Hà Nội, chuyện phố cổ…

02/01/2021 17:07

Kinhte&Xahoi Một nhà nghiên cứu nước ngoài khi ghé thăm Hà Nội từng nhận xét “Nếu bạn đang đi tìm cái cốt lõi, tinh túy, trái tim của Hà Nội, bạn sẽ tìm thấy nó ở khu phố cổ”. Trải qua bao thời gian, những ngôi nhà nhỏ lô xô với mái ngói âm dương đã thổn thức trong ký ức của biết bao thế hệ người Hà Nội, đã “đổ bóng” âm thầm trong tranh phố Phái… Và ở đó là những nếp nhà, những cốt cách riêng, những phố Hàng thương nhớ…

Có một Hà Nội không chỉ trong ký ức

Nói tới Hà Nội là nói tới 36 phố phường xưa là nơi giao thương sầm uất với kiến trúc độc đáo hài hòa vẻ đẹp Đông - Tây, vừa thể hiện nét đặc trưng của văn hóa Thăng Long. Những căn nhà nhỏ nhắn được xây thành hình ống dài và hẹp với nhiều lớp nhà; giữa các lớp có sân để lấy ánh sáng và không khí.

Cách bài trí, sắp xếp trong ngôi nhà là sự hòa hợp tinh tế, thể hiện gu thẩm mĩ và sự thanh tao của con người Hà Nội. Nơi thờ cúng tổ tiên là không gian trang trọng nhất với những bức hoành phi, câu đối đặt cạnh bàn thờ gia tiên quanh năm thoang thoảng hương trầm. Những “sập gụ, tủ chè, sách xưa và bình cổ” cùng “chiếc đồng hồ quả lắc già nua/ Đếm thời gian theo nhịp đong đưa”... Tất cả đã cho thấy tâm hồn sâu lắng, nét trầm tư của người Tràng An xưa cũ.

Năm 1954, Nhà nước trực tiếp quản lý những căn hộ của các gia đình chuyển cư đi nơi khác hoặc đi Nam và phân cho các gia đình từ chiến khu Việt Bắc trở về mà chưa có nhà ở. Kể từ đó, số hộ ở trong một khu nhà cứ tăng dần lên từ một hộ đến 2,3 hộ rồi mỗi hộ gia đình lại phát triển thêm theo kiểu tam tứ đại đồng đường. Vào những năm 1954-1958, việc buôn bán ở phố cổ vẫn giữ được như trước.

Song từ 1959 trở đi theo chính sách kinh tế của thời bao cấp, Nhà nước đảm nhận việc cung cấp mọi nhu yếu phẩm cho cuộc sống của dân cư qua hệ thống các cửa hàng bách hoá và dịch vụ. Do đó, toàn bộ khu phố cổ nơi buôn bán sầm uất trước đây đã trở thành khu đơn thuần để ở (1960-1980). Dân cư là cán bộ, công nhân viên, phục vụ cho xí nghiệp, hợp tác xã, các cơ quan thành phố… 

Tái hiện Tết xưa trong khu phố cổ Hà Nội.  

Theo thời gian, có người còn bám trụ lại căn nhà hương hỏa, có người đã tản mát đến các khu phố mới. Nhưng dù ở đâu thì họ vẫn âm thầm giữ gìn nếp nhà, giữ văn hóa đất Tràng An qua việc dậy bảo con cháu cách nói năng, đi đứng, ăn uống và tất nhiên không thể thiếu văn hóa mặc đất Kinh Kỳ trang nhã, thanh lịch... 

Và Hà Nội ngày nay, dù có nhiều đổi thay, đất chật người đông, nhưng cái hồn quê giữa phố, dung dị, mộc mạc vẫn đẹp nguyên như ký ức. Chả thế, xưa còn có làng giữa phố, cách gọi của ngày xưa về từng số nhà của Hà Nội như xóm 147, xóm 145… Anh Đỗ Trung Dũng kể rằng: “Trong mỗi xóm lại có nhiều hộ sống cùng nhau, tuy thiếu thốn nhưng vô cùng thân thương. Tôi sinh ra trong những ngày Hà Nội đang hứng chịu những loạt bom đạn ác liệt nhất của 12 ngày đêm. Bố tôi phải đèo mẹ đang mang bầu lúc sắp sinh trên chiếc xe đạp cà tàng từ nhà ông bà ngoại ở phố Mai Hắc Đế lên tận Thái Nguyên sơ tán để sinh tôi. Thế rồi, lúc 11 tháng thì tôi về Hà Nội sống cùng ông bà ngoại để bố mẹ công tác.

Cho đến giờ tôi vẫn nhớ da diết tiếng leng keng quen thuộc của tàu điện mà mỗi ngày nghỉ bố tôi lại cho đi thỏa thuê cứ từ chợ Mơ lên chợ Bưởi rồi quay về. Mỗi khi hè đến, chúng tôi hay nhảy tàu điện từ Mai Hắc Đế lên Bờ Hồ rồi về. Ngày đó phố tôi ở trưa hè rất vắng, có khi 15 phút mới lại có chiếc xe đạp đi qua. Thậm chí một số phố gần đấy vẫn để đu quay dưới lòng đường cho trẻ con chơi… Mãi sau cả nhà ông bà tôi mới tậu được chiếc tivi Denon có bốn chân thì cả nhà cứ ăn cơm xong lại quây quần trước màn hình, cậu tôi thi suốt buổi kè kè bên cạnh cái sup von tơ để chỉnh vì điện rất yếu lại hay mất. Nhớ quá Hà Nội ngày xưa!”...

Và câu chuyện bảo tồn

Thực tế, câu chuyện bảo tồn, tôn tạo và phát huy phố cổ Hà Nội được nhắc đến nhiều năm qua, vừa để gìn giữ di sản quý, vừa khai thác phát triển du lịch và cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân. Khu phố cổ Hà Nội có diện tích hơn 82 ha, với 10 phường, 79 tuyến phố và 83 ô phố. Không gian kiến trúc phố cổ là tổng hòa nhiều phong cách, từ truyền thống Việt Nam, Trung Hoa, kiến trúc châu Âu (Địa Trung Hải, Art Deco, Alpes), hiện đại… song cơ bản thống nhất về nhịp điệu, khối công trình.

Phần lớn các công trình nhà ở có không gian hình ống với các lớp công trình, có sân trong giếng trời xen kẽ và mái dốc lợp ngói. Điển hình là Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây được quận Hoàn Kiếm trùng tu, nhằm bảo tồn kiểu kiến trúc truyền thống này. Tuy nhiên, điều ai cũng có thể nhận thấy khi đi qua khu phố cổ là kiến trúc nhiều ngôi nhà truyền thống bị thay bằng các ngôi nhà cao tầng hiện đại, lạc lõng giữa không gian cổ kính ở các dãy phố.

Nếu trước kia, khi nhắc đến tên phố bắt đầu bằng chữ “Hàng” gắn với mặt hàng đặc trưng được gia công, kinh doanh tại đây thì hiện nay, các phường nghề, phố nghề trong khu phố cổ Hà Nội đã dần biến mất. Thay vào đó là các cửa hàng kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu, thủ công truyền thống, ẩm thực, khách sạn, văn phòng công ty…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Tú Quyên, Khoa Quy hoạch Đô thị - Nông thôn thuộc Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất trong bảo tồn khu Phố cổ Hà Nội hiện nay là, việc đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về vật chất cũng như văn hóa, tinh thần của xã hội. Sự biến đổi nhanh chóng và đáng lo ngại của các công trình di tích trên các tuyến phố trung tâm sẽ ngày càng khó kiểm soát. Không gian kiến trúc cảnh quan các tuyến phố bị phá vỡ về tỷ lệ, đứt đoạn không liên tục, hình thái kiến trúc đặc trưng dần bị mai một.

Vì vậy, việc nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc cảnh quan khu Phố cổ Hà Nội là vấn đề không đơn giản và thực hiện không thể trong thời gian ngắn. Không thể kỳ vọng việc quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan sẽ tương đồng như phố cổ Hội An vì mỗi nơi có một đặc thù riêng. 

Không những thế, các giá trị không chỉ là những di tích, ngôi nhà cổ với những đặc thù về quy hoạch, xây dựng, kiến trúc, với những dấu tích lịch sử mà còn là những giá trị văn hóa tồn tại bên trong từng ngôi nhà, từng gia đình, từng con người thông qua những nét sinh hoạt thường nhật, những hoạt động ẩm thực, lễ hội... 

Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Ban quản lý phố cổ Hà Nội thông tin, khu phố cổ Hà Nội đang chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể (121 di tích, gồm 83 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng và 8 di tích khác; hiện có 25 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia) với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng: đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am,…

Cũng như các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn như: Các hoạt động sinh hoạt hàng ngày trên phố của người dân; ẩm thực; các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian như ca trù, hát xẩm…; những lễ hội truyền thống như: Lễ hội đền Bạch Mã, đình Yên Thái, Lễ hội Trung thu, Lễ hội Kim hoàn,… đã góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Và dù mỗi địa chỉ nhà ở phố cổ Hà Nội có thể đến 6 -7 hộ dân cùng sinh sống, cá biệt có thể tới vài chục hộ cùng chen nhau ở, người dân cũng than sống khổ trong những căn hộ chật chội, thiếu ánh sáng nhưng để chuyển đi nơi khác thì không đơn giản.

Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Tô Thị Toàn, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội khóa X, XI: Câu chuyện giãn dân phố cổ được đặt ra từ năm 2002 nhưng mãi đến năm 2012, thành phố Hà Nội mới phê duyệt đề án giãn dân khu phố cổ Hà Nội. Mục tiêu di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người, nhằm giảm mật độ dân số từ 823 người/ha xuống còn 500 người/ha. Để phục vụ việc giãn dân phố cổ, thành phố đã bố trí khu đất tại khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên).

PGS.TS. Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, để bảo tồn được quỹ di sản tại khu phố cổ cần huy động nguồn lực cộng đồng, gắn với cộng đồng. Có thể làm thí điểm một vài khu như tổ chức sinh hoạt văn hóa theo nếp Hà Nội xưa. Có làm được như vậy sẽ biến khu phố cổ thành bảo tàng sinh thái đô thị, sẽ nâng tầm giá trị bảo tồn khu phố cổ, biến di sản văn hóa thành động lực cho sự phát triển…

Có thể nói, sau bao năm tháng, sẽ chẳng còn vẹn nguyên Hà Nội xưa cho Thạch Lam nhâm nhi, Vũ Bằng thương nhớ, Nguyễn Tuân ngợi ca “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”. Gần 40 năm trước, nhà văn Bỉ Jacques Danois cảm nhận: Hà Nội là biểu tượng cả nước Việt Nam. Tất cả mọi thứ ở đây đều cổ kính, có thể hơi rách nát đấy nhưng được mọi người xiết bao trân trọng và chúng mới trong sáng, mới chân thực, mới Việt Nam làm sao.

Chỉ cần đi vào chợ và nhìn vào đôi mắt những người phụ nữ. Sức mạnh của họ bắt nguồn từ ý chí, làm sao nuôi được gia đình, chăm sóc con cháu, họ hàng, bà con. Ý chí thay thế sinh tố và thuốc bổ cần cho họ. Người Hà Nội dắt cháu ra Bờ Hồ xem trăng trung thu, ông nội chỉ mặt trăng dưới hồ bảo cháu: Mặt trăng muốn tự ngắm nó kia nhưng chỉ chúng ta mới có thể ngắm trăng thôi. Cháu muốn bắt mặt trăng chớ có nhảy xuống hồ, mà hãy tìm cách bay lên trời”...

 Nguyễn Mỹ - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Mỳ Quảng chuẩn vị!

Nếu ai đã một lần đến với Đà Nẵng - Quảng Nam hẳn không thể nào quên được món Mỳ Quảng, món ăn bình dân, đặc trưng của nơi đây.

Những cách "lấy may" ngày đầu năm

Dưới đây là những phong tục "lấy may" ngày đầu năm của người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới, bạn có thể tham khảo để tận hưởng một ngày đầu năm với nhiều niềm tin và hy vọng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/ha-noi-chuyen-pho-co-d145033.html