Giải pháp cho bố mẹ khi trẻ nghỉ hè

22/06/2018 17:51

Kinhte&Xahoi Nghỉ hè trẻ em được xả hơi nhưng lại là dịp các bố mẹ ức chế, mệt mỏi, stress vì không có người trông con. Làm sao để trẻ nghỉ hè mà không ảnh hưởng nhiều tới công việc hàng ngày của bố mẹ?

 

Giải pháp cho con về quê

Giải pháp cho con về quê nghỉ hè được nhiều người chọn vì ít tốn kém. Bốn năm nay nhà anh Nguyễn Văn Tâm (ở Thanh Xuân, Hà Nội) con nghỉ hè là gửi về quê nội 1 tháng, quê ngoại 1 tháng. Năm đầu tiên con về quê còn lạ lẫm, không phân biệt được trâu bò, bê nghé. Nhưng tới giờ mỗi năm nghỉ hè con học được nhiều điều từ thiên nhiên, biết kể niềm vui sướng khi tát ao cá, biết phân biệt các loại gạo, rồi vòng đời sinh trưởng của ếch, của ve… đặc biệt là dũng cảm, nhanh nhạy trong sinh hoạt, khơi dậy lòng hiếu thảo và tình yêu quê hương, tăng vốn kiến thức sống đời thường. 

Có điều khi vào học chính thì do không đi học hè, nên kiến thức chậm hơn. Anh bảo sẽ giúp con học đuổi và uốn nắn dần. Miễn sau hè con khỏe mạnh, lanh lợi, biết nhiều kỹ năng sống và yêu quê hương, để mỗi mùa hè lại ngóng về quê thăm bạn cũ, hoà mình với thiên nhiên chăn trâu, bắt cá, hun dế mèn, đấu dế… Đề phòng tai nạn, anh dặn dò cả xóm giềng, họ mạc kiểm soát, trông nom con, đồng thời trang bị vài kỹ năng sống để con nhận diện nguy hiểm cơ bản để xử lý.

Chị Nguyễn Thị Giang thì người giúp việc xin nghỉ 1 tháng về quê đúng dịp hè, “cái khó ló cái khôn” nên chị nghĩ ra cách trả nguyên lương để người giúp việc đưa con chị về quê 2 tuần, sau đó người giúp việc đưa cả con chị và con người giúp việc lên thành phố nghỉ hè 2 tuần. Vậy là hai đứa trẻ có người trông, đứa được trải nghiệm cuộc sống nông thôn, đứa được lên thành phố chơi với mẹ.

Động viên con tự giác giúp việc nhà

Chị Ngọc Dung (ở Hà Nội), có hai cô con gái một đứa trên 10 tuổi, một đứa 8 tuổi nên chị áp dụng biện pháp tự ở nhà trông nhau. Chị phân tích cho con gái lớn biết: “Bố mẹ đi làm vất vả để nuôi hai chị em. Vì vậy con tự ghi danh sách những việc con có thể làm giúp mẹ mỗi ngày, đặc biệt là trông em”. Chỉ cần con làm được một phần việc nhỏ là bố mẹ đã khen rồi rít, vì thế vợ chồng chị yên tâm đi làm. Để đề phòng mọi chuyện, chị thu dọn hết đồ đạc lên cao và xa khỏi tầm với của con, để lỡ trẻ nghịch bắc ghế lên cũng không với tới được.

Chị Nguyễn Thị Bích có con gái lớp 1 thì xót con vì ở nhà một mình trong gian nhà trọ chật chội, nên đưa con lên cơ quan 3 ngày/tuần, rồi chồng đưa con đến cơ quan 3 ngày. Buổi trưa, cả nhà sẽ hẹn nhau ra ăn cơm ở một quán ăn bình dân “sum họp” bữa trưa. Chị còn mua ít hạt giống rau, giống nấm để cùng con làm vườn mini trên sân thượng. Thi thoảng còn đưa con đi tham gia dọn vệ sinh công cộng, lao động công ích...

Đừng ép con học trước chương trình

Năm nay chị Hồng đăng ký cho con 9 tuổi học cả 2 tháng hè ở Cung Thiếu Nhi. Sáng đi làm chị chở con tới Cung cho học tiếng Anh, hết giờ con tự động xuống tầng dưới học đàn ghita. Con học xong chị vừa kịp tới đón, về cơ quan ăn uống, ngủ nghỉ. Như thế con được học giao tiếp vui vẻ với bạn bè. Chị tính mỗi mùa hè cho con học dần các môn năng khiếu, vận động kiểu vừa học, vừa chơi sẽ không bị căng thẳng. Chị còn rủ cô bạn mời gia sư đến nhà ôn và học kiến thức mới cho hai trẻ, tập trung vào Toán và tiếng Việt để chuẩn bị cho năm học mới. Trước khi kết thúc mùa hè, vợ chồng chị sẽ nghỉ phép để đưa con đi chơi 1 tuần.

Theo cô giáo Bảo Châu, nguyên giáo viên Trường THPT thị trấn Nếnh (Việt Yên, Bắc Giang), nhà tư vấn của Công ty TNHH dịch vụ và giáo dục Bảo Châu (Xuân Đỉnh, Hà Nội), mùa hè nên cho trẻ học kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, học sống độc lập, làm việc nhóm… Ngoài ra, có điều kiện nên cho trẻ về quê, gần gũi với thiên nhiên, tận mắt nhìn cây cối, con vật mà ở thành phố khó trải nghiệm. Hoặc tham gia các khóa học tập thể với các trò chơi vận động thể lực, tinh thần phát triển nhóm, kỹ năng sống giúp trẻ nạp đầy năng lượng sức khỏe, tinh thần để bước vào năm học mới. Nhưng nên hỏi ý kiến của trẻ, và chọn môn phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, sở thích và năng khiếu của bé.

Về kiến thức, cho con ôn bài và khám phá năm học mới nhưng đừng ép con học trước chương trình, học nâng cao… để vượt trội. Cũng không để trẻ thích gì làm nấy, mà hãy hướng dẫn con xây dựng thời khóa biểu mỗi hoạt động 30-60 phút ở nhà, linh hoạt lên lịch đọc sách, học, vui chơi, xem tivi, vào internet, đá bóng…

Các chuyên gia Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt cũng cho rằng, nghỉ hè cần cho con tham gia các khóa học và trải nghiệm kỹ năng tự sinh tồn để phòng tránh mối nguy hiểm, tự bảo vệ bản thân khi đối mặt với các tình huống bất ngờ và cấp bách, giảm bớt sự cố đáng tiếc. Không nên ép con học bài vì vào năm học con có nhiều áp lực. Hãy quan tâm, để ý đến tâm sinh lý, sở thích và nhu cầu của trẻ, để trẻ có thể có một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa và vui vẻ.

Gợi ý để trẻ nghỉ hè bổ ích và an toàn

- Phụ huynh không nên bắt con học quá nhiều, hãy khuyến khích trẻ đọc sách (vì sách nhiều kiến thức, kỹ năng lớn), chọn sách phù hợp với lứa tuổi, sở thích của trẻ và tốt nhất bố mẹ cùng đọc, bàn luận với trẻ. Hoặc cho con tự học tiếng Anh tại nhà công nghệ 3D tiên tiến như một trò chơi để trẻ hứng thú và tiếp thu tốt hơn. Cách học này có ứng dụng trên smartphone, giọng đọc phát âm bản ngữ chuẩn chỉnh giúp bé gia tăng vốn từ, không nhàm chán.

- Hướng dẫn con sắp xếp làm việc nhà, tham gia các hoạt động xã hội.

- Cho trẻ học bơi để khỏe mạnh, dẻo dai và là “kỹ năng sinh tồn” cần biết. Trẻ đã biết bơi cần học tiếp lớp nâng cao.

- Cho trẻ học nấu ăn để biết cách nấu nướng đơn giản, khoa học, bày đồ ăn cho đẹp. Nấu ăn hàng ngày giúp gắn bó tình cảm gia đình, trẻ cũng khéo léo, tự lập hơn.

- Có nhiều khóa đào tạo, rèn luyện kỹ năng do các chuyên gia tâm lý, nhà khoa học, các chiến sĩ cảnh sát… hướng dẫn cho trẻ trên 6 tuổi học, thực hành các kỹ năng thiết yếu giúp cha mẹ yên tâm để con ở nhà một mình. Nên cân đối thời gian phù hợp giữa học và chơi, đừng quá ép con.



Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM