Hà Nội: Lo ngại tình trạng sử dụng hoạt chất bị cấm trên nông sản, thực phẩm

04/07/2021 15:26

Kinhte&Xahoi Kết quả giám sát chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn Hà Nội từ đầu năm 2021 đến nay cho thấy nhiều nỗi lo tiềm ẩn. Nâng cao năng lực kiểm nghiệm chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cảnh báo sớm nguy cơ để người dân biết, tránh sử dụng là giải pháp đặt ra đối với ngành nông nghiệp.

Nguy cơ mất an toàn thực phẩm tiềm ẩn

 Trong nửa đầu năm 2021, hoạt động lấy mẫu, giám sát chất lượng ATTP tiếp tục được ngành nông nghiệp Hà Nội chú trọng, trong đó tập trung vào những mặt hàng tươi sống phục vụ tiêu dùng thiết yếu. Riêng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội đã lấy 196 mẫu giám sát. Đến nay, đã có kết quả đối với 110 mẫu. Đáng lo ngại, trong số 110 mẫu ngẫu nhiên này vẫn có 9/110 mẫu chưa đáp ứng các chỉ tiêu ATTP, chiếm tỷ lệ 8,1% tổng số mẫu.

Lấy mẫu giám sát chất lượng an toàn thực phẩm một cơ sở tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng.

Cùng với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội, hai đơn vị khác thuộc Sở NN&PTNT cũng tích cực tham gia công tác lấy mẫu, giám sát. Kết quả cho thấy vẫn còn nhiều nỗi lo. Đơn cử như trong 642 mẫu rau củ quả và chè được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm nghiệm, có 21 mẫu rau phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

Trong khi đó, đối với 244 mẫu thực phẩm (rau củ quả, chè, trứng, ngũ cốc) được Trung tâm Phân tích và Kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm nông nghiệp giám sát chất lượng, cũng có 12 mẫu phát hiện chỉ tiêu gây mất ATTP. Đáng lo ngại khi có đến 11/12 tổng số mẫu nông sản, thực phẩm ghi nhận có chứa hàm lượng các hoạt chất đang bị cấm lưu hành.

Mở rộng chỉ tiêu kiểm nghiệm

Kết quả lấy mẫu, giám sát sản phẩm nông nghiệp nêu trên cho thấy ATTP vẫn là nỗi lo lớn. Cũng bởi vậy, công tác kiểm nghiệm, xét nghiệm, phân tích chất lượng nông lâm sản và thủy sản đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi chuyên nghiệp hơn.

Thực tế thời gian qua, với sự quan tâm của UBND TP Hà Nội, ngành nông nghiệp đã được đầu tư hạ tầng, trang thiết bị tương đối đầy đủ để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về ATTP. Hàng năm, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT đều được đầu tư mua sắm test kit kiểm tra nhanh một số chỉ tiêu ATTP như: Salbutamol, Clenbuterol, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… 6 xe kiểm nghiệm nhanh cũng đã được TP đầu tư cho các sở ngành để thực hiện công tác giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm…

Trang thiết bị phục vụ phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm được Hà Nội quan tâm, đầu tư khá đồng bộ, hiện đại.

Hệ thống trang thiết bị phân tích của Hà Nội được đánh giá là tương đối hiện đại và đồng bộ, có năng lực thực hiện nhiều phép thử khác nhau. Hà Nội cũng đã xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống quản lý phòng kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 17025:2005; được Bộ KH&CN cấp phép trong lĩnh vực kiểm nghiệm…

Dù hệ thống kiểm nghiệm ở các sở ngành được đầu tư tương đối hiện đại, tuy nhiên tại khu vực quận, huyện, thị xã, hệ thống trang thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác quản lý Nhà nước về ATTP còn rất hạn chế. Cá biệt có địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thời gian tới, công tác giám sát chất lượng nông lâm sản và thủy sản vẫn sẽ là nhiệm vụ trọng tâm đối với mục tiêu bảo đảm ATTP trên địa bàn Thủ đô. Ở đó, ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào cảnh báo nguy cơ và truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tự công bố sản phẩm nông nghiệp.

“Cùng với việc tiếp tục nâng cấp hệ thống trang thiết bị kiểm nghiệm hiện đại, ngành nông nghiệp sẽ nghiên cứu mở rộng một số chỉ tiêu kiểm nghiệm, nâng cao trị số các chỉ tiêu để được công nhận bảo đảm an toàn. Đồng thời, tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ vào quản lý chất lượng ATTP” - ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.

 Trọng Tùng - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sao Việt nhận con nuôi và những biến tướng

Nhiều nghệ sĩ Việt nhận con nuôi đơn thuần để nuôi dưỡng con cái như một gia đình bình thường, nhiều nghệ sĩ khác nhận con nuôi vì yếu tố nghề nghiệp, nhằm nuôi dưỡng tài năng.

Làm gì để phát triển công nghiệp văn hóa?

Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/ha-noi-lo-ngai-tinh-trang-su-dung-hoat-chat-bi-cam-tren-nong-san-thuc-pham-425906.html