''Đòn bẩy'' giúp khôi phục kinh tế Thủ đô

10/04/2022 10:00

Kinhte&Xahoi Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội trong 3 tháng đầu năm 2022 ước đạt 824,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021. Con số này cho thấy tiềm năng rất lớn của thị trường nội địa trong tăng trưởng kinh tế, tiêu thụ hàng Việt, thực sự là “đòn bẩy” giúp khôi phục kinh tế Thủ đô.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại Trung tâm thương mại AEON Mall (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm

Thị trường trong nước đã có sự hồi phục mạnh mẽ khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát. Thị trường nội địa có nhiều tiềm năng không chỉ về mặt kinh tế, mà còn là điểm tựa chắc chắn, an toàn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố cùng doanh nghiệp triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải…, đã tạo đà tích cực cho sự phục hồi lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể, giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ quý I-2022 ước tăng 6,15% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp 4,06% vào mức tăng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 5,83%. Trong đó, giá trị tăng thêm hoạt động bán buôn, bán lẻ tăng 4,37% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn quý I-2022 ước đạt 824,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 161,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1%, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 107,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 66,3% tổng mức.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tuy nhiên, bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn giữ đà tăng, bảo đảm đầy đủ mặt hàng thiết yếu đã cho thấy sự vững mạnh của hàng Việt Nam và hệ thống phân phối trong nước.

Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Kim Dung thông tin, doanh thu của Saigon Co.op (đơn vị quản lý hệ thống Co.opmart) bình quân tăng 8,2%/năm. Điều đó cho thấy, qua khó khăn do dịch Covid-19, thị trường nội địa một lần nữa khẳng định vai trò và sức mạnh trong khôi phục, phát triển kinh tế Thủ đô cũng như cả nước.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, Sở sẽ tiếp tục tổ chức chương trình khuyến mại tập trung năm 2022 với mục tiêu thu hút 1.000-2.000 doanh nghiệp tham gia thông qua các sự kiện: “Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnight Sale 2022”, “Hà Nội - Online xuống phố”, “Tháng khuyến mại”… Ngoài ra, Sở tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hình thức khuyến mại trên quy mô lớn với mức giảm giá sâu, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân; tổ chức các hội chợ hàng Việt Nam, tuần hàng Việt Nam, đưa hàng Việt Nam về nông thôn, khu công nghiệp...

Cùng với các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá phát triển sản phẩm, thương hiệu, liên kết vùng, kết nối sản xuất giao thương với các địa phương, thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hạ tầng thương mại, nâng cấp cải tạo hệ thống chợ, mở rộng mạng lưới bán hàng phục vụ nhu cầu của nhân dân. “Các chương trình kích cầu tiêu dùng của thành phố góp phần hiện thực hóa Đề án về phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu nhận định, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần xác định thị trường nội địa là nơi giúp doanh nghiệp đứng vững trong Covid-19. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực tổ chức quản lý cũng như tăng cường khả năng liên kết và hợp tác với doanh nghiệp khác.

"Để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường nội địa, tăng kim ngạch xuất khẩu, đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động xây dựng, quảng bá thương hiệu hàng Việt tại thị trường trong nước và quốc tế; nhanh chóng chuyển đổi số, đầu tư công nghệ, bắt kịp nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, hàng Việt Nam phải chinh phục tốt người tiêu dùng Việt Nam", bà Vũ Thị Hậu cho biết.

 Thanh Hiền - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lan tỏa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Văn hóa người Việt đặc trưng bởi tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và sự thăng hoa của tín ngưỡng ấy ở tầm quốc gia chính là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Sau 10 năm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2012-2022), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang khẳng định sức sống mãnh liệt của triết lý hướng về cội nguồn, một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng hội tụ, lan tỏa giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt.

Nguồn: Hà Nội mớihttp://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1029093/don-bay-giup-khoi-phuc-kinh-te-thu-do