Gói bánh chưng dịp Tết - Lưu giữ hồn Tết Việt

08/02/2024 11:06

Kinhte&Xahoi Mỗi dịp Tết đến xuân về, chiếc bánh chưng xanh biểu trưng cho văn hóa dân tộc, khiến mỗi người dân đất Việt trân quý hơn một phong tục đẹp và lâu đời tục gói bánh chưng. Đây là hoạt động gắn kết mỗi gia đình trong dịp Tết cổ truyền Việt.

Truyền thuyết “Bánh chưng, bánh dày” xuất hiện từ đời Hùng Vương thứ 6, nhân dịp giỗ tổ vua Hùng đã triệu tập các quan Lang (các con của nhà vua) đến và truyền rằng: Vị quan Lang nào tìm được món lễ vật dâng lên tổ tiên hợp ý với nhà vua nhất sẽ được nhà vua nhường ngôi.

Các vị quan Lang lên rừng, xuống biển tìm châu ngọc và các sản vật quý để làm lễ vật dâng lên nhà vua. Riêng Lang Liêu là người con nghèo khó nhất trong số các vị quan Lang, chàng không tìm những sản vật quý hiếm về dâng vua cha, mà đã dùng ngay những nông sản thường ngày gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để tạo ra hai loại bánh tượng trưng cho trời tròn và đất vuông (còn được gọi là bánh chưng và bánh dày) để làm lễ vật dâng vua cha.

Lễ vật của Lang Liêu hợp với ý vua Hùng nhất và nhà vua đã truyền ngôi cho Lang Liêu… Từ đó, bánh chưng, bánh dày đã trở thành lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức thờ cúng, để thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với tiên tổ, cha, ông.

Ngày nay, có những phong tục truyền thống dần bị mai một, nhưng tục gói bánh chưng vẫn được người Việt lưu giữ. Một nét đẹp truyền thống không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về, phong tục gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên ngày Tết vẫn không hề mai một trong tâm thức mỗi người dân đất Việt.

Bánh chưng biểu trưng cho Tết

Tục gói chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt, thể hiện nét đẹp của nền văn minh lúa nước. Chính vì vậy, mỗi khi Tết đến Xuân về, người người, nhà nhà lại gói bánh chưng, dâng bánh lên bàn thờ tổ tiên.  Tuy thực tế, cùng với sự phát triển, đổi thay của đời sống kinh tế - xã hội, nhiều phong tục cổ truyền ngày Tết đã bị mai một, tuy nhiên, tục gói bánh chưng thờ cúng tổ tiên ngày Tết vẫn được duy trì.

Gói bánh chưng là gói ghém trong đó cả nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương mỗi dịp Xuân đoàn tụ và hơn thế, gói cả truyền thống dân tộc để trao truyền cho các thế hệ sau.

Bánh chưng được làm từ các nguyên liệu gạo nếp, đậu xanh, thịt heo và gói trong lá dong... Những nguyên liệu để làm bánh như gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, hành, hạt tiêu, lá dong, lạt giang và có thể thêm những nguyên liệu phụ là quả gấc.Những chiếc lá dong được tước bỏ sống lá, sau đó người làm phải rửa nước thật sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, trước khi đem đi gói bánh.

Người gói khéo léo tạo lên chiếc bánh đẹp, để khi luộc đảm bảo không bị méo, tạo thẩm mỹ cho chiếc bánh chưng Tết. Bánh chưng sau khi gói sẽ đưa vào nồi để luộc từ 10 - 12 tiếng. Công cụ để nấu chín chiếc bánh chưng ngày nay cũng có nhiều đổi thay, có nơi, có chỗ đã thay thế bằng nồi áp suất hoặc lửa ga...

Một nét đẹp truyền thống không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về, khi mọi người cùng nhau bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng nghi ngút khói tỏa thể hiện sự sum vầy, ấm áp và đoàn tụ. Khi nhà nhà lại quây quần cùng rửa lá, vo gạo, đãi đỗ chuẩn bị gói bánh chưng ngày Tết, rồi những đứa trẻ lại háo hức cùng ông bà, bố mẹ trông nồi luộc bánh. Tất cả đã in đậm vào tâm trí mỗi người dân đất Việt.

Bánh chưng thể hiện đặc điểm từng vùng miền đất nước của người Việt, như người dân ở miền Nam ưa chuộng bánh chưng dài, người dân miền Trung thích loại bánh tét, người dân miền Bắc ưa thích bánh chưng vuông.

Bánh chưng là biểu tượng cho đất, cho tình thương đùm bọc giữa con người với nhau. Để phát triển và gìn giữ bánh chưng trở thành một món ăn mang hồn cốt của dân tộc Việt Nam, đòi hỏi mỗi người dân phải biết gìn giữ và sáng tạo ra nhiều hương vị bánh chưng mới và vẫn thể hiện được nét truyền thống trong từng chiếc bánh.

Trong mâm cỗ đón Xuân ngày nay, những chiếc bánh chưng xanh khiến ta nhớ đến sự tích bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Ở nhiều nơi, mọi người đã vận động, khuyến khích nhau tiếp tục thực hiện phong tục này để tìm lại hương vị ngày Tết. Thông qua các cuộc thi gói bánh chưng, không khí tết phần nào đã trở về với từng góc nhà, ngõ nhỏ.

Gắn kết tình cảm gia đình

Ngày nay, cuộc sống phát triển hơn, việc gói bánh chưng cũng vẫn còn đó nhưng dường như không còn nguyên vẹn. Ở thành phố, cũng chỉ có số ít gia đình còn giữ lại phong tục gói bánh chưng, còn có gia đình muốn có bánh chưng dâng cúng sẽ đặt những người chuyên làm bánh chưng hoặc ra chợ mua.

Bánh chưng gợi nhớ đến Tết - Bánh chưng biểu trưng cho Tết.

Gia đình chị Hồng Vân (Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết, trước Tết, gia đình thường tổ chức một buổi để gói bánh chưng - hoạt động này gắn kết tình cảm các thành viên trong gia đình; Đặc biệt, những ai đi xa trở về được quây quần bên nhau trong dịp đặc biệt này được cảm nhận không khí Tết đang đến rất gần. Theo cô Linh, cùng nhau gói bánh chưng ngày Tết khiến cho chúng ta có được sự yêu thương, giúp đỡ nhau. Đó là những kỷ niệm đẹp sẽ theo chúng ta trong suốt cuộc đời này.

Những ngày này, mấy đứa trẻ trong gia đình bà Trần Thị Bích Ngà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) rất háo hức được xem gói và luộc bánh chưng. Theo bà Ngà, đây là dịp gia đình quây quần, đầm ấm. Hằng năm, gia đình đều tổ chức gói bánh để nếp sống này luôn thấm nhuần trong mỗi đứa trẻ, để khi lớn lên chúng có thể hiểu và kế tục truyền thống ông cha. "Cứ đến Tết, gia đình tôi lại tổ chức gói bánh chưng, từ già hay trẻ đều quây quần, mỗi người một công việc, cùng nhau làm những chiếc bánh chưng xanh để thắp hương lên bàn thờ Tổ tiên và để cho các con, các cháu luôn nhớ rằng truyền thống này sẽ luôn được giữ mãi trong gia đình từ đời này sang đời khác" – bà Bích Ngà bộc bạch.

Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm...

Trên thực tế, do áp lực công việc, sự hối hả của cuộc sống vô tình đã "cuốn trôi" những giá trị, những giây phút đoàn tụ gia đình, đầm ấm bên rổ gạo nếp, bếp lửa luộc bánh. Trước áp lực vô hình đó, những nét đẹp văn hóa, hình ảnh đó chỉ được con trẻ biết tới qua phim ảnh. Tuy vậy, những nét văn hóa cổ truyền vẫn luôn được lưu giữ bằng rất nhiều cách khác nhau.

Nhịp sống hiện đại ngày nay, tuy có bận rộn hơn, sung túc hơn thì truyền thống văn hóa ẩn sâu trong chiếc bánh chưng ngày Tết vẫn rất cần trao truyền lại cho mai sau. Chiếc bánh chưng không chỉ nhắc nhở mỗi người về một món ăn mang đậm biểu trưng văn hoá của dân tộc, mà còn khiến cho mỗi người dân đất Việt tự hào hơn, trân quý hơn một sản vật linh thiêng của ngày Tết sum họp, như hồn của Tết Việt trường tồn mãi với thời gian.

Hoa Tiên - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/xa-hoi/goi-banh-chung-dip-tet--luu-giu-hon-tet-viet-d204157.html