Giữa “cơn bão” thổi giá khẩu trang, chợ thuốc Hapulico cấm quay phim, chụp ảnh!

03/02/2020 18:53

Kinhte&Xahoi Trong bối cảnh hỗn loạn, tăng giá vật tư y tế vô tội vạ, nhiều gian thương trục lợi trên hiểm nguy của cộng đồng thì chợ thuốc Hapulico tự ý gắn biển "Cấm quay phim, chụp ảnh" đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ và bất bình.

Những ngày vừa qua, trong bối cảnh hỗn loạn, tăng giá vật tư y tế vô tội vạ, nhiều gian thương trục lợi trên hiểm nguy của cộng đồng, bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng thì việc giám sát của báo chí và người dân là vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, dường như để tiếp tay cho các gian thương này, chợ thuốc Hapulico đã tự ý gắn biển cấm quay phim, chụp ảnh. Trong khi đó, phóng viên tác nghiệp bị cản trở. 


Chợ thuốc Hapulico có biển cấm chụp ảnh.

Vậy việc làm này có đúng quy định của pháp luật không? Phóng viên Dân trí đã có buổi trao đổi với luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX), dựa trên những quy định của luật pháp.

Theo luật sư Lực, quy định về cấm quay phim chụp ảnh (QPCA) liên quan đến 2 mảng gồm Bí mật nhà nước và bí mật đời tư. Liên quan đến bí mật nhà nước có các quy định về an ninh quốc phòng, doanh trại quân đội, phòng thủ biên giới và một số trường hợp khẩn cấp khác thì một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể đưa ra các quy định cấm QPCA để đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia. Liên quan đến bí mật đời tư đặc biệt là quyền về hình ảnh là những quyền về nhân thân quan trọng được pháp luật bảo vệ.

Hiện nay, để bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh quốc gia trước đây chúng ta có quy định về đối các khu vực được xác định là vùng cấm, địa điểm cấm đối với các tổ chức cá nhân như: Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước 2000 (sắp được thay thế bởi Luật Bảo vệ bí mật nhà nước), Nghị định số 33/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh, Quyết định số 160/2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục các địa điểm cấm, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc xử phạt hành vi vi phạm ở khu vực cấm. Điều cần lưu ý là những địa điểm, khu vực cấm đó phải được chính quyền, cơ quan, đơn vị cắm biển “khu vực cấm”, “địa điểm cấm”. Mẫu biển “khu vực cấm”, “địa điểm cấm” theo qui định thống nhất do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

Vậy cơ quan nào mới có quyền xác định khu vực cấm quay phim chụp ảnh, và quy định này sẽ được thực hiện tại những địa điểm nào?

Theo quy định tại Điều 2, Quyết định 160/2004/QĐ-TTg ngày 6-9-2004 của Thủ tướng quy định về khu vực, địa điểm cấm gồm: “Các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển; Các khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; các khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân; Các kho dự trữ chiến lược quốc gia; Các công trình, mục tiêu đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội; Khu vực biên giới (trừ các thị xã, thị trấn và các điểm du lịch đã được Chính phủ cho phép; các trường hợp có giấy tờ hợp lệ xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, đường sắt, các trường hợp công dân nước thứ ba được qua lại theo Hiệp định về Quy chế biên giới mà Việt Nam đã tham gia ký kết).

Theo Quyết định 160/2004/QĐ-TTg ngày 6/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ có quy định Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ quốc phòng đưa ra các quy định về khu vực cấm trong lĩnh vực quản lý ngành của mình còn đối với UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương thì sẽ ban hành các văn bản lập ra Danh sách đảm bảo an ninh, an toàn, bí mật quốc gia trong địa phương mình quản lý theo đề xuất của Giám đốc Công an các tỉnh. Lúc đó sẽ liệt kê 1 số danh sách các cơ quan, các đơn vị, khu vực cấm QPCA.

Bên cạnh đó, Khoản 12 điều 09 Luật Báo chí năm 2014 nghiêm cấm hành vi: “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.”

Hiện nay các Quyết định Số: 160/2004/QĐ-TTg  ngày 06 tháng 9 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc xác định khu vực cấm, địa điểm cấm; Thông tư Liên bộ số 552-CA-VH cũng không trao quyền cho cá nhân tổ chức được quyền gắn biển khu vực cấm quay phim, chụp ảnh tại trụ sở, nơi làm việc.

Như vậy, hành động gắn biển cấm quay phim chụp ảnh tại chợ thuốc Hapulico chỉ là việc làm đơn phương biểu lộ ý chí của người gắn biển mà hoàn toàn không có giá trị buộc người dân, phóng viên nhà báo phải tuân thủ.

Xin cảm ơn luật sư!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://dantri.com.vn/ban-doc/giua-con-bao-thoi-gia-khau-trang-cho-thuoc-hapulico-cam-quay-phim-chup-anh-20200203085036097.htm