Du lịch đêm: Vì sao cung luôn thua cầu?

11/06/2020 11:03

Kinhte&Xahoi Ý tưởng du lịch di tích về đêm không đơn thuần là kéo dài thời gian mở cửa vào buổi tối. Thách thức của mô hình du lịch này là tạo ra sản phẩm khác biệt so với du lịch buổi sáng để cuốn hút du khách về đêm nhưng lại cần được “mở đường” bằng chính sách quản lý và pháp luật.

Chương trình “Du ca đất Việt” của Ducashow tại Nha Trang.

Thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi

Tỉnh Khánh Hòa từng được National Geographic tuyên bố là một trong 50 điểm đến quan trọng nhất trên thế giới nhưng cũng là một ví dụ cho thấy sự thiếu hụt về sản phẩm du lịch đêm khiến cho tiềm năng du lịch của tỉnh này không được phát huy tối đa, du lịch tăng trưởng nóng trong năm 2019 nhưng thiếu tính bền vững.

Đại diện một hãng lữ hành quốc tế tại Nha Trang từng chia sẻ: “Khách đến Nha Trang đi tắm biển, ngắm biển buổi sáng, trưa và chiều dạo quanh các điểm đến, tối không biết làm gì ngoài ăn uống rồi về ngủ”. Có thể nói họ có tiền nhưng không được tiêu, đặc biệt về đêm. 

Thậm chí trong giai đoạn vừa qua, thực hiện chương trình “Người Việt du lịch Việt”, nhiều công ty, đơn vị đã tổ chức những chuyến đi du lịch tham quan, nghỉ dưỡng kết hợp “team-building” và “gala dinner” cho nhân viên. Nhiều du khách từ Hà Nội phản ảnh “không có gì làm vào ban đêm ngoại trừ đi ăn, đi nhậu”, “các mặt hàng chợ đêm thiếu đa dạng, có thể tìm thấy ở Hà Nội, cũng không có sự thay đổi qua các năm nên không tạo được sự hào hứng mua sắm”…

Quả thực, du lịch đêm ở tỉnh Khánh Hòa chưa phát triển đúng tầm. Điều này được thể hiện ngay trong cơ cấu doanh thu du lịch Khánh Hòa trong những năm qua khi doanh thu hoạt động kinh doanh lưu trú chiếm và dịch vụ ăn uống chiếm trên 51%.

Thu nhập từ hoạt động vui chơi giải trí chỉ dao động từ 3-4% trong 5 năm gần đây. Các sản phẩm du lịch chính là du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch khám phá, du lịch sức khỏe.

Thống kê của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa năm 2019 cho biết toàn tỉnh có khoảng hơn 41 nghìn phòng và là địa phương có số lượng buồng phòng, cơ sở lưu trú lớn nhất trong 4 điểm du lịch biển có sân bay quốc tế (Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang) theo đánh giá của Tổng cục Du lịch. Trong khi đó toàn tỉnh chỉ có 30 điểm đến phục vụ du khách, trong số đó điểm đến ban đêm chỉ có 1 điểm. 

Mặt khác, trong năm 2019 tỉnh Khánh Hòa đã đón 7,2 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có khoảng 3,6 triệu lượt khách quốc tế. Thực trạng sản phẩm dịch vụ du lịch tăng qua các năm nhưng chủ yếu lưu trú và ăn uống, tập trung 92% tại Nha Trang… Mức chi tiêu trung bình của khách rất thấp chỉ ở mức 117 USD/ngày/khách, bằng ½ so với Phuket (Thái Lan) là 202,385 USD/ngày/ khách.

Theo ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa, hiện trạng du lịch đêm Khánh Hòa vẫn đang rất nghèo nàn dù đã được manh nha. Từ 20 năm trước với ý tưởng xây dựng phố đi bộ đêm ở khu phố Tây sẽ tạo sức bật cho sản phẩm du lịch đêm Khánh Hòa.

Tuy nhiên, đến nay chỉ mới hình thành được khu chợ đêm ngay một bên quảng trường 2/4. Nhưng theo đánh giá của nhiều du khách trên trang tripadvisor thì “Chợ quá nhỏ, ở ngay trung tâm Nha Trang, tuy nhiên ít nét đặc sắc, trưng bày quần áo, giày dép… không phải sản phẩm đặc trưng của địa phương, không muốn ở lại lâu”. 

Theo đó, một số quán bar, cà phê phục vụ đêm mới phát triển 2 năm gần đây còn có chỗ để khách đến. Năm 2019, một sản phẩm du lịch văn hóa giải trí được đầu tư khá chuyên nghiệp phục vụ du khách ban đêm là ducashow nhưng cũng chưa thể đáp ứng nhu cầu chơi đêm của du khách nói chung, bao gồm cả du khách nội địa và quốc tế.

Các nhà quản lý du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch đều nhận định như vậy là “vô cùng lãng phí” tiềm năng của tỉnh nhưng sản phẩm du lịch đặc thù phải được phát triển từ từ, có nghiên cứu kỹ lưỡng, chứ không phải “một sớm một chiều” là có được.

Cần chính sách “mở đường”

Vấn đề du lịch đêm đã được đặt ra nhiều năm nay tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, chưa có nghiên cứu chính thức nào xác định quy mô, cũng như tác động của “kinh tế ban đêm” đến hoạt động kinh tế nói chung.

Phần lớn sản phẩm du lịch của Việt Nam hiện nay chủ yếu chỉ tập trung từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều, trong ngành du lịch gọi là sản phẩm cứng. Tuy nhiên, sản phẩm từ 18 giờ tối đến 3 giờ sáng ngày hôm sau thì đến nay vẫn chưa được phát triển. 

Chợ đêm và phố đi bộ gần như là hai đặc sản chính của du lịch về đêm tại Việt Nam, xuất hiện tại hai thành phố lớn là Hà Nội, Hồ Chí Minh với nhiều địa phương khác như Huế, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Nha Trang… Tuy nhiên, chất lượng của phố đi bộ, chợ đêm có sự “vênh” nhau ở mỗi tỉnh, thành. Tại nhiều địa phương, do chưa có quy hoạch hợp lý hoặc do thiếu thốn những những chương trình giải trí, văn hóa phù hợp vào ban đêm nên hoạt động của các mô hình này chưa hiệu quả.

Có thể thấy, ngay tại Thủ đô Hà Nội, các các chương trình văn hóa nghệ thuật truyền thống thường không thu hút du khách bằng những hoạt động ẩm thực, mua sắm. Ví dụ, chương trình biểu diễn rối nước cũng chỉ hoạt động 2 ngày trong tuần.

Bên cạnh đó, kể từ khi xuất hiện Nghị định 100 về tăng mức xử phạt với nhiều vi phạm giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, nhiều đơn vị kinh doanh cho rằng Nghị định này có thể làm cho du lịch, ẩm thực bớt đi sự hấp dẫn trong con mắt khách du lịch. Đơn cử, lượng khách đến phố Tạ Hiện, khu phố đêm náo nhiệt nhất ở Hà Nội, đã giảm đáng kể.

Đối với các chủ cửa hàng và những người thích nhậu nhẹt, việc Nghị định 100 đi vào cuộc sống thực sự là một “đòn giáng mạnh” vào sở thích và doanh thu kinh tế đêm của họ. Tuy nhiên, đối với du khách nước ngoài, Nghị định 100 đã góp phần giảm thiểu tai nạn, nâng cao ý thức người dân, nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong mắt người nước ngoài.

Cần chính sách hỗ trợ và quy hoạch tổng thể để xây dựng sản phẩm du lịch đêm

Mới đây, Thủ tướng đề nghị cuộc họp thảo luận về một số vấn đề như việc mở đường bay quốc tế. Khi mở cửa cho du khách nước ngoài thì vấn đề an toàn là một trong những mối quan tâm hàng đầu, đặc biệt khi tham gia tour du lịch về đêm. Nhiều khảo sát ý kiến của du khách nước ngoài đến Việt Nam trước đây cho thấy, họ thường xem thời gian ban đêm tại các thành phố lớn là khoảng thời gian thú vị nhất khi ít xe cộ ồn ào, thời tiết dễ chịu.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các khu phố “Tây” ở Hà Nội và Hồ Chí Minh đang trở thành các con phố “nhậu”. Có du khách thích sôi động, ăn uống nhưng cũng có người thích sự yên tĩnh, khám phá văn hóa, nghệ thuật, lịch sử…

Chưa kể, đặc sản phố đi bộ hiện nay gần như thành phố du lịch nào cũng có nhưng chưa thực sự đặc sắc. Việc tập trung vào một số sản phẩm tiêu biểu nhằm kích cầu giao thương, mua bán mới chỉ đáp ứng được một số nhu cầu của du khách.

Khánh Hòa là một ví dụ nhưng những khó khăn, thách thức mà tỉnh này đang đối mặt cũng là vấn đề chung về cách làm du lịch đêm của nhiều tỉnh, thành khác. Để tháo gỡ “điểm nghẽn” trong chiến lược phát triển du lịch bền vững Khánh Hòa đang định hướng cơ cấu lại sản phẩm du dịch, nâng cao chất lượng du lịch biển đảo gắn với dịch vụ bổ trợ, đồng thời khai thác tốt sản phẩm văn hóa du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tổ chức tốt các dịch vụ về đêm nhằm thu hút chi tiêu của khách du lịch.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đêm đều mong muốn có chính sách hỗ trợ và quy hoạch tổng thể. Phát triển kinh tế về đêm có thể kích cầu du lịch, mua sắm khi đã có những sản phẩm du lịch đúng tầm đặc sắc và khác biệt, khiến du khách đến và quay lại.

 Diệu Biểu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lão nông “neo giữ” hồn quê

Ở làng quê Phương Lang, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), ông Nguyễn Trường (SN 1937) là một trong số ít những người thợ còn chế tác ra những chiếc cối xay lúa bằng tre cầu kì, đẹp mắt, gợi nhớ ký ức về một thời nhọc nhằn nơi chốn quê xưa.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/du-lich-dem-vi-sao-cung-luon-thua-cau-d126769.html