Hà Nội: Tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm quản lý kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

15/05/2020 15:58

Kinhte&Xahoi UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1770/UBND-ĐT, yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Hà Nội siết chặt quản lý kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Ảnh minh họa)

Công văn nêu rõ, ngày 17/1/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Để tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị định này, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, Sở GTVT và các ban ngành liên tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố điều chỉnh, bổ sung các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải theo quy định; Tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các quy định trong lĩnh vực vận tải phù hợp với quy định hiện hành và tổ chức giao thông thành phố.

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Công an thành phố tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định tại Điều 24, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, UBND thành phố đề nghị Bộ Công an tham mưu về kết nối, chia sẻ thông tin về xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho Bộ GTVT để phối hợp quản lý.

Sở Tài chính chủ trì, tham mưu UBND thành phố quản lý chặt chẽ và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với đơn vị cung cấp phần mềm, đơn vị kinh doanh vận tải để thực hiện hợp đồng điện tử; Hướng dẫn việc thực hiện kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử, vé điện tử của các loại hình kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng xe ô tô; Tham mưu cho UBND thành phố quy định về quản lý và kê khai giá cước đối với xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi.

UBND thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã trên cơ sở các xe đã cấp phù hiệu xe hợp đồng, biển hiệu xe du lịch do Sở GTVT thông báo, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn nơi đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh để phối hợp quản lý.

Đồng thời, UBND các quận, huyện cần chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn căn cứ vào danh sách phương tiện và đơn vị vận tải trên địa bàn quản lý tổ chức giám sát, kịp thời phối hợp xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải; Thường xuyên tổ chức rà soát, xử lý, giải tỏa các khu vực, địa điểm hàng quán tự phát, phát sinh hoặc dễ phát sinh hiện tượng “xe dù, bến cóc” trên địa bàn được giao quản lý; Báo cáo các nội dung vượt thẩm quyền quản lý của địa phương để xử lý triệt để các vi phạm về hoạt động kinh doanh vận tải.

Các hiệp hội vận tải, taxi, hành khách công cộng Hà Nội phối hợp với Sở GTVT và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền về cơ chế chính sách, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”: Du lịch phục hồi, người dân lợi

Hoạt động du lịch nội địa tuy mới bắt đầu hoạt động trở lại nhưng đã khá sôi động khi nhiều doanh nghiệp du lịch giới thiệu những sản phẩm kích cầu với mức giá giảm sâu. Tuy nhiên, để chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” có tính bền vững, phát triển ổn định thị trường du lịch nội địa, ngành Du lịch cần có kế hoạch dài hơi hơn, trong đó không thể thiếu những cái “bắt tay” chặt hơn của các đơn vị trong việc xây dựng sản phẩm, dịch vụ phù hợp với tâm lý, sở thích của người Việt Nam.

Link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-tang-cuong-kiem-tra-va-xu-ly-vi-pham-quan-ly-kinh-doanh-van-tai-bang-xe-o-to-d2083740.html