Hà Giang: Nỗi lo sập nhà do thủy điện sông Lô 2 tích nước

18/09/2019 11:04

Kinhte&Xahoi Người dân sống dọc bờ sông Lô tại xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) lo âu trước nguy cơ sập nhà vì thủy điện tích nước.

Thủy điện sông Lô 2 là công trình thủy điện được xây dựng trên đất của xã Đạo Đức và xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) với công suất lắp máy ban đầu là 28 MW cùng 2 tổ máy.

Tuy nhiên, kể từ khi xây dựng cho đến khi đi vào vận hành công trình này đã bộc lộ rõ những yếu kém trong quá trình lên kế hoạch và thi công.

Bờ kè đê bao thi công kém chất lượng, dẫn đến nứt vỡ và phải khắc phục lại.

Cụ thể, hạng mục đê bao của công trình này nhiều lần bị sạt lở, có thời điểm nhằm tránh nước tràn ra ngoài, thủy điện đã xả nước làm thiệt hại về hoa màu của người dân.

Cho đến thời điểm hiện tại, người dân sống gần thủy điện vẫn ôm nỗi lo nhà sập vì thủy điện tích nước, nặng nề và nguy hiểm nhất phải kể đến Công ty TNHH Đại Minh Thịnh, trụ sở tại thôn Tân Tiến, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên (Hà Giang).

Ông Trần Công Bảo, đại diện Công ty này cho hay, hơn một năm nay ông và gia đình đã ăn không ngon, ngủ không yên vì sợ trụ sở và kho của công ty rộng khoảng 6.000 m2 có nguy cơ đổ sập.

Nguyên nhân là do nước từ lòng hồ Thủy điện Sông Lô 2 thẩm thấu qua bờ đê bao, ngấm quanh chân móng khiến móng sụt lún, xé tường nhà và sàn nứt toác…

Được biết, Công ty TNHH Đại Minh Thịnh (Công ty Đại Minh Thịnh) đầu tư, xây dựng khu nhà có mặt tiền nằm dọc theo Quốc lộ 2, phía sau nhà khoảng 30m là lòng hồ Thủy điện Sông Lô 2. Khu nhà này chứa các loại hàng hóa và cũng là nơi làm việc của hơn 40 công nhân trong công ty.

Ông Trần Công Bảo, đại diện Công ty Đại Minh Thịnh, cho biết: “khu nhà này của ông được xây dựng với vốn đầu tư khoảng 18 tỷ đồng, có móng kiên cố. Trước đây, nền đất của công ty luôn ổn định, không có hiện tượng sụt lún, tường nhà và sàn gạch không bị xé toác.


Video: Nguy cơ sập nhà do nhà máy thủy điện tích nước.

Trong khi công ty đang kinh doanh thuận lợi thì nhà máy thủy điện sông Lô 2 được xây dựng và chỉ tích nước được khoảng gần một năm thì có dấu hiệu võng tường đằng sau, đứt gãy ở tường và nền của khu nhà từ đầu năm 2018”.

Trước thực trạng trên, Công ty Đại Minh Thịnh đã có đơn gửi chính quyền địa phương, đề nghị vào cuộc kiểm tra, làm rõ nguyên nhân. Giữa năm 2018, huyện Vị Xuyên và chủ đầu tư Thủy điện Sông Lô 2 là Công ty TNHH Thanh Bình (Công ty Thanh Bình) đã đến kiểm tra hiện trạng.

Các bên thống nhất, giao cho Công ty Thanh Bình thuê Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng tỉnh Hà Giang (Trung tâm Kiểm định) kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Đầu năm 2019, Trung tâm Kiểm định có kết luận chính thức, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sụt lún, nứt tường khu nhà của Công ty Đại Minh Thịnh, là do Thủy điện Sông Lô 2 tích nước lòng hồ, chênh lệch mực nước lòng hồ so đê bao.

Nước xâm nhập theo các địa tầng khác nhau vào chân móng khu nhà, dẫn đến tình trạng biến dạng trạng thái đất khu vực này. Từ đó dẫn đến hiện tượng sụt, lún, nứt nhà.

Có kết luận trên, các ngành chức năng huyện Vị Xuyên và các bên liên quan đã họp bàn giải pháp khắc phục.

Tại cuộc họp này, phía Công ty Thanh Bình nhận trách nhiệm thuê Trung tâm Kiểm định lập phương án và dự toán kinh phí để khắc phục. Đến trung tuần tháng 5, Trung tâm Kiểm định đã có báo cáo về giải pháp khắc phục và dự toán kinh phí.

Mặt tường của Công ty Đại Minh Thịnh bị đứt gãy do thủy điện sông Lô 2 tích nước.

Theo đó, giải pháp khắc phục là gia cố lại nền móng phía sau dãy nhà bằng phương pháp ép cọc, đổ bê-tông cốt thép, đắp đất để tạo độ chặt. Sau đó tiến hành các biện pháp khắc phục tình trạng lún nền, nứt nhà.

Tuy nhiên, phía Công ty Thanh Bình lại có công văn đề nghị Trung tâm Kiểm định bỏ phần thiết kế bê-tông cốt thép ra khỏi phương án khắc phục vì cho rằng không hợp lý. Phần khắc phục lún nứt trong nhà, việc đổ bê-tông cốt thép lại toàn bộ mặt bằng là không hợp lý.

Được biết, việc Thủy điện Sông Lô 2 tích nước không chỉ gây thiệt hại khu nhà của của Công ty của ông Bảo mà còn gây ảnh hưởng đến nhiều nhà dân trên địa bàn xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên.

Thậm chí có những nhà đã được đền bù sửa chữa nhà cửa bị sụt lún do thủy điện, nhưng sau một thời gian nhà của các hộ này lại tiếp tục bị nứt gãy.

UBND tỉnh Hà Giang đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các ngành chức năng, Công ty Thanh Bình và các hộ dân thực hiện nghiêm túc công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, công tác khắc phục những thiệt hại của người dân do quá trình tích nước lòng hồ gây ra.

Tuy nhiên đến nay, Thủy điện sông Lô 2 - chủ đầu tư là Công ty Thanh Bình vẫn lừng khừng không giải quyết dứt điểm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tội lắm Hoạn Thư ơi!

Hơn 200 năm trước cho đến tận bây giờ không một người Việt Nam nào mà không biết cái tên Hoạn Thư và cái “đức” ghen của nàng. Sự “ghen” của nàng đã đi vào dân gian, mỗi khi nhắc đến cơn “thịnh nộ” của phụ nữ, người đời lại cười chê và nhắc đến Hoạn Thư.

Nguồn: Pháp luật Plus