Giáo viên người Anh và loạt dự án cổ vũ Việt Nam chiến thắng đại dịch Covid-19

15/04/2020 16:12

Kinhte&Xahoi Kinhtedothi - 10 năm sống và làm việc tại Việt Nam, ông Wayne Worrell – giáo viên người Anh bị thôi thúc bởi ý nghĩ phải làm gì đó cho đất nước châu Á mà ông yêu mến, giữa lúc dịch Covid-19 diễn ra.

“Gửi tới các bác sỹ, y tá, quân nhân, cảnh sát và tình nguyện viên. Chúng tôi xin cảm ơn vì những hy sinh to lớn của các bạn giúp chúng tôi được an toàn”, đó là thông điệp mà Wayne Worrell – một công dân Anh tại Hà Nội đã gửi lên mạng xã hội. Đáng nói, đây chỉ là một trong số nhiều lời cảm ơn của cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam gửi động viên các “chiến sĩ” chống dịch Covid-19, trong một dự án mà ông Wayne mới khởi xướng.

 Những bức ảnh trong Dự án "VIETNAM WE THANK YOU - Việt Nam Cố lên" do ông Wayne khởi xướng 

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Wayne cho biết, sau 10 năm sống và làm việc tại Hà Nội ông đã có một gia đình nhỏ cùng 3 người con trai. Kể từ cuối tháng 1 khi việc dạy học bị tạm ngừng, ông Wayne nhận nhiệm vụ “làm bố fulltime”. Do vậy, ông muốn làm điều gì đó trong khả năng của mình để giữ thái độ sống lạc quan, đặc biệt là tạo một không khí vui vẻ đoàn kết giữa mùa dịch. 

Dự án truyền thông mang tên "VIETNAM WE THANK YOU- Việt Nam Cố lên" ra đời như thế. Cùng với 29 người bạn khác từ nhiều quốc gia trên thế giới, ông Wayne đã quay các clip, làm bộ ảnh về thông điệp ghi trên giấy nhằm động viên Việt Nam giữa dịch bệnh. Các thành viên tham gia dự án đều có điểm chung là các công dân nước ngoài nhưng đang sinh sống và làm việc tại các tỉnh, thành Việt Nam. Cùng với đó thông điệp "Con sẽ ở nhà" cũng được truyền tải qua các bức ảnh này như một lời cam kết nhấn mạnh tinh thần giãn cách xã hội trong thời điểm này. 

Đây không phải dự án đầu tiên ông Wayne thực hiện trong nỗ lực cổ vũ đóng góp vào cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam. Kể từ đầu tháng 3, ông Wayne đã tích cực khởi xướng và tham gia nhiều hoạt động, phong trào để duy trì lối sống tích cực cũng như cảm ơn những người đang ở tiền tuyến chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Một trong những phong trào mà giáo viên 54 tuổi người Anh khởi xướng trước đó là VIETNAM NEEDS YOU (Việt Nam Cần Bạn) theo đó kêu gọi cộng đồng nước ngoài đi hiến máu. Ý tưởng này đến khi ông đọc được tin các ngân hàng máu ở Hà Nội thiếu máu do giữa mùa dịch và quyết định xung phong tới điểm hiến máu cố định ở 26 Lương Ngọc Quyến, Hà Nội. Tuy nhiên, khi đến đây, ông khá ngạc nhiên khi chỉ có bản thân là người nước ngoài duy nhất tới hiến lúc đó nên đã nhờ các y tế chụp lại hình và đăng lên mạng xã hội để kêu gọi.

 Ông Wayne tham gia hiến máu ở cơ sở 26 Lương Ngọc Quyến

Lời kêu gọi của ông Wayne trên một nhóm Facebook với hơn 135.000 thành viên với khoảng 200 bài chia sẻ mỗi ngày nhanh chóng lan tỏa. Chỉ một giờ sau khi đăng lên đã nhận được 1.500 lượt thích và hơn 100 bình luận, cùng với đó nhiều người nước ngoài ở Hà Nội đã tham gia hiến máu, khởi đầu cho phong trào trên.

 Ông Wayne cùng gia đình tham gia phong trào #Clapforcarers

Ông cùng gia đình cũng tham gia phong trào #Clapforcarers (Vỗ tay vì những người chăm sóc chúng ta) – cùng ra ban công vỗ tay để cổ vũ cho những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Một phong trào nhỏ được nhiều người dân trong và ngoài nước tham gia vì sự đơn giản nhưng mang ý nghĩa lớn về mặt tinh thần, nhằm tiếp sức cho những y bác sĩ đang trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
“Tôi yêu đất nước Việt Nam và muốn kết nối cộng đồng người nước ngoài tại đây với người dân trong nước để họ xích lại gần nhau hơn, đoàn kết trong thời điểm khó khăn này”, ông Wayne chia sẻ về động lực thực hiện những hành động đẹp trong thời gian qua. 

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Du lịch trực tuyến trong mùa dịch Covid-19: Tìm cơ hội trong thách thức

Ngành Du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khi hầu như toàn bộ hoạt động bị tê liệt. Tuy nhiên, trong khó khăn, thách thức, không ít doanh nghiệp, đơn vị vẫn nỗ lực tìm kiếm cơ hội, xây dựng hướng đi mới làm nền tảng cho sự phát triển bền vững sau này, nổi bật là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phát triển hình thức du lịch trực tuyến (online)...

Hóa giải tức giận theo nguyên tắc chữ Nhẫn của nhà Phật

Nhẫn theo giáo lí nhà Phật là cách tu để hóa giải sự tức giận từ đó thoát khỏi những đau khổ, khó chịu để đạt được sự an lạc, tự tại. “Nhẫn nhục” là tiêu diệt tức giận; là một liệu pháp điều tiết, cân bằng trạng thái tâm lí. Khi đạt đến mức độ cao nhất thì “Nhẫn vô khả nhẫn”, tức là đang nhẫn nhục mà an lạc, tự tại như không phải “Nhẫn”.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/giao-vien-nguoi-anh-va-loat-du-an-co-vu-viet-nam-chien-thang-dai-dich-covid-19-381184.html