Ghi nhận tại “điểm nóng” dịch tả lợn châu Phi ở Thừa Thiên - Huế

06/09/2019 16:17

Kinhte&Xahoi Nơi đây có hơn 3.000 hộ dân và phần lớn sống nhờ nghề làm ruộng, chăn nuôi lợn. Tại chợ Phú Đa, những hàng bán thịt cũng vơi dần.

Nhiều tháng nay, kể từ khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra tại thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cuộc sống nhiều hộ nông dân chồng chất khó khăn khi dịch chưa có dấu hiệu dừng lại. Thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang là một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng của DTLCP nhiều nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nơi đây có hơn 3.000 hộ dân và phần lớn sống nhờ nghề làm ruộng, chăn nuôi lợn. Tại chợ Phú Đa, những hàng bán thịt cũng vơi dần.

Chuồng trại nuôi lợn của hộ gia đình chị Đặng Thị Bé bỏ trống nhiều tháng nay.

Nhiều tiểu thương cho biết, DTLCP bùng phát hơn ba tháng nay nhưng vẫn chưa dừng lại. Nhiều hộ gia đình chăn nuôi cố bám trụ với đàn lợn nhưng cũng chẳng hiệu quả bao nhiêu khi lợn tiếp tục nhiễm bệnh, phải mang đi tiêu hủy. Ông Trần Nhơn Thà (72 tuổi, tổ dân phố Lam Đức Trung) cho biết, gia đình ông nuôi gần 200 con lợn nái và lợn thịt, đến khoảng cuối tháng 5/2019, dịch tả lợn bùng phát ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, sau đó lan về đến thị trấn Phú Đa.

Dịch đến bất ngờ, người dân không kịp trở tay, hàng nghìn con lợn đã phải tiêu hủy. “Nuôi lợn nhiều năm rồi, lần đầu tiên tôi mới thấy cảnh trong chuồng không còn con nào. Hiện, số tiền bột khoảng 150 triệu đồng, gia đình vẫn chưa thể chi trả”, ông Thà buồn bã nói. Khi DTLCP hoành hành, nhiều hộ gia đình đã phải chuyển đổi nghề để có tiền trang trải cho cuộc sống. Chị Đặng Thị Bé (45 tuổi, tổ dân phố Lương Viện) nuôi đàn lợn gần 50 con, nay không còn con nào sống sót.

Để có tiền trang trải cuộc sống, chị phải học cách may áo quần rồi nhận gia công áo gió tại nhà để kiếm mỗi ngày vài chục ngàn đồng chăm lo cho con. “Hàng chục năm nay, nuôi lợn là nghề chính của gia đình. Hầu hết mọi trang trải từ việc nhỏ đến việc lớn đều nhờ vào thu nhập từ nghề này. Thế nhưng mấy tháng nay, lợn chết sạch, gia đình rất khó khăn”, chị Bé cho biết.

Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Đa cho biết, toàn thị trấn có hơn 600 hộ chăn nuôi lợn bị DTLCP, chiếm hơn 80% số hộ chăn nuôi trên địa bàn. Hiện dịch vẫn còn xảy ra ở một số hộ. Đến cuối háng 8/2019, toàn thị trấn có 3.249 con lợn mắc bệnh, ước tính được hỗ trọ khoảng hơn 4 tỷ đồng. Đến cuối tháng 8/2019, thị trấn đã nhận được khoảng hơn 2 tỷ đồng để chi trả cho các hộ chăn nuôi có dịch. Số còn lại sẽ được cấp phát vào tháng 9.

Tính đến ngày 28/8, DTLCP đang xảy ra trên đàn lợn của hơn 10.500 hộ chăn nuôi tại 109/152 xã, phường thuộc 9/9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy là 60.340 con. Trong đó, huyện Phú Vang có 19/19 xã thị trấn có dịch.

Theo ông Nguyễn Văn Tân, trước thực trạng DTLCP vẫn còn dai dẳng, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã vận động người chăn nuôi không nên tái đàn trong giai đoạn này. Dù nhiều hộ chăn nuôi sẽ gặp khó khăn khi có lợn bệnh, lợn chết nhưng nếu tiếp tục nuôi thì sẽ còn lây lan và thiệt hại nhiều.

Đối với những hộ còn lợn thì tuyên truyền nuôi đảm bảo an toàn và nhất là không lấy thức ăn dư thừa không đảm bảo vệ sinh cho lợn ăn như kiểu chăn nuôi truyền thống. Cũng theo ông Tân, hiện tại để giải quyết việc làm cho một số người dân quá khó khăn, vừa qua, huyện và thị trấn cũng đã làm việc với một số công ty đóng tại Cụm công nghiệp Phú Đa hỗ trợ nghề cho người dân trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, chính quyền cũng vận động các hộ chăn nuôi chuyển từ lợn sang gà, vịt.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hành động bất ngờ gây xúc động của cậu bé lớp 4 tại triển lãm “Nơi đầu sóng”

Khác với các bạn cùng trang lứa khác, những ngày lễ dịp Quốc Khánh 2/9, thường được gia đình đưa đi du lịch, về quê hoặc đến các điểm vui chơi giải trí, em Kiều Chấn Long, học sinh lớp 4 trường tiểu học Dịch Vọng B – Quận Cầu Giấy lại chọn đến triển lãm ảnh về biển đảo để tìm hiểu và ghi chép nhưng điều hỏi được, nghe được tại triển lãm.

Nguồn: Pháp luật Plus