Trước đó, vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới bài thơ “Gánh mẹ” giữa nhà thơ Trương Minh Nhật và nhạc sĩ Quách Beem đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, nhất là khi bài hát “Gánh mẹ” được sử dụng trong bộ phim “Lật mặt 4: Nhà có khách” của đạo diễn Lý Hải. Bài hát “Gánh mẹ” cũng được công chúng yêu thích. Trải qua rất nhiều phiên tòa các cấp, sự tranh biện của các bên liên quan cùng những tranh cãi trên báo chí, mạng xã hội, cuối cùng ông Trương Minh Nhật đã được tòa phúc thẩm công nhận là tác giả đồng thời là chủ sở hữu của bài thơ “Gánh mẹ” và lời bài hát “Gánh mẹ”.
Từ vụ kiện bản quyền này nhìn rộng ra, có thể thấy đây không chỉ là câu chuyện giữa các cá nhân, mà còn là vụ việc có tính điển hình trong tranh chấp bản quyền đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật. Theo đánh giá chung hiện nay, số tác giả trong lĩnh vực văn học nghệ thuật có ý thức bảo vệ quyền tác giả của mình chưa nhiều. Không có nhiều tác giả chủ động đăng ký bản quyền sáng tác, thậm chí nhiều người còn không lưu giữ thông tin về thời gian, nơi công bố tác phẩm lần đầu...
Đáng nói là hiện nay, nhiều tác giả chọn công bố tác phẩm trên các trang mạng xã hội không uy tín khiến ngay lập tức tác phẩm bị phát tán, sao chép và “mất dấu” bản quyền. Bởi vậy, khi xảy ra tranh chấp họ thường bị yếu thế hơn so với bên vi phạm, dẫn đến kiện tụng kéo dài, mệt mỏi. Bên cạnh đó, tâm lý chung “chờ được vạ thì má đã sưng”, ngại va chạm khiến nhiều người chấp nhận “làm ngơ” trước những hành vi vi phạm bản quyền mà họ cho là “nhỏ” hay “thường xuyên như cơm bữa”. Thông thường, chỉ đến khi tác phẩm trở nên nổi tiếng hoặc mang lại giá trị kinh tế cao thì nhiều tác giả mới “ngã ngửa” tìm cách chứng minh quyền tác giả của mình. Khi đó, khó sẽ chồng khó!
Chuyện kiện tụng của một tác giả nhưng cũng là bài học chung để cho các tác giả sáng tạo cần chú ý hơn trong việc đăng ký bản quyền sáng tác, để tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ.
Song Nhật - Hà Nội mới