Hà Nội: Khai mạc Kỳ họp thứ 9 HĐND khóa XV, nhiều nội dung cần "mổ xẻ"

08/07/2019 14:47

Kinhte&Xahoi Sáng 8/7/2019, HĐND TP Hà Nội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ 9, để xem xét nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng 6 tháng đầu năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2019 của TP Hà Nội

Ảnh minh họa

Dự kiến, kỳ họp diễn ra từ ngày 8 đến 10/7. Phiên khai mạc, thảo luận kinh tế - xã hội diễn ra trong sáng 8/7 và phiên chất vấn, trả lời chất vấn diễn ra trong cả ngày 9/7.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương…

Tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội cũng sẽ xem xét các báo cáo, tờ trình và thông qua 14 nghị quyết thường kỳ, chuyên đề và một nghị quyết về nhân sự.

Dành nhiều thời gian để chất vấn, thảo luận

Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại buổi họp: Chủ tọa kỳ họp điều hành sẽ giảm thời gian đọc báo cáo, dành nhiều thời gian hơn để đại biểu thảo luận làm rõ các nội dung được dư luận, cử tri quan tâm. Chủ tọa khuyến khích các đại biểu tranh luận trong thảo luận các nội dung trước khi HĐND quyết định, đặc biệt trong chất vấn, tái chất vấn.

Tại kỳ họp này, HĐND TP sẽ bàn bạc và thống nhất các nội dung: Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm của TP.

Chủ đề công tác năm nay tiếp tục được TP lựa chọn là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, TP đã tập trung quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ cương hành chính, tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội của Thủ đô. Vì vậy, GRDP tăng 7,21%, thu NSNN đạt 50,2%, tăng 12% so với cùng kỳ; các ngành, lĩnh vực tiếp tục phát triển; môi trường đầu tư tiếp tục cải thiện; đầu tư nước ngoài tiếp tục dẫn đầu cả nước…

Công tác quản lý phát triển đô thị tiếp tục có chuyển biến tích cực; công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt. Đến nay TP có 4 huyện và 325 xã, chiếm 84,19% xã đạt chuẩn nông thôn mới và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Văn hóa, xã hội, y tế tiếp tục phát triển; an ninh chính trị-TTATXH được đảm bảo… Đặc biệt, Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan T.Ư tổ chức các hội nghị quốc tế an toàn tuyệt đối, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, thanh bình và thân thiện.

Bên cạnh đó, HĐND TP tiến hành công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của HĐND TP, đó là bầu bổ sung Ủy viên UBND TP và bãi nhiệm đại biểu HĐND TP khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc kỳ họp.

Kỳ họp thứ 9, HĐND TP khóa XV có nhiều nội dung quan trọng cần được xem xét nghiêm túc, trách nhiệm. Để đổi mới hoạt động của HĐND theo hướng hiệu quả, thiết thực, tại kỳ họp này.

 Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng.

Tóm tắt kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND

Tại cuộc họp Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 của TP Hà Nội.

Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ; các ngành, lĩnh vực tiếp tục phát triển. GRDP theo cách tính mới tăng 7,21% (cùng kỳ tăng 7,15%).

Du lịch tiếp tục phát triển, khách du lịch ước đạt 14,4 triệu lượt, tăng 9,5% (cùng kỳ tăng 17,2%).

Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ 9/63, tăng 4 bậc so với năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 132.134 tỷ đồng, đạt 50,2% dự toán.

Kim ngạch xuất khẩu ước tăng 5,4% (cùng kỳ tăng 22,5%); nhập khẩu ước tăng 4,6% (cùng kỳ tăng 7,4%). 

Hoàn thành phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của 30/30 quận, huyện, thị xã; thu đấu giá quyền sử dụng đất đạt 2.043 tỷ đồng (12,8% kế hoạch)

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; công tác quản lý và phát triển các lễ hội được quan tâm toàn diện; an sinh xã hội được đảm bảo; ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh.

Cải cách hành chính được đẩy mạnh, đồng bộ giữa cải cách thủ tục và cải cách bộ máy, thể chế; kỷ cương hành chính được củng cố; chất lượng thực thi pháp luật được nâng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, vẫn còn một số tồn tại cần được quan tâm khắc phục như: Một số chỉ tiêu vẫn duy trì tăng khá nhưng đạt thấp hơn mức cùng kỳ. Chỉ số giá có xu hướng tăng cao hơn cùng kỳ. Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ tháng 2/2019 đến nay và diễn biến ngày càng phức tạp, làm giảm 8,1% tổng đàn so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số PAPI năm 2018 tăng 2 bậc nhưng vẫn trong nhóm thấp nhất cả nước.

Hiện tượng ùn ứ giao thông vân xảy ra tại các tuyến phố có công trình đang thi công, các tuyến xuyên tâm, tuyến tập trung nhiều các khu đô thị, cơ quan, trường học. Công tác quản lý vận hành sử dụng nhà chung cư tái định cư còn bất cập về sửa chữa trang thiết bị sử dụng chung, thang máy, phòng cháy chữa cháy, chống thấm, dột, tranh chấp quỹ bảo trì...

Nhiều vấn đề dân sinh bức xúc

Cử tri và Nhân dân Thủ đô vẫn còn băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề như: Sản xuất hàng hóa, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cạnh tranh hàng hóa cả trong nước và nước ngoài vẫn còn nhiều khó khăn; tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường diễn biến phức tạp, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ; mật độ dân cư tăng quá nhanh so với tốc độ xây dựng hạ tầng giao thông, tạo áp lực lớn trong quản lý đô thị, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại, sức khỏe của người dân.

Tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen và xuất hiện một số hành vi thiếu chuấn mực về đạo đức, lối sống trong xã hội như xâm hại tình dục trẻ em; công tác phòng chống cháy nổ cần được tiến hành quyết liệt và xử lý nghiêm hơn nữa các tổ chức, cá nhân vi phạm đây là những vấn đề cử tri và Nhân dân Thủ đô vẫn còn băn khoăn, lo lắng.

Cử tri và Nhân dân phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do khói bụi, ô nhiễm ở một số dòng sông ngày càng tăng...

Công tác quản lý, vận hành Nhà chung cư trên địa bàn TP còn thiếu quy định thống nhất, đồng bộ, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý của chính quyền cơ sở và quyền lợi hợp pháp của cư dân...

Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương báo cáo tại kỳ họp.

MTTQ kiến nghị 

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP, tại kỳ họp này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP kiến nghị 5 vấn đề. Thứ nhất, đề nghị UBND TP tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác quy hoạch như việc thực hiện, hướng dẫn thực hiện theo Luật Quy hoạch và các nghị quyết, quyết định, của T.Ư và TP nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; kiên quyết không để các tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận mà vi phạm các kế hoạch, quy hoạch của T.Ư và TP; xử lý triệt để những vi phạm của chủ đầu tư nếu chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế mà vi phạm những tiêu chuẩn cơ bản về đầu tư và quy hoạch...

Thứ hai, đề nghị HĐND-UBND TP kiểm tra giám sát lĩnh vực trật tự xây dựng, trật tự đô thị, có giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông; quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, khai thác và quản lý tốt hơn nữa nguồn lực đất đai, giải quyết tồn đọng việc cấp sổ đỏ.

Thứ ba, đề nghị TP có giải pháp triển khai đồng bộ, quan tâm kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch. Đồng thời có biện pháp kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại những địa phương có làng nghề, như: Ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm chất thải rắn, nước thải, không khí... 

Thứ tư, đề nghị HĐND-UBND TP rà soát một số dự án sau nhiều năm không triển khai hoặc triển khai rất chậm, đề nghị TP quyết liệt thu hồi những dự án đó.

Thứ năm, trong lĩnh vực văn hóa xã hội, đề nghị TP tăng cường quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức của người dân sử dụng thông tin mạng, phù hợp với đạo đức xã hội; xử lý nghiêm hành vi thiếu chuẩn mực văn hóa.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phải chăng còn thiếu tiêu chuẩn thẩm định lời văn quảng cáo?

Liên quan tới công văn của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa thể thao và du lịch) yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của nhãn hàng Coca - Cola Việt Nam, khi sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam” có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về quảng cáo, bên cạnh những “lùm xùm” về mặt ngữ nghĩa mà dư luận đang hướng tới, câu chuyện trên còn tồn tại một nghịch lý khác.

Nguồn: Pháp luật Plus