Góc nhìn "thẳng" trong vụ cưỡng chế, phá huỷ Công viên nước Thanh Hà

27/02/2020 10:15

Kinhte&Xahoi Trước thời điểm cưỡng chế, công viên nước Thanh Hà đã dừng hoạt động, không có yêu cầu cấp bách như gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến QP-AN,...

Dư luận về sai phạm

Qua báo chí và mạng xã hội về sự việc cưỡng chế phá dỡ công viên nước Thanh Hà, nhận thấy dù sự kiện diễn ra khá lâu nhưng vẫn rất “nóng”. Điều đó, thể hiện cộng đồng xã hội rất quan tâm và bức xúc đối với cách hành xử của chính quyền quận Hà  Đông.

Mới đây, ngày 19/02/2020, Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức tọa đàm đối thoại với Đại biểu Quốc hội, chuyên gia pháp luật và truyền thông về sự kiện nói trên. Một lần nữa, nhiều chuyên gia khẳng định chuyện cưỡng chế tháo dỡ công viên nước thanh Hà là việc làm không thể chấp.

Đến nay đã có hàng trăm bài báo, hàng vạn ý kiến trên mạng xã hội lên án chỉ trích việc cho xây không phép và việc phá hủy công trình công cộng nói trên. Trong đó, nhiều ý kiến người dân lên án việc ra quyết định và thực hiện việc cưỡng chế không bình thường, có dấu hiệu vi phạm đạo đức và pháp luật.

Trong vụ việc cưỡng chế này, không chỉ làm thiệt hại tài sản hơn 200 tỷ đồng, mà còn làm ảnh hưởng xấu đến phát triển khu đô thị, thiệt hại lớn về lợi ích nhà nước, lợi ích cộng đồng…

Toàn cảnh Công viên nước Thanh HÀ trước thời điểm bị cưỡng chế (Ảnh: Dân trí).

Tuy nhiên trên báo chí và mạng xã hội cũng có những ý kiến nhấn mạnh mục đích giữ vững kỷ cương phép nước. Nhiều người cho rằng quận Hà Đông đã thực hiện đúng pháp luật để khỏa lấp hoặc làm nhẹ đi những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng mà chính quyền ở đây phải chịu trách nhiệm.

Những dấu hiệu về mặt pháp lý

Dư luận cho rằng điều bất thường ở đây là giai đoạn thi hành quyết định cưỡng chế, thay vì việc tháo dỡ thì lại phá hủy công trình.

Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật về cưỡng chế trong lĩnh vực xây dựng và diễn biến vụ việc có thể nhận thấy bắt đầu từ việc ra quyết định cưỡng chế.

Luật xử lý vi phạm hành chính quy định rõ các trường hợp bị tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không phép, sai phép đều yêu cầu cá nhân, tổ chức có công trình phải tháo dỡ. Khi tổ chức, cá nhân vi phạm không tự nguyện tháo dỡ thì mới áp dụng biện pháp cưỡng chế. 

Đối với công viên nước Thanh Hà chủ đầu tư đã chấp nhận tháo dỡ và sẽ tự tháo dỡ. Văn bản chủ đầu tư xin thời gian tháo dỡ gửi cho UBND quận vào ngày 26/11/2019. Như vậy chủ đầu tư hoàn toàn tự nguyện và trên thực tế họ đã cho tiến hành thu gom, tháo dỡ những hạng mục đơn giản.
 
Nhưng UBND quận không chấp nhận sự tự nguyện của chủ đầu tư, nên ngày 27/11/2019 đã ban hành quyết định cưỡng chế. Vậy việc ra quyết định cưỡng chế trong trường hợp này có đúng với quy định của pháp luật?

Mặt khác, tại thời điểm trước khi bản hành quyết định cưỡng chế, công viên nước Thanh Hà đã dừng hoạt động. Hoàn toàn không có yêu cầu cấp bách để tiến hành cưỡng chế: Không gây ông nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến Quốc phòng - An ninh, không gây cản trở giao thông, không ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội...

Không có yêu cầu cấp bách nào để ra quyết định cưỡng chế mà lại ra quyết định cưỡng chế. Không những vậy, quyết định cưỡng chế còn yêu cầu phải hoàn thành công việc trong 15 ngày. Và còn buộc phải tiến hành trong thời điểm cận kề Tết nguyên đán, trong khi một công trình có khối lượng lớn, xây dựng gần hai năm, nhiều hạng mục phức tạp, việc tháo dỡ cần có chuyên gia kỹ thuật...

Nhiều máy móc cũng được mang tới để phá dỡ Công viên nước Thanh Hà (Ảnh: CTV/ Dân trí).

Lẽ ra trước khi ra quyết định cưỡng chế, UBND quận Hà Đông phải làm văn bản đề nghị Sở văn hoá Thể thao Hà Nội thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao tại công viên nước Thanh Hà (Giấy chúng nhận số 413/ GCN-SVHTT ngày02/07/2019).

Có thể nói việc ra quyết định cưỡng chế vừa có dấu hiệu không đúng quy định của pháp luật, vừa không phù hợp điều kiện hoàn cảnh thực tế. Ngoài ra, không bảo đảm tính khả thi và không tạo điều kiện để chủ đầu tư thực hiện sự tự giác, tự nguyện của họ.

Hơn nữa, việc thực hiện quyết định cưỡng chế phải bảo đảm nguyên vẹn những thiết bị đã tháo dỡ. Thiết bị đó phải được bảo quản và tiến hành các thủ tục giao nhận theo quy định của pháp luật. Trường hợp chủ sở hữu từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, đánh giá lại giá trị những tài sản cũ, hỏng...và thuê tổ chức, cá nhân đủ điều kiện trông giữ, bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế.

Mong muốn

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thì việc thanh tra xây dựng trái phép và cưỡng chế tháo dỡ công viên nước Thanh Hà phải kết thúc trước ngày 29/02/2020. 

Đây có thể nói là một vụ điển hình và hy hữu trong lịch sử xử lý vi phạm quản lý trật tự xây dựng. Người dân và công luận mong muốn thanh tra kết luận khách quan, minh bạch về diễn biến, nguyên nhân sự việc và kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp để làm bài học chung cho cả nước.

Sau khi có kết luận Thanh tra đề nghị ủy ban kiểm tra Đảng vào cuộc, kiểm tra làm rõ sự lảnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, Bí thư cấp ủy quận về vụ việc hy hữu này.

Chủ đầu tư xây không phép đã bị xử lý cưỡng chế. Cần xử lý việc thiếu trách nhiệm trong quản lý xây dựng của cơ quan chức năng. Quan tâm làm rõ xử lý trách nhiệm hình sự đối với những chủ thể có hành vi vi phạm.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhạc sĩ “đánh thức” kho tàng văn học Việt

Kho tàng văn học Việt Nam - “mỏ vàng khổng lồ” đang được các nhạc sĩ trẻ tài năng khai thác đầy sáng tạo để chinh phục và “hâm nóng” tình yêu văn chương cho đối tượng trẻ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/thoi-luan/goc-nhin-thang-trong-vu-cuong-che-pha-huy-cong-vien-nuoc-thanh-ha-d118203.html