Hà Nội chi 406 tỷ đồng cho 5 chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19

15/05/2020 15:09

Kinhte&Xahoi Với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định một số cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội.

Sáng 15/5, HĐND TP Hà Nội khóa XV họp Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp không thường kỳ) để thảo luận một số nội dung theo thẩm quyền như mức hỗ trợ phòng chống dịch và người khó khăn do dịch Covid-19.

 Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội 

Danh mục quy định một số cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội gồm 5 nội dung. Một, quy định nội dung và mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19. Hai, quy định nội dung, mức hỗ trợ tiền thuê nhà đối với sinh viên, công nhân, các hộ gia đình, cá nhân thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước.

Ba, quy định cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện dạy học truyền hình. Bốn, quy định chính sách hỗ trợ trả kết quả cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội năm 2020 ứng phó với dịch Covid-19. Năm, quy định cơ chế đặc thù hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên bị suy giảm nguồn thu, không đảm bảo tự chủ chi thường xuyên do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo báo cáo của UBND TP, trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên địa bàn TP có phát sinh một số nội dung, mức chi chưa được Trung ương quy định và cơ chế đặc thù cần được ban hành nhằm động viên kịp thời các đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần ngăn chặn khả năng lây lan của dịch bệnh, đảm bảo sự hoạt động ổn định của các đơn vị sự nghiệp công lập của TP trong năm 2020.

Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP cho thấy, việc UBND TP trình HĐND TP quyết định cơ chế đặc thù, các nội dung, mức chi cụ thể là cần thiết và phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ngân sách nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tế của công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.

Phụ cấp thêm 4 nhóm đối tượng tham gia chống dịch Covid-19

Về quy định nội dung và mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19, UBND TP đề xuất chế độ hỗ trợ (bồi dưỡng và hỗ trợ tiền ăn) cho người bị cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly do BCĐ chống dịch các cấp quyết định và 4 nhóm đối tượng khác tham gia chống dịch được hưởng phụ cấp mà chưa được quy định tại Nghị quyết 37/NQ-CP của Chính phủ: (1) Nhóm đối tượng là cán bộ y tế, công an, quân đội, dân phòng, lực lượng tự quản tham gia khoanh vùng, phong tỏa cách ly; (2) Nhóm đối tượng là cán bộ ở bộ phận thu viện phí, phòng vật tư y tế, phòng CNTT trực tại các bệnh viện, cán bộ y tế dự phòng tham gia chống dịch; (3) Nhóm đối tượng là người tham gia hoạt động mai táng và hỏa táng người chết do mắc Covid-19; (4) Nhóm đối tượng là lực lượng tham gia chốt kiểm soát, giám sát chống dịch tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô, các tuyến đường giao thông trên địa bàn giáp ranh.

 Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà trình bày Tờ trình của UBND TP Hà Nội. 

Theo đó, TP Hà Nội hỗ trợ 150.000 đồng/người/ngày (tương đương mức phụ cấp chống dịch cho các đối tượng tương tự quy định tại NQ 37/NQ-CP) đối với đối tượng tham gia chống dịch được hưởng phụ cấp mà Chính phủ chưa quy định như: Cán bộ y tế, công an, quân đội, dân phòng, lực lượng tự quản tham gia khoanh vùng, phong tỏa cách ly, cán bộ ở bộ phận thu viện phí, phòng vật tư y tế, phòng CNTT trực tại các bệnh viện, cán bộ y tế dự phòng tham gia chống dịch, lực lượng tham gia chốt kiểm soát, giám sát chống dịch...

Hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày cho các đối tượng tham gia chống dịch: Người bảo vệ địa điểm cách ly tại các địa bàn dân cư, lực lượng tham gia các chất kiểm soát, giám sát việc cách ly xã hội tại các cửa ngõ Thủ đô ...

UBND các cấp có trách nhiệm bố trí ngân sách để đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người bị cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly với mức chi tối đa không quá 100.000 người/ngày.

Dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 59.600 triệu đồng, trong đó ngân sách cấp TP là 39.704 triệu đồng; ngân sách cấp quận, huyện, thị xã là 19.896 triệu đồng.

Hỗ trợ 50% tiền thuê nhà cho sinh viên, công nhân

Về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với sinh viên, công nhân, các hộ gia đình, cá nhân thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước, TP sẽ hỗ trợ các sinh viên đang thuê nhà tại các Khu nhà ở sinh viên do Thành phố quản lý (Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp và Mỹ Đình II), công nhân thuê nhà tại Khu nhà ở công nhân Kim Chung - Đông Anh, các hộ gia đình, cá nhân đang thuê nhà cũ thuộc sở hữu nhà nước.

Theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, các hộ gia đình, cá nhân đang thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP là người thuê nhà hợp pháp đang sinh sống tại quỹ nhà nước thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Khoản 4 Điều 80 Luật nhà ở số 65/2014/QH13.

Mức hỗ trợ là 50% tiền thuê nhà, từ nguồn ngân sách Thành phố. TP sẽ hỗ trợ các đối tượng trên trong 3 tháng (từ 1/4/2020 -30/6/2020).

Hỗ trợ kinh phí cho giáo viên dạy học trên truyền hình

Đối với cơ chế hỗ trợ giáo viên thực hiện dạy học trên truyền hình, TP Hà Nội sẽ hỗ trợ các giáo viên (cả giáo viên thuộc các trường công lập và các trường ngoài công lập) được huy động thực hiện các bài giảng trên truyền hình Hà Nội cho học sinh các lớp học thuộc các cấp học theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo trong thời gian thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Thành phố.

Cụ thể, mức hỗ trợ như sau: Giáo viên trường công lập tính theo kinh phí thanh toán cho số giờ dạy thêm. Giáo viên trường ngoài công lập hưởng mức 160.000 đồng/giờ dạy với giáo viên chính và mức 140.000 đồng/giờ dạy đối với giáo viên trợ giảng.

Kinh phí hỗ trợ các giáo viên từ nguồn ngân sách Thành phố. Thời gian thực hiện mức hỗ trợ là trong thời gian dạy học trên truyền hình do ảnh hưởng của dịch covid-19 theo chỉ đạo của UBND TP.

Hỗ trợ trả kết quả cho doang nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp 

Để phòng và hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 do tập trung đông người tại cơ quan đăng ký kinh doanh của Thành phố (theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trung bình một ngày bộ phận một cửa trả kết quả thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho khoảng 450 lượt doanh nghiệp); đồng thời để khuyến khích, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, TP thực hiện mức chi hỗ trợ trả kết quả cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố năm 2020 ứng phó với dịch bệnh Covid- 19.

 Các đại biểu HĐND TP thông qua Nghị quyết. 

Theo đó, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách TP để thuê chuyển phát kết quả đăng ký doanh nghiệp cho các doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính này theo giá cước thực tế của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam - Bưu điện thành phố Hà Nội

Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách Thành phố. Thời gian hỗ trợ là từ khi Nghị quyết của HĐND TP có hiệu lực đến hết 31/12/2020.

Tạo cơ chế đặc thù hỗ trợ đơn vị sự nghiệp công lập

Về cơ chế đặc thù hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên bị suy giảm nguồn thu, không đảm bảo tự chủ chi thường xuyên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đối tượng được áp dụng cơ chế này là các đơn vị sự nghiệp công lập hiện đang được giao nhiệm vụ tự bảo đảm chi thường xuyên bị suy giảm nguồn thu do ảnh hưởng của dịch bệnh, sau khi đã áp dụng các biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi nhưng vẫn không đảm bảo tự chủ chi thường xuyên.

Mức chi hỗ trợ bằng số chênh lệch thu-chi hoạt động thường xuyên của đơn vị thực hiện năm 2020 (không bao gồm các khoản chi trích lập quỹ, chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động), tối đa không quá quỹ tiền lương của đơn vị.

Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp năm 2020.

Như vậy, theo tính toán của các sở chuyên ngành, tổng kinh phí để thực hiện 5 chế độ chi đặc thù nêu trên của Thành phố dự khiến khoảng 406 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp Thành phố là 351 tỷ đồng, ngân sách các quận là 55 tỷ đồng. Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP cho rằng với các biện pháp điều hành ngân sách địa phương tích cực hiện nay mà Thành phố đang triển khai (bao gồm các biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu, các biện pháp cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên chưa thực sự cấp thiết), ngân sách địa phương các cấp đủ đảm bảo kinh phí để thực hiện các chế độ chi mới này như UBND TP đề xuất.

Tại Kỳ họp thứ 14 HĐND TP khóa XV, các đại biểu đều bày tỏ sự đồng thuận, ủng hộ cao đối với các nội dung trên. Nghị quyết được HĐND TP khóa XV, Kỳ họp thứ 14 được thông qua với 5 quy định cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 của TP như trên.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”: Du lịch phục hồi, người dân lợi

Hoạt động du lịch nội địa tuy mới bắt đầu hoạt động trở lại nhưng đã khá sôi động khi nhiều doanh nghiệp du lịch giới thiệu những sản phẩm kích cầu với mức giá giảm sâu. Tuy nhiên, để chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” có tính bền vững, phát triển ổn định thị trường du lịch nội địa, ngành Du lịch cần có kế hoạch dài hơi hơn, trong đó không thể thiếu những cái “bắt tay” chặt hơn của các đơn vị trong việc xây dựng sản phẩm, dịch vụ phù hợp với tâm lý, sở thích của người Việt Nam.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/ha-noi-chi-406-ty-dong-cho-5-che-do-dac-thu-trong-phong-chong-dich-covid-19-384308.html