nhà nước, doanh nghiệp.

Khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt các Chiến lược, Quy hoạch, nhất là 4 quy hoạch ngành quốc gia, một số quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có liên quan trực tiếp đến phát triển KTXH.

Xây dựng sản phẩm thương hiệu thúc đẩy cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp quốc gia, khai thác tối đa các hiệp định thương mại tự do (FTA); sản xuất các sản phẩm chính ngạch; đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi từ phát triển về số lượng sang chất lượng... Đặc biệt, chú trọng chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhất là để thúc đẩy thương mại điện tử, kết nối cung cầu, giúp người nông dân có thể “không cần ly nông, không phải ly hương vẫn có thể đưa nông sản đi xa, thoát nghèo và làm giàu…”.

Thủ tướng cũng đề nghị phát triển các cụm liên kết chế biến gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các FTAs, nhất là EVFTA, CTPPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường. Đồng thời coi trọng thị trường nội địa.

Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC, gỡ “thẻ vàng”, ngăn chặn, xử lý nghiêm tàu cá khai thác trái phép, đồng thời xử lý tốt vấn đề môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Bộ NN&PTNT cũng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai các cam kết của Việt Nam tại COP26, đề xuất các dự án ưu tiên để giảm phát thải khí nhà kính, khí mê tan…

Không thể “đường mòn lối mở” mãi

Nhắc tới tình trạng ùn tắc nông sản tại một số cửa khẩu, Thủ tướng lưu ý giải pháp lâu dài, căn cơ là phải thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch với các sản phẩm đủ tiêu chuẩn. Cùng với đó, phải triển khai bài bản, đồng bộ các nhiệm vụ trong tất cả các khâu, từ quy hoạch, dự báo thị trường, vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực chế biến, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mẫu mã, bao bì, nhãn mác sau thu hoạch, giải pháp về thị trường… Đây là những vấn đề rất cơ bản cần lộ trình để giải quyết với sự chia sẻ, chung tay của các bên và sự hợp tác quốc tế. “Không thể “đường mòn lối mở” mãi. Phải làm đến cùng, làm hết mình vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích chính đáng của chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh. 


 T. Hoàng - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Việt Nam hiện có 238 bảo vật quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định số 2198/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 10, năm 2021) cho 23 hiện vật, nhóm hiện vật. Như vậy, tính đến đầu năm 2021, sau 9 đợt công nhận, nước ta có 215 bảo vật, nhóm hiện vật được công nhận thì nay tổng số bảo vật quốc gia là 238.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/doi-moi-manh-me-tu-duy-phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-d173797.html