Ga Huế - một chốn đi về

04/08/2019 09:48

Kinhte&Xahoi Đến với xứ Huế mộng mơ là ngỡ như lạc vào chốn kinh đô đầy cổ kính với những đền đài, cung điện và cả dòng sông Hương hiền hòa.

Và đặc biệt, du khách không thể bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng, khám phá vẻ kiến trúc độc đáo của Nhà ga Huế. Dù cho bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, sự bào mòn của thời gian nhưng ga Huế vẫn hiên ngang, mang vẻ đẹp đầy nét cổ kính, kiêu sa đã trở thành biểu tượng của Huế khiến ai nấy đều khắc khoải.

Ga Huế - nét cổ kính giữa lòng phố thị.

Những tiếng vọng từ lịch sử

Nhà ga xưa còn rất nhiều tại các tỉnh của Việt Nam nhưng chủ yếu chỉ là nơi đến và đi của các hành khách. Mỗi nhà ga xưa, một câu chuyện kể, một công trình kiến trúc cần phải nhắc nhớ, có thể kể đến 3 cái tên: ga Hà Nội tráng lệ và ga Đà Lạt duyên dáng và ga Huế cổ kính.

Được xây dựng từ năm 1906, ga Huế đã cùng với mảnh đất Cố đô trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử nước nhà với một sức mạnh mãnh liệt đã đứng vững đến tận bây giờ. Ra đời muộn 4 năm sau ga Hàng Cỏ - nhà ga Hà Nội hiện nay (1902).

Nhưng nhà ga Huế vẫn còn giữ được vẻ đẹp cổ điển hơn. Sau chiến tranh, Chính phủ cho khôi phục tuyến đường sắt thống nhất Hà Nội - Sài Gòn. Đúng ngày 31/12/1976, hai đoàn tàu thống nhất xuất phát từ ga Hà Nội và ga Sài Gòn, đã thông tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam. Ga Huế là nơi “bắt tay nhau” giữa hai đoàn tàu mang ý nghĩa lịch sử “non sông liền một dải”.

Ngày nay, được sửa sang nhiều lần, hiện đại hơn, nhưng nét cổ kính của ga Huế vẫn được trân trọng. Nhiều người thích đến đây chơi, quang cảnh thoáng đãng, thức ăn uống giá bình dân, sân ga là một xã hội thu nhỏ, đa dạng nhưng có nề nếp trật tự.

Những năm 70, sân ga là nơi mưu sinh của hàng trăm người buôn bán nhỏ. Quán sá lẻ tẻ, cốt phục vụ cho người đi và đón tàu. Ánh đèn dầu le lói gợi lên một không gian lam lũ của người dân lao động, mưu sinh về đêm, khiến ta liên tưởng đến truyện “Hai chị em” của nhà văn Thạch Lam. Ga Huế hiện nay là một trong 4 nhà ga còn bảo tồn gần như nguyên vẹn kiến trúc từ khi mới xây dựng.

Những cánh cửa vòm cách điệu hình toa xe lửa là đặc trưng của các nhà ga cổ ở Việt Nam. Ga Huế xưa có tên là ga Trường Súng, nằm trên tuyến đường sắt Đông Hà – Đà Nẵng. Tuyến đường sắt này dài 174km, được xây dựng từ năm 1902 đến 1908. Cái tên nhà ga “Trường Súng” cũ xuất xứ từ khu đất xây nhà ga, trước làm nơi các binh lính tập bắn súng.

Tuổi của nó bằng với cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, trường Quốc Học, Bệnh viện Trung ương Huế. Được Pháp xây dựng do đó ga Huế còn một số chứng tích của thời kỳ Pháp, đây là điều thú vị của nó. Hiếm có ga nào mà lưu giữ những hình ảnh từ ban đầu.

Hơn 100 năm tồn tại, ga Huế đã in dấu chân của rất nhiều nhân vật lịch sử quan trọng như vua Thành Thái, vua Bảo Đại và các nhà yêu nước cách mạng như Nguyễn Tất Thành, Phan Bội Châu… Đây cũng là nơi đón tiếp những vị khách quốc tế đặc biệt như Vua hề Charlie Chaplin, Quốc vương Campuchia Sihanouk và Hoàng hậu. Bên cạnh đó, nhà ga đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của biết bao nhà thơ, nhà văn trên vùng đất Cố đô. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, nhà thơ Võ Quê đã gắn cuộc đời mình với biết bao chuyến tàu trên sân ga Huế.

“Dập dìu kẻ đón người đưa/Trên sân ga Huế sớm trưa khuya chiều/ Nụ cười nước mắt thương yêu/ Chia ly hội ngộ, trăm điều riêng chung/ Còi tàu vang vọng không trung/ Nhìn nhau quyến luyến, nghìn trùng ở đi”.

“Với ga Huế tôi có nhiều kỉ niệm từ thuở ấu thơ cho đến nay. Khi 10 tuổi thường theo thân sinh đi vào Đà Nẵng bán Liễn làng Chuồn trong dịp đón Tết. Rồi sau đó, khi lớn lên thì rong ruổi chơi với bạn bè, hoặc đi công việc đều đi tàu. Mà khi đường tàu lập lại thì có kỉ niệm đáng nhớ với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Xuân Hoàng và số văn nghệ sĩ ra Bắc. Hình ảnh của ga Huế đó là những cuộc chia ly, những cuộc hội ngộ. Một người đi rất nhiều người tiễn, một người về rất nhiều người đón...”, nhà thơ Võ Quảng tâm sự.

Với nhà thơ “chân quê” lừng danh là Nguyễn Bính, trên bước đường phiêu bạt từ Bắc vào Nam, khi dừng chân tại Huế, ông đã để lại cho đời hai bài thơ không dễ nào quên: Xóm Ngự Viên và Những bóng người trên sân ga. Chính ga Huế đã khơi gợi cảm xúc cho ông viết nên thơ, mà thơ thật hay, thật trữ tình. Tôi tự hỏi mình, đã có bao nhiêu hành khách đến rồi lại đi trên sân ga Huế từ trước đến giờ. Có lẽ, chẳng ai đong đếm được điều ấy bởi mỗi chuyến tàu dù đến hay đi cũng làm xao xuyến một khoảng trời của xứ Huế mộng mơ.
 
Trà ga – 12h đêm và những câu chuyện chỉ mới bắt đầu...

Ga Huế không chỉ đơn thuần là nơi người ta đến rồi đi, mà còn là chỗ dừng chân, là một góc trú ẩn của những con người khác nhau. Khi đêm đã về khuya, giữa TP Huế vẫn có một nơi nhộn nhịp, rộn rã tiếng người nói chuyện bên những chén trà với đủ câu chuyện, đó là những quán trà ở ga tàu Huế.

Thưởng thức trà đêm ở đây đã dần trở thành một nét văn hóa độc đáo, một thú vui quen thuộc. Một buổi đêm nào đấy, dù không chờ tàu, du khách đi Huế nên một lần thử cảm giác ngồi nhâm nhi ấm trà bốc khói bên cạnh đĩa hạt dưa và chiếc đèn dầu hiu hắt phả ra ánh sáng lúc mờ lúc tỏ. Yên lặng mà nhấp lấy ngụm trà nhìn dòng người qua lại tấp nập nhưng không hối hả trong đêm là lúc Huế được nhìn từ phía sau – góc của “bóng lưng thành phố”.

Trà ở Huế thì hẳn là chẳng thiếu, nơi đất kinh thành này, nét cổ kính hiện diện ở khắp nơi, và trà là thứ quà không quá hiếm hoi làm nên điều đó. Từ lâu, ga Huế đã trở thành điểm uống trà quen thuộc của nhiều người dân, quen đến nỗi người ta nói ngắn gọn cho cái thú vui ấy là thú “trà ga”.

Trong chữ “trà ga”, “ga” không phải là tên của một loại trà, mà ở đây, “ga” là địa điểm, đó là điểm bắt đầu và kết thúc hành trình của những đoàn tàu. Hơn 100 năm qua, ga Huế không chỉ là nơi đón chào và tiễn đưa bao cuộc hội ngộ, chia ly mà còn là nơi mưu sinh của hàng trăm người bản địa và những người dân tứ xứ. Uống trà ở ga Huế có nét độc đáo riêng mà một lần trải nghiệm thôi đã thấy nao nao lòng, thử một bữa thôi đã thấy thích thú.

Trà ga xuất phát từ việc các hàng quán mở ra đơn thuần đón khách từ ga, hoặc đến tiễn người thân đi xa có nơi trú chân ngồi đợi. Sau lâu dần, ngoài việc phục vụ cho khách chờ tàu, đây còn là một nơi quen thuộc để uống trà nhâm nhi buổi tối của mọi tầng lớp, từ người lao động đến sinh viên, đặc biệt là du khách du lịch Huế.

Ngụm trà đượm hương, nóng hổi lan hơi ấm xuống họng bắt đầu nghe đăng đắng, nuốt xuống rồi còn lảng vảng vẫn chẳng chịu tan. Hương của trà thì chẳng mấy chốc mà biến mất nên có lẽ cái hương còn đọng lại mãi chính là hương vị của Huế.

Cái thú chẳng những nằm ở vị trà mà đặc sắc ở không gian thưởng thức. Trong cái không gian ồn ã đặc trưng của một ga tàu, tiếng đoàn tàu lăn bánh, tiếng người ta í ới gọi nhau cho kịp chuyến, tiếng bước chân vội vã trở về từ nơi nào rất xa…. dưới ánh đèn dầu leo lắt – như một nét đặc trưng hiếm có bởi lẽ ở chốn thị thành này ít ai còn dùng đến, chỉ cần thêm một chiếc bàn nhỏ, đôi ba ghế đẩu cùng với ấm trà, đĩa hạt hướng dương, có khi kẹo lạc, cộng thêm ống điếu cày và bao thuốc lào là người ta có thể ngồi với nhau hàn huyên mấy giờ liền.

Trà ga Huế độc đáo ở chỗ bán thâu đêm suốt sáng, nhưng đông khách vẫn là khoảng thời gian về khuya từ 22h cho đến sáng sớm hôm sau. Lúc ấy, trà ga như một xã hội thu nhỏ với đủ loại người. Từ những người áo quần là lượt, đi xe hơi bóng nhoáng đến những bác xe ôm, xích lô quần áo lôi thôi, khuôn mặt khắc khổ. Ai cũng có chỗ ngồi nơi đây. Càng về khuya càng đông, dòng người xuất hiện trước sân ga ghé lại ngồi bên quán càng nhiều.

Người cười nói rôm rả kể chuyện ban sáng, người lẳng lặng uống ngụm trà rồi ngắm nhìn khắp xung quanh có chút gì đó như nuối tiếc hương vị ban ngày cũng có chút gì đấy đang thưởng thú vui ban đêm. Huế là vậy, nhộn nhịp nhưng không hề hối hả. Giá cả ở đây hết sức bình dân một ấm trà giá 15.000 đồng, đĩa kẹo lạc, hướng dương thì chỉ 10.000 đồng.

Ai hút thuốc lào thì có sẵn điếu cày, gọi thêm giấy châm lửa 5.000 đồng. Du khách ghé đây vì tò mò sẽ phải lưu luyến mãi không thôi vì cái đặc biệt của thú thưởng trà ga Huế này. Khi hết nước trà, người ta lại gọi chủ quán chế thêm ít nước sôi, uống đến khi trà nhạt thì thay ấm khác.

Tiếng rít của điếu cày, tiếng xì xào nói chuyện của khách trà, thi thoảng lẫn với tiếng còi của đoàn tàu nào đó về đến ga đã trở thành nét đặc trưng và không gian riêng biệt ở đây. Có người đến đây, không chỉ để ngồi uống trà, họ đến chỉ để đôi khi ngắm nhìn niềm vui của sự đoàn tụ hay sự bùi ngùi của những người sắp đi xa. Anh Nguyễn Đình Hiếu, quê ở Hải Phòng vào Huế lập nghiệp từ nhiều năm nay, chia sẻ: “Đến đây, vừa uống trà, vừa nghe tiếng còi tàu, nó làm tôi vơi đi sự nhớ nhà, bởi nhà tôi gần đường ray nên tiếng còi tàu rất thân quen”.

Trà ga Huế – cái thú cho những tâm hồn muốn một lần ngắm Huế lặng yên nhưng không nhàm chán, rầm rập đón những chuyến tàu, nơi Huế dường như không ngủ với những con người đến rồi đi.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus