Du lịch tàu biển 'lao dốc' vì Covid-19

20/02/2020 09:58

Kinhte&Xahoi Sự việc tàu du lịch 5 sao Diamond Princess của Hoa Kỳ đang bị cách ly tại Nhật Bản dấy lên mối lo ngại trong dư luận và áp lực lớn đối với các chính phủ.

Con tàu Aida Vita của Ý bị từ chối cập cảng.

Ngày 18/2, theo AFP, Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết đã có thêm 88 người trên du thuyền Diamond Princess đang được cách ly tại cảng Yokohama cho kết quả xét nghiệm dương tính với chủng mới của Covid-19, đưa tổng số trường hợp dương tính với vi rút này trên tàu Diamond Princess lên 542 người.
Vụ việc du thuyền Diamond Princess bắt đầu bị cách ly từ ngày 3/2 đến nay đã đem “cơn ác mộng” đến với những tàu du lịch 5 sao khác đang trôi nổi trên biển cả.

Đơn cử, ngày 6/2, du thuyền World Dream (thuộc hãng tàu biển của Hồng Kông-Trung Quốc) đã bị giữ lại tại bến tàu Khải Đức (Hồng Kông) sau khi bị từ chối nhập cảnh tại Đài Loan (Trung Quốc). Đến ngày 9/2, Hồng Kông mới cho phép 3.600 hành khách rời khỏi World Dream, sau khi xác nhận không có hành khách Trung Quốc trên tàu.

Du thuyền Diamond Princess đang bị cách ly tại cảng Yokohama (Nhật Bản).

Ông Bùi Đức Long (chủ hãng tàu du lịch Hương Hải Sealife): “Không ai dám chắc số người lên bờ này (chỉ người trên tàu Aida Vita-PV) có ủ bệnh hay không. Nhất là các tàu này đã có lịch trình đi qua cảng của những quốc gia có dịch bệnh.

Chính quyền ứng xử như vậy không có nghĩa là kỳ thị khách du lịch mà chỉ đơn giản đó là động thái bảo vệ cộng đồng và bảo vệ chính du khách.

Các hãng tàu, công ty lữ hành lúc này cần bỏ cái lợi trước mắt mà nhìn cái lợi lâu dài”.

Doanh nhân Ingrid Leung, chủ hãng du lịch Incruising Travel Asia tại Hồng Kông (Trung Quốc): “Mọi người có xu hướng nhanh quên sau khi các dịch bệnh kết thúc. Nếu chúng tôi có thể tồn tại trong 3 tháng tới và dịch Covid-19 được kiểm soát, khách hàng sẽ bắt đầu đặt chỗ lại”.

Mặt khác, ngày 11/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan thông báo chính thức rằng không cấp phép nhập cảnh cho du thuyền Westerdam (chứa khoảng 2.000 hành khách) của Hà Lan tại cảng Laem Chabang thuộc tỉnh Chonburi, sau khi liên tiếp bị từ chối nhập cảnh tại Nhật Bản, Phillippines và đảo Guam.

Còn tại Việt Nam, ngày 11/2, UBND tỉnh Quảng Ninh từ chối cấp phép cập cảng tàu Aida Vita - quốc tịnh Italia (chở hơn 1.100 hành khách) xuất phát từ Indonesia ngày 17/1. Cùng thời điểm này, tàu du lịch Norwegian Jade (hãng tàu của Nauy) cũng không được phép neo đậu ở Việt Nam. Do đó, hãng tàu phải hủy toàn bộ hành trình ở Việt Nam. Trên tàu có khoảng hơn 2.300 hành khách.

Theo diễn biến tình hình, một luồng ý kiến khác lại phản biện. Sau đó, ngày 16/2 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã gửi công văn yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh chấn chỉnh, rút kinh nghiệm từ sự việc trên. Theo đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời tránh để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu hút du lịch.

Những năm gần đây, các công ty du lịch tàu biển hàng đầu Mỹ và châu Âu nỗ lực khai thác thị trường châu Á. Theo Hiệp hội Tàu du lịch quốc tế, số lượng tàu trong khu vực năm 2019 tăng lên 79 tàu so với 43 tàu năm 2013. Hiệp hội cũng cho biết số lượng hành khách tại châu Á tăng từ 1,51 triệu người vào năm 2013 lên 4 triệu người vào năm 2019.

Trước đó, châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng được xác định là thị trường lớn của ngành du lịch tàu biển. Tuy nhiên, hiện các công ty dịch vụ du lịch tàu biển đã phải hủy bỏ hàng loạt chuyến đi do nhiều quốc gia từ chối cho du thuyền cập bến vì sợ Covid-19. Đơn cử, Royal Caribbean Cruises - công ty du thuyền lớn thứ hai trong ngành đã hủy 18 chuyến đi ở Đông Nam Á cho đến tháng 4. Theo đó, Công ty phải chấp nhận lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu có thể giảm tới 1,2 USD.

Hiện vẫn chưa thể đánh giá được tổn thất thật sự của ngành du lịch tàu biển và vẫn còn quá sớm để đánh giá về tác động lâu dài của dịch Covid-19 đối với loại hình du lịch này.

Thiết nghĩ, “khủng hoảng” không phải là vấn đề chỉ duy nhất du lịch tàu biển trên toàn cầu mà có thể nói, dịch bệnh đang tác động đến tất cả ngành nghề, lĩnh vực. Việc phục hồi niềm tin của du khách, cũng như kinh tế của các đơn vị kinh doanh là một câu chuyện lâu dài, cần có sự chung tay, phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, báo chí, truyền thông trên thế giới.

Nỗi hoang mang của hành khách

Các hành khách trên tàu Diamond Princess ngày càng hoang mang khi tình hình không được giải quyết theo hướng khả quan. Trả lời phỏng vấn của CNN, Peter Hotez, một công dân Mỹ, chia sẻ: “Tôi không hiểu tại sao chúng tôi bị giữ trên con tàu này. Tôi nghĩ họ đang sử dụng những gì tôi gọi là phương pháp và đạo đức của thế kỷ 14 để ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm”. Còn đối với hành khách người Mỹ Karey Mansicalco: “Nó giống như một án tù cho những điều tôi đã không làm. Họ đang bắt chúng tôi làm con tin hoàn toàn không có lý do”.

Quả thực, không ai mong muốn bị giữ trên một con tàu tiềm tàng ổ dịch, mà chính phủ nước sở tại hay chính phủ nước họ là công dân không có bất cứ động thái khả quan nào.

Vào ngày 17/2, theo Wallstreet Journal, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ sơ tán khoảng 380 công dân Mỹ khỏi du thuyền Diamond Princess. Những người này sau đó sẽ trực tiếp được đưa đến khu cách ly để theo dõi.

Không lâu sau, Chính phủ Canada, Hàn Quốc… đều đã đưa thông báo sẽ sơ tán công dân của mình trên con tàu này. Những động thái này đã tạo áp lực rất lớn cho Chính phủ Nhật Bản.

Theo đó, Chính phủ Nhật cũng đã quyết định sơ tán những người lớn tuổi có kết quả âm tính với Covid-19 chủng mới khỏi du thuyền Diamond Princess sớm hơn thời gian quy định cách ly là ngày 19/2, trong đó những người cao tuổi ở trong những phòng không có cửa sổ sẽ được ưu tiên trước.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/du-lich-tau-bien-lao-doc-vi-covid-19-d117748.html