Hà Nội: Đất giãn dân thành đất xen kẹt để bán đấu giá!

01/03/2019 15:31

Kinhte&Xahoi Theo đơn phản ánh, UBND xã Đông Dư và Ban Quản lý dự án huyện Gia Lâm đã thu hồi đất của người dân để phục vụ cho việc bán đấu giá mà không có thông báo hay quyết định thu hồi đất.

Vừa qua, báo nhận được đơn phản ánh của Nguyễn Văn Khoa (sinh năm 1972 trú tại thôn 2, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội) là người được ủy quyền hợp pháp của bà Nguyễn Thị Thanh (là chị gái ông Khoa, sinh năm 1958 thường trú tại 21B khu phố 2, phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh) về việc chị gái ông đã bị UBND xã Đông Dư và Ban Quản lý dự án huyện Gia Lâm thu hồi đất để phục vụ cho việc bán đấu giá.

 Bà Thanh bức xúc trao đổi với với phóng viên đất của mình bị xới tung lên

Tại lá đơn này, ông cho biết: Chị gái ông đã được Đảng ủy và UBND xã Đông Dư họp và xét đất giãn dân vì bà có chồng là bộ đội đóng tại địa phương và nhà đông con (một lô đất có diện tích 240 m2 có phiếu thu tiền và giấy biên nhận giao đất giãn dân ngày 15/3/1991 do ông Nguyễn Hữu Thất - Phó Chủ tịch ký cho bà Nguyễn Thị Thanh). Lô đất trên được UBND xã Đông Dư cấp nằm liền kề bố mẹ ông đang ở và sát với ao của hợp tác xã, sau đó cuối năm 1992 vì điều kiện công tác của chồng chị gái và chị gái ông phải chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh để làm việc nên có nhờ bố ông và các em ở nhà trông nom và quản lý giúp.

Nay đã đến tuổi về hưu có nguyện vọng về quê sinh sống lúc tuổi già gần gia đình và quê hương thì mới tá hỏa ra là đất của mình đã bị UBND xã Đông Dư và Ban Quản lý dự án huyện Gia Lâm thu hồi đất để phục vụ cho việc bán đấu giá mà không thông báo gì cho gia đình chị tôi biết (không có quyết định thu hồi cũng như không có kiểm đếm tài sản để đền bù khi thu hồi đất).

 Giấy biên nhận và phiếu thu của bà Thanh có dấu của UBND xã.

Ngày 14/12/2018 khi gia đình ông không có ai ở nhà UBND xã Đông Dư đã mang máy xúc, máy ủi cùng các lực lượng đến cưỡng chế, phá và chặt các cây cối lâu năm mà gia đình đã trồng). Tài sản trên đất hiện có khoảng 20 cây ăn quả các loại trị giá 30 triệu (ba mươi triệu đồng) và một bức tường xây dài 7m cao 1,5m trị giá khoảng 5 triệu (năm triệu đồng).

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã đến trụ sở UBND xã Đông Dư để đặt lịch làm việc nhưng không có câu trả lời vì phía văn phòng luôn báo bận vì chưa sắp xếp được lịch làm việc. Về phía UBND huyện thì ông Cảnh - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm có một lời hứa: Khi nào làm việc xong với luật sư và gia đình ông Khoa thì UBND huyện sẽ có văn bản trả lời báo chí. Vậy không hiểu UBND huyện từ trước đến nay lấy lý do gì để thu hồi đất của nhà bà Thanh mà lại không có hồ sơ cung cấp cho báo chí, phải đợi đến khi làm việc xong với nhà ông Khoa mới cung cấp, liệu có điều gì khuất tất ở đây?

Báo sẽ cử phóng viên theo dõi vụ việc và thông tin tới bạn đọc.

 

Theo GĐPL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quan họ Bắc Ninh sau 10 năm được Unesco vinh danh

10 năm trước, hình thức diễn xướng văn hóa dân gian Quan họ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là niềm tự hào và là động lực to lớn của vùng đất Kinh Bắc