Hà Nội: Tăng cường tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

10/10/2022 16:46

Kinhte&Xahoi Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Công văn số 4350/SYT-NVY về việc tăng cường tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội; Trung tâm Y tế các quận, huyện thị xã; Các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập.

Theo đó, Sở Y tế đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện các quan điểm và các mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các Bộ, ngành Trung ương và UBND TP về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm (bao gồm phòng, chống dịch COVID-19 và tiêm vắc xin phòng COVID-19).

Ảnh minh họa

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, các đơn vị tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung thực hiện; Nâng cao trách nhiệm, kỷ cương hành chính, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, đặc biệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Sở Y tế khẳng định vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19 để đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin và hoàn thành sớm nhất mục tiêu tiêm chủng theo chỉ đạo của Trung ương, thành phố.

Ngoài ra, các đơn vị liên tục rà soát, tổng hợp đối tượng cần tiêm theo từng nhóm đối tượng để đảm bảo không bỏ sót đối tượng, thực hiện dự trù nhu cầu sử dụng vắc xin sát nhất với thực tế và theo dõi chính xác tỷ lệ bao phủ vắc xin trên địa bàn; Đồng thời, tăng cường công tác giám sát dịch, giám sát có trọng điểm; rà soát, thống kê các trường hợp mắc COVID-19, báo cáo lên hệ thống quản lý mã ca bệnh và hệ thống báo cáo kịp thời theo quy định để làm cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh và lập kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống kịp thời, phù hợp.

Mặt khác, các địa phương, đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống COVID-19, trong đó đặc biệt công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19; Chú trọng công tác truyền thông, vận động người dân hưởng ứng, phối hợp thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch, trong đó ưu tiên công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em (mũi cơ bản, nhắc lại) và mũi nhắc lại đối với người từ 18 tuổi trở lên.

Về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, Sở Y tế đề nghị các đơn vị tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản đáp ứng, diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; tăng cường tập huấn công tác giám sát, phòng, chống dịch và chẩn đoán điều trị bệnh nhân.

Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức giám sát, phát hiện các ca bệnh, ổ dịch và triển khai các hoạt động đáp ứng kịp thời, hiệu quả; Tăng cường công tác giám sát, kiểm dịch tại cửa khẩu đặc biệt đối với những bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập.

Ngoài ra, Sở Y tế đề nghị tiếp tục rà soát, đôn đốc công tác xây dựng, hoàn thiện đề án phòng chống sốt xuất huyết để triển khai thực hiện hiệu quả tại các địa phương; Tổ chức tốt công tác chẩn đoán, phân luồng, phân tuyến, quản lý, thu dung, điều trị, chuyển tuyến người mắc bệnh truyền nhiễm; Hạn chế tới mức thấp nhất bệnh nhân chuyển nặng, tử vong.

Các đơn vị rà soát, có kế hoạch bổ sung thuốc, vật tư, trang thiết bị, hóa chất đảm bảo đáp ứng đầy đủ công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người bệnh không có thuốc điều trị; Kịp thời báo cáo, tham mưu Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để được giải quyết, hướng dẫn.

Thêm vào đó, các địa phương kiện toàn các lực lượng phòng, chống dịch và tiếp tục động viên, khen thưởng, tham mưu Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã động viên, khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp, nhiều thành tích trong công tác phòng chống dịch bệnh; Duy trì hoạt động của “nhóm điều trị sốt xuất huyết” và “đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết…

Sở Y tế cũng đề nghị các đơn vị chủ động triển khai công tác truyền thông phòng, chống dịch, xác định truyền thông là nhiệm vụ trọng tâm, vai trò to lớn đối với kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Văn hóa Hà Nội - những mạch nguồn dào dạt

Nằm trong lòng con sông Hồng - sông Cái - sông Mẹ, Hà Nội ôm trọn tinh thần của nền văn minh các dòng sông, luôn miệt mài chảy mãi với những mạch nguồn dào dạt, với tâm ý lắng đọng phù sa cho đời. Trải qua ngàn năm kể từ ngày Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long đến nay, mảnh đất này dù trải qua bao thăng trầm lịch sử vẫn giữ vững vị thế "Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời". Trong đó, văn hóa Thăng Long, văn hóa Hà Nội chính là một “báu vật trao truyền” mà các thế hệ người Hà Nội nâng niu, gìn giữ, phát triển như chính tâm hồn, cốt cách của mình.

“Khúc ca khải hoàn” tái hiện đoàn quân tiến về Thủ đô

Hướng tới kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022), ngày 5/10, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức khai mạc Trưng bày “Khúc ca khải hoàn”. Nhiều nhân chứng lịch sử là các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, các chiến sĩ từng tham gia tiếp quản Thủ đô năm 1954 cũng đã có mặt và kể lại những câu chuyện lịch sử thời kháng chiến.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tang-cuong-tiem-chung-vac-xin-phong-covid-19-207669.html