Du lịch Thanh Hóa bứt tốc mạnh mẽ

21/08/2023 16:59

Kinhte&Xahoi Tỉnh Thanh Hóa đã nằm trong nhóm dẫn đầu trên bản đồ du lịch Việt Nam. Đứng thứ 4 cả nước về lượt khách và tổng thu du lịch.

Kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã nằm trong nhóm dẫn đầu trên bản đồ du lịch Việt Nam. Đứng thứ 4 cả nước về lượt khách và tổng thu du lịch, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh trong hơn nửa đầu năm 2023.

Những năm trước 2019, du lịch Thanh Hóa tuy đã có bước phát triển mạnh mẽ, song chừng ấy vẫn chưa đủ đưa Thanh Hóa lọt vào nhóm những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế du lịch hàng đầu Việt Nam.

Bắt đầu từ năm 2020 trở lại đây, du lịch Thanh Hóa có những bứt phá mạnh mẽ. Theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết: “7 tháng đầu năm 2023, Thanh Hóa ước đón được 10,26 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 312.800 lượt.

Tổng thu du lịch ước đạt 19.571 tỷ đồng, trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế: 141,83 triệu USD; đứng thứ 4 cả nước về lượt khách và tổng thu du lịch, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh trong hơn nửa đầu năm 2023.”

Trong đó phải kể đến là pha bứt tốc ngoạn mục của thành phố Sầm Sơn, trong giai đoạn 2021 - 2023, thành phố nhỏ nhất cả nước này đã đón được gần 14 triệu lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt gần 25.000 tỷ đồng.

Ảnh minh hoạ.

Riêng 6 tháng đầu năm 2023, thành phố Sầm Sơn đã đón khoảng 5,3 triệu lượt du khách, doanh thu ước đạt hơn 9.160 tỉ đồng, đóng vai trò chính để Thanh Hóa vươn lên vị trí thứ 4 cả nước về số lượng lượt khách và doanh thu từ du lịch.

Bên cạnh đó sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng đang là một “hiện tượng” mới nổi trên bản đồ du lịch Thanh Hóa, góp phần không nhỏ vào sự thành công chung của du lịch Thanh Hóa.

Cụ thể như, tại 1 huyện nghèo thuộc diện 30a như huyện Bá Thước, vào kỳ nghỉ lễ và dịp cuối tuần, khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông luôn đạt 100% công suất phòng lưu trú.

Ngoài ra, mùa hè năm 2023, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đồng loạt thu hút lượng lớn khách du lịch như: Khu du lịch Bến En Thanh Hóa (H. Như Thanh) được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn xứ Thanh”, suối cá Cẩm Lương (H. Cẩm thủy), Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (H. Thọ Xuân), làng Văn hóa dân tộc xứ Thanh (TP. Thanh Hóa)... Dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Thanh Hóa cũng đón được lượng du khách cao nhất cả nước với gần 1,2 triệu lượt.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 76 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành được cấp phép, trong đó có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 56 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 04 chi nhánh du lịch. 1.200 khách sạn, nhà nghỉ với 47.300 phòng, trong đó có 215 khách sạn đạt hạng 1- 5 sao, 178 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) với sức chứa khoảng 8.000 người, 235 khách sạn căn hộ (condotel)  với khoảng 1.600 phòng và khoảng 800 biệt thự, căn hộ, nhà liền kề cho khách du lịch thuê với khoảng 4.500 phòng.

Có được những thành tựu đó đầu tiên phải kể đến là Thanh Hóa đã làm rất tốt các hoạt động kích cầu du lịch, liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, đơn vị trong nước, các hoạt động quảng bá thương hiệu du lịch Thanh Hoá, các hoạt động xúc tiến gắn với Đại sứ du lịch Thanh Hoá năm 2023, đón các đoàn doanh nghiệp lữ hành và báo chí về khảo sát, kết nối các tour tuyến, sản phẩm du lịch…

Người Thanh Hóa cũng mạnh dạn đưa nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch biển mới vào khai thác như: Quảng trường biển, nhạc nước, phố đi bộ, chợ đêm, các họat động biểu diễn nghệ thuật đường phố (tại khu du lịch Sầm Sơn); tour du lịch Đảo Mê, các trò chơi xe địa hình không vô lăng, đường đua công thức F1, trượt cỏ, bắn súng sơn… (thị xã Nghi Sơn); tour du lịch ra đảo Nẹ, dù lượn (khu du lịch Hải Tiến)... đã tạo nên sức cạnh tranh sản phẩm du lịch với các tỉnh.

Ngoài ra, du lịch di sản văn hóa, tâm linh; du lịch sinh thái, cộng đồng đang ngày càng được du khách đón nhận và đánh giá cao. Đây là các loại hình du lịch đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện yếu tố mùa vụ, là sản phẩm được định hướng phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Thanh.

Được biết, từ nay đến cuối năm 2023, Thanh Hóa sẽ đưa vào hoạt động dự án Cổng thông tin điện tử về du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động, đồng thời triển khai đề án phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến 2030. Với tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đặc sắc, hạ tầng giao thông đồng bộ, nhiều tổ hợp dự án du lịch quy mô lớn của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã, đang đầu tư, dự kiến sẽ sớm đi vào hoạt động, đặc biệt là cách làm du lịch của người xứ Thanh. Du lịch Thanh Hóa sẽ tiến xa hơn nữa, hướng đến trở thành trọng điểm du lịch của cả nước.

 Phương Nhi - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chính sách visa mới Du lịch Việt kỳ vọng sẽ “bội thu”

Mùa du lịch hè vừa kết thúc cũng là lúc các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành tiếp tục “lên dây cót” cho dịp cao điểm cuối năm. Với nhiều lợi thế như được truyền thông quốc tế đánh giá cao, chính sách visa mới, ngành Du lịch Việt kỳ vọng sẽ “bội thu” vào các kỳ nghỉ thu, đông năm nay.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/xa-hoi/du-lich-thanh-hoa-but-toc-manh-me-d197556.html