Theo Bộ KH-ĐT, dự án xin lùi thời gian hoàn thành vào năm 2027, đồng thời giảm từ 14 xuống 10 đoàn tàu. Ảnh TL
Theo UBND TP. Hà Nội, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 195.365 triệu yên (khoảng 35.679 tỉ đồng), thời gian thực hiện dự kiến chủ yếu trong trong giai đoạn 2021-2025.
Về cơ cấu nguồn vốn: Vốn ODA dự kiến 167.226 triệu yên (khoảng 30.572 tỉ đồng; chiếm 85,6% tổng mức đầu tư); Vốn đối ứng từ ngân sách TP. Hà Nội là 5.107 tỉ đồng, tương đương 28.139 triệu yên (chiếm 14,4% tổng mức đầu tư).
Theo UBND TP. Hà Nội, việc sử dụng ODA và vay ưu đãi để đầu tư là phù hợp do nguồn vốn này có thời gian ân hạn 10 năm, thời gian hoàn trả 30 năm, lãi suất vốn vay thấp hơn (0,1-0,2% mỗi năm) so với huy động từ trái phiếu (khoảng 7-10%).
Lộ trình của tuyến đường sắt. Info: Huy Thắng
Dư nợ hiện nay của Hà Nội năm 2018 là 11.886,55 tỉ đồng, năm 2019 là 10.692,55 tỉ đồng và dự kiến 2020 là 11.737,55 tỉ đồng. Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội tiếp tục giải ngân các dự án đang triển khai có phần vốn ODA với tổng giá trị dự kiến là 38.077 tỉ đồng. Nếu tính phần vốn ODA tăng thêm của dự án này là 14.087 tỉ đồng, mức vay nợ của Hà Nội vào năm 2021 dự kiến là 66.207 tỉ đồng - vẫn nhỏ hơn hạn mức thành phố có thể huy động tối đa, theo tờ trình của Hà Nội.
Về phương án trả nợ, UBND TP. Hà Nội cho hay, giai đoạn 2021-2025, tổng số nợ phải trả là 0 đồng do đang trong thời gian ân hạn. Các nguồn vay và trả nợ gốc trong giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo sẽ được cân đối để đảm bảo dự án không làm tổng dư nợ vay của TP vượt quá 70% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp theo quy định.
Các phương án vay vốn và trả nợ sẽ được tính toán cụ thể trong giai đoạn tiếp theo sau khi dự án được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và các hiệp định vay vốn được ký chính thức.
Dự án tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt từ năm 2008, dự kiến hoàn thành năm 2015 với tổng vốn đầu tư đề xuất ban đầu là 19.555 tỉ đồng. Tuy nhiên, gần đây, UBND TP báo cáo Thủ tướng xin phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 35.678 tỉ đồng, tăng 16.123 tỉ đồng (82%) so với ban đầu, đồng thời kéo dài thời hạn hoàn thành đến năm 2027.
Nguyên nhân do thay đổi quy mô đầu tư tăng 1.801 tỉ đồng, tỉ giá tăng quy đổi tăng 2.235 tỉ đồng; giá nguyên liệu, vật tư, nhân công, thiết bị, trượt giá tăng 6.762 tỉ đồng; thay đổi chế độ chính sách - chi phí quản lý tăng 5.323 tỉ đồng.
Theo kế hoạch điều chỉnh, vận tốc thiết kế chạy tàu được nâng từ 90km mỗi giờ lên 120km, tốc độ vận hành tối đa các đoàn tàu trên tuyến sẽ đạt 110km ở đoạn trên cao, 80km trong hầm...
TP. Hà Nội cũng điều chỉnh giảm số lượng đoàn xuống 10 đoàn (40 toa tàu) để vận hành các đoàn tàu phù hợp với lưu lượng hành khách dự báo, bảo đảm thời gian giãn cách, vận chuyển hành khách tiện lợi.