Giá hoa giảm mạnh vẫn vắng khách mua

19/02/2021 21:54

Kinhte&Xahoi Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, mặc dù hoa tươi các loại trên địa bàn Hà Nội sau Tết Nguyên đán Tân Sửu khá dồi dào, giá thành giảm nhưng vẫn thiếu vắng khách mua. Thực tế này khiến người trồng hoa ở Hà Nội lao đao vì thua lỗ...

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, các điểm bán hoa ở xã Mê Linh (huyện Mê Linh) vắng khách mua.

Nguồn cung dồi dào, sức mua giảm

Sáng 19-2 (tức mùng 8 tháng Giêng năm Tân Sửu), dạo qua một vòng các vùng trồng hoa của Hà Nội như: Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Phúc Thọ..., phóng viên Báo Hànộimới vẫn thấy bạt ngàn hoa khoe sắc nhưng vắng người mua.

Ông Nguyễn Nhân Định, ở xã Mê Linh (huyện Mê Linh), cho biết, thông thường, những lứa hoa phục vụ thị trường Tết sẽ bán được 70% trước Tết; còn lại 20-30% bán sau Tết, phục vụ nhân dân đi lễ đầu năm... Tuy nhiên, thời điểm cuối năm, dịch Covid-19 bùng phát nên việc tiêu thụ hoa Tết Tân Sửu 2021 gặp nhiều khó khăn, nhà vườn rơi vào cảnh ế ẩm. 

“Nhà tôi có 4 sào hoa hồng và hoa cúc. Dịp Tết Dương lịch 2021, bán 250.000 đồng/bó 50 bông hoa hồng, 100.000 đồng/bó 50 bông cúc. Hoa cắt ra đến đâu là thương lái thu mua hết đến đó... Vậy mà từ chiều 26 tháng Chạp năm Canh Tý, trên địa bàn huyện có ổ dịch Covid-19 mới, giá hoa giảm chỉ còn một nửa mà vẫn vắng người mua”, ông Nguyễn Nhân Định chia sẻ.

Giá hoa cúc giảm chỉ còn 500-800 đồng/bông khiến nông dân thua lỗ nặng.

Chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, ở phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm), cho biết: “Tôi đã trồng hoa nhiều năm nhưng chưa năm nào giá hoa rẻ như năm nay. Trước Tết, hoa ly bán được 300.000-400.000 đồng/bó 10 cành, nhưng hiện giờ giá chỉ còn 1/3. Với mức giá này, nông dân không đủ tiền mua giống, dù vậy, chúng tôi vẫn phải huy động người nhà cắt hoa mang bán để vớt vát chút vốn”.

Trong khi đó, những tiểu thương buôn bán hoa năm nay cũng lao đao vì thua lỗ. Anh Hoàng Mạnh Hưng, một tiểu thương bán hoa ở huyện Phúc Thọ cho biết, cứ dịp trước và sau Tết, các loại hoa rất dễ tiêu thụ, nhất là hoa hồng, cúc, ly, đào... do nhu cầu dịp Tết và đi lễ chùa đầu năm. Tuy nhiên, năm nay, các lễ hội đều tạm dừng hoạt động, đền, chùa đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19 nên mặt hàng hoa vắng khách mua, giá giảm mạnh...

Chị Trần Thị Dung, tiểu thương chợ Hà Đông so sánh: “Năm ngoái, hoa ly có giá 20.000-25.000 đồng/cành nhưng năm nay, giá giảm một nửa mà vẫn khó bán. Cứ tình hình này tôi phải chấp nhận bán lỗ để cứu vốn thôi”...

 Giá hoa ly giảm, chỉ còn 1/3 so với các năm.

Đa dạng sản phẩm, hướng tới công nghệ cao

Để hạn chế thiệt hại cho nông dân vùng trồng hoa, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết, trong vụ Tết, huyện đã khuyến cáo nông dân không tăng diện tích trồng các loại hoa cắt cành như: Cúc, thược dược, ly..., mà trồng đa dạng các loại hoa mới, hoa chậu, hoa thế, hoa bon sai... để dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, năm nay, dịch Covid-19 quay trở lại vào đúng dịp Tết nên người dân không kịp bán. Hiện nay, huyện Mê Linh chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân chuyển đổi một số diện tích trồng hoa sang cây trồng khác; không tăng diện tích hoa cắt cành, tập trung vào chăm sóc hoa thế, hoa chất lượng cao; hướng tới thị trường xuất khẩu và phát triển thành điểm du lịch ngắm hoa của thành phố... 

Bí thư Đảng ủy xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ) Cấn Văn Hồng thông tin, Tích Giang là một trong những địa phương trồng hoa lớn của huyện. Năm nay, diện tích hoa cắt cành của địa phương tăng khoảng 10%, tập trung vào các loại hoa ly, cúc, hồng, dẫn tới dư thừa cục bộ và thời điểm này rất khó tiêu thụ. Do đó, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, bên cạnh duy trì ổn định diện tích hoa cắt cành bán trong năm, địa phương cần tập trung vào các loại hoa cao cấp, giá trị cao, có độ bền và độc đáo như lan hồ điệp, đỗ quyên, thủy tiên, hoa trồng trong chậu treo...

Ngày 8 tháng Giêng năm Tân Sửu, tại vườn hoa của gia đình ông Phùng Đức Tài ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (huyện Mê Linh), vẫn còn lượng lớn hoa chưa bán hết.

Cũng về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương thông tin thêm, thành phố có gần 8.000ha hoa - cây cảnh các loại. Trong đó, loại hoa cắt cành vụ đông xuân chưa tới 3.000ha nhưng sản xuất manh mún, không tập trung; kỹ thuật thu hái, xử lý, bảo quản, đóng gói sản phẩm hoa cắt cành chưa được chú trọng nên nông dân gặp khá nhiều rủi ro. Do đó, năm 2021, khi triển khai hỗ trợ mô hình hoa công nghệ cao tại các địa phương, trung tâm hướng tới loại hoa cho thu hoạch rải đều trong năm, điều tiết được thời gian thu hoạch…

Để sản xuất hoa - cây cảnh trở thành ngành kinh tế cho thu nhập bền vững ở nông thôn, tránh tình trạng "được mùa - giảm giá" như hiện nay, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội tập trung quy hoạch một số vùng sản xuất hoa chuyên canh, xây dựng thương hiệu hoa, trung tâm giao dịch và chợ đầu mối bán buôn hoa - cây cảnh ở một số vùng trọng điểm có sản lượng hoa - cây cảnh lớn như: Huyện Mê Linh, quận Tây Hồ… Đồng thời, thành phố đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, phấn đấu từ nay đến năm 2022, tỷ trọng giá trị sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao chiếm 25-30% tổng giá trị sản xuất hoa của Hà Nội.

 Thanh - Sơn - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tháng Giêng lại về

Một năm bắt đầu bằng tháng Giêng, bằng những cành nụ nở đâm chồi, bằng dịu ngọt của những tia nắng mai lọt qua kẽ lá...

Trẻ con biết gì về tiền?

Đây là câu nhận xét tôi được nghe rất nhiều từ những người lớn vào dịp Tết vừa qua khi những đứa trẻ mong muốn giữ lại tiền lì xì thay vì gửi cho bố mẹ.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nong-nghiep/991595/gia-hoa-giam-manh-van-vang-khach-mua