Hà Nội: Xe buýt cần trang bị rèm để đảm bảo sức khỏe cho hành khách

20/07/2018 14:14

Kinhte&Xahoi Hầu như xe buýt đang hoạt động ở Hà Nội hiện nay đều không có rèm che cửa.

Hình đăng kèm bài viết này là tấm ảnh phóng viên chụp được trong một xe buýt đang vận hành tại Hà Nội trong những ngày nắng nóng nhất vừa qua, khi nhiệt độ trong nhiều ngày có lúc lên đến 40 độ C (ngoài trời nắng là 45-46 độ C).

Theo quan sát của phóng viên, mặc dù trong xe có điều hòa nhiệt độ nhưng không lại được với cái nắng nóng cực kỳ dữ dội khiến họ thấy bỏng rát. Vậy nên mặc dù có ghế ngồi nhưng họ đành phải đứng dạt sang bên không bị nắng chiếu vào. Hết chỗ, họ đành phải giương ô che nắng, nhưng như vậy thì cũng không thể được nếu trên xe đông khách do vướng víu.

Hành khách phải sử dụng ô che nắng khi ngồi trên xe buýt.

Tình trạng trên đã được không ít báo chí phản ánh. Cơ quan có trách nhiệm chắc chắn đã biết rõ. Nhưng không hiểu sao một việc như là tra tấn hành khách như vậy không được khắc phục (?). Việc làm rèm che nắng thiết nghĩ không có gì khó khăn, càng không đáng kể về tài chính. Vậy tại sao các công ty xe buýt cố tình phớt lờ khiến khách đi xe không an toàn về sức khỏe? Rất nhiều trẻ nhỏ, người già, yếu chỉ sau một lần đi xe về là bị cảm nắng. Chỉ có thể trả lời câu hỏi này bằng việc vạch ra sự vô cảm, nếu nói là nhẫn tâm cũng không quá của những cơ quan, cá nhân có trách nhiệm.

Người viết bài này có lần hỏi nhân viên phục vụ trên xe: “Vì sao một việc quá đơn giản là mắc rèm che nắng cho khách lại không được thực hiện? Ở TP. HCM, khách đi xe buýt không bị nắng do có rèm che. Sao Hà Nội không làm được?” thì nhận được câu trả lời tỉnh queo: “Đi mà hỏi Sở Giao thông vận tải” (Sở này là cơ quan chủ quản của ngành xe buýt Hà Nội).

Cứ hô hào người dân từ bỏ phương tiện cá nhân để đi xe buýt, nhưng kiểu cách vô trách nhiệm, vô cảm của ngành xe buýt Hà Nội thì sẽ chẳng bao giờ lời hô hào trên được người ta hưởng ứng. Thực tế là hiện nay, cực chẳng đã dân mới phải tìm đến xe buýt. Nhiều điểm đón khách không có ghế ngồi, mái che mưa nắng, lộ trình một số tuyến chưa hợp lý, thời gian dừng ở các bến quá vội vã cộng với thái độ phục vụ của không ít nhân viên trên xe không lịch sự… vẫn là những hạn chế từ lâu ít được khắc phục khiến phương tiện vận tải công cộng này bị khách dị ứng. Rất mong những nhà quản lý thành phố để tâm đến lĩnh vực này mới mong đạt được mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông khi người ta tìm đến xe buýt.

 

 Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM