Hà Nội: Xe 'tự chế' lưu thông trên đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao

30/07/2018 07:42

Kinhte&Xahoi Sau một thời gian tạm lắng vì sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, đến nay, xe “tự chế” đã quay trở lại và hoạt động có phần “rầm rộ” ở địa bàn TP Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước

Những chiếc xe “mù”, xe “tự chế” hàng ngày lưu thông trên đường phố Hà Nội hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, mất an toàn giao thông. Tình trạng xe không đèn, còi, gương chiếu hậu và thậm chí là còn không có biển số vẫn ngang nhiên lưu thông, lượng xe này hằng ngày vẫn chở theo những loại hàng hóa cồng kềnh chạy bạt mạng trên đường, gây tâm lý bất an cho những người cùng tham gia giao thông. Thêm vào đó tiềm ẩn mất an toàn giao thông và có thể cháy nổ bất cứ lúc nào.

Hình ảnh một số xe “tự chế”, xe được "cải tạo" lại lưu thông trên đường, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cao.

Các “xe mù”, xe “tự chế” là danh từ được người dân dùng để gọi những chiếc xe gắn máy cà tàng, cũ kỹ, đôi khi chỉ còn trơ khung với máy, đa phần các xe này thuộc dòng xe Waye, xe Cub hết niên hạn sử dụng được các tiệm sửa xe “độ” và gắn thêm một số bộ phận để nâng tải trọng để chuyên chở hàng hóa, vật liệu. Hàng ngày khi lưu thông trên các tuyến đường, chúng ta luôn bắt gặp nhiều và rất nhiều những xe như thế này trên mọi tuyến phố của Hà Nội.

Theo tìm hiểu và ghi nhận của phóng viên thì hầu hết những xe máy “mù”, “tự chế” đang được sử dụng bởi những người lao động có thu nhập thấp. Đối với họ, các phương tiện này được xem như là sinh kế, là “cần câu cơm” để đảm bảo cuộc sống của họ.

Mặc dù Nghị định 107/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ quy định, các hành vi “Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe” sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 triệu đồng đối với cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô; từ 1,6 - 2 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy.

Theo quy định không cho phép xe tự chế lưu hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2008 cũng bắt đầu từ đó TP. Hà Nội đã thực hiện kiểm tra xử lý nghiêm người điều khiển xe ba, bốn bánh tự chế, tự cải tạo lại, không có giấy đăng ký, biển số hoặc biển số không đúng với đăng ký, sử dụng để vận chuyển khách. Xe “mù”, xe “tự chế” bị cấm lưu thông, tưởng như người dân bớt đi một mối lo ngại mất an toàn giao thông, nhưng dường như chúng ta vẫn loay hoay tìm giải pháp cho xe “mù”, xe “tự chế”. Vẫn vướng vào những khó khăn nhất định khi xử lý loại xe này (?).

Phải nhìn nhận một thực tế là tất cả các xe “tự chế”, ba gác tự chế đều được dùng để mưu sinh. Hầu hết người dùng xe “tự chế” chở hàng thuê đều không có điều kiện kinh tế khá giả, do đó không đủ vốn để sắm một chiếc xe tải đàng hoàng. Họ cũng không thể dùng xe máy để chở thuê vì năng suất sẽ rất thấp, thu không đủ bù chi.

Thiết nghĩ, để xử lý được vấn đề xe “tự chế” đang lưu thông trên đường như hiện nay ở trên địa bàn TP Hà Nội cũng như các tỉnh thành trong cả nước, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ của Nhà nước để có thể mua lại phương tiện cũ không đảm bảo các điều kiện về quy định khí thải của người dân đang sử dụng để mưu sinh. Hoặc kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe máy để thực hiện chương trình đổi xe cũ lấy xe mới, trong đó có hỗ trợ tài chính cho người dân. Có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các bộ, ngành và cả địa phương mới có thể sớm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh lộ trình rà soát, thải loại xe máy cũ nát trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Được như vậy vấn đề xe “tự chế” mới hết và không còn hoành hành trên các tuyến phố như hiện nay.

 

 Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bốn mùa chơi Sun World

Hệ thống tổ hợp Sun World của Sun Group khắp ba miền được du khách bình chọn là điểm đến hấp dẫn nhất suốt bốn mùa dành cho cả gia đình.