Hàng hóa không thiếu, vì sao vẫn khan?

18/07/2021 08:03

Kinhte&Xahoi Theo khẳng định của các cơ quan chức năng và lãnh đạo các siêu thị lớn ở TP Hồ Chí Minh, hàng hóa đảm bảo cung ứng cho người dân. Vì sao vẫn có hiện tượng khan hàng xảy ra kể từ thời điểm TP thực hiện giãn cách xã hội?

Nhiều siêu thị “cháy” hàng thực phẩm. (Ảnh minh họa)

Chưa có dấu hiệu hạ sức mua

Trong các buổi họp báo liên quan đến công tác phòng chống COVID-19, UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định đã tính toán đến nhu cầu cụ thể về số lượng thực phẩm cung ứng mỗi ngày cho người dân.

Theo đó, nhu cầu thực tế rơi vào khoảng 9.000-10.000 tấn/ngày, trong khi đã tích trữ được khoảng 120.000 tấn và số lượng hàng hóa sẽ được cung ứng thêm hàng ngày. Tuy nhiên, thực tế, hiện tượng khan hàng cục bộ vẫn xảy ra trong nhiều ngày qua, từ thời điểm TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội.

Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, đến sáng 16/7, tại TP Hồ Chí Minh lượng người đến mua hàng tại các siêu thị có giảm so với ngày hôm trước nhưng nhu cầu mua hàng vẫn rất đông.

Nhiều siêu thị phải phát phiếu mua hàng nhưng từ lúc nhận phiếu đến lúc có thể mua hàng cách khoảng 4-8 tiếng khiến người dân vẫn có tâm lý lo lắng, sợ không còn hàng để mua. Các cửa hàng tiện ích, siêu thị không phát phiếu hẹn cũng xếp hàng mất 30 phút - 1 tiếng mới vào được.

Chiều, tối ngày 15/7/2021, nhiều cửa hàng hết rau, củ, trứng, bún, miến. Giá các loại hàng trong siêu thị tăng nhẹ do chi phí vận chuyển tăng. Bên ngoài các siêu thị, cửa hàng tiện ích, có một số hộ dân cũng đã bán rau, củ, trứng nhưng giá cao hơn siêu thị rất nhiều.

Trước đó, vào thời điểm mới nghe tin TP giãn cách xã hội, lượng khách đến siêu thị đã tăng đột biến. Mặc dù có nguồn hàng dự trữ, được bổ sung lên kệ liên tục nhưng đến buổi chiều, nhiều siêu thị đã hết nhiều loại thực phẩm.

Tình hình tương tự diễn ra tại TP Cần Thơ và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Các địa bàn này có nguy cơ thiếu hàng tại siêu thị, không đáp ứng được nhu cầu của người dân do các kho trung chuyển của các hệ thống bán lẻ ở miền Tây đặt tại TP Cần Thơ nhưng xe thực phẩm từ TP Hồ Chí Minh về, tài xế phải xét nghiệm nhanh COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay xét nghiệm không kịp tiến độ để các tài xế có thể thực hiện công việc.

Vướng thủ tục lưu thông vận chuyển

Trước nhu cầu mua hàng lớn của người dân, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các hệ thống phân phối hiện đại, các đơn vị bưu chính như Viettel Post, VnPost tổ chức hàng trăm điểm bán lưu động để bổ sung nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn TP.

Đồng thời mở thêm một số gian hàng bên ngoài các chợ truyền thống bị đóng cửa. Nhưng số lượng người dân có nhu cầu mua hàng hóa vẫn tăng rất nhanh, hàng hóa vẫn có hiện tượng khan hàng cục bộ tại một số điểm.

Đại diện siêu thị Big C và Go Maket cho biết, hệ thống siêu thị này luôn làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp đảm bảo đầy đủ nguồn hàng, đặc biệt là hàng tươi sống; linh động vận chuyển hàng hóa nơi khác vào tăng cường cho thành phố; tăng cường hàng khô lên gấp 3 lần; tăng thời gian phục vụ đến 23h hàng ngày.

Ông Nguyễn Tấn Thanh, Phụ trách Truyền thông Co.opmart cho biết, hiện hệ thống siêu thị này đã quá tải cả online và offline (bán tại siêu thị). Tốc độ giao hàng cho các đơn đặt qua đa kênh dù duy trì tương đối tốt nhưng vẫn chưa thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Lượng đơn hàng online tồn 20-30% mỗi ngày. Hiện lực lượng soạn hàng, giao hàng tại hệ thống này cũng đang thiếu do nhiều nhân viên đang trong thời gian cách ly...

Ngoài ra, đại diện Co.opmart cũng cho biết, thực tế hàng hóa không thiếu, nguồn hàng khan do vướng thủ tục về giao thông vận tải. Hệ thống này đã chủ động thuê riêng một đơn vị làm dịch vụ xét nghiệm y tế để đảm bảo kịp thời cho lực lượng vận tải và giao hàng.

Đề nghị thống nhất thời hạn hiệu lực của giấy xét nghiệm COVID-19

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 6895/BGTVT-CTY hỏa tốc gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế để kiến nghị về quy định thời hạn hiệu lực của giấy xét nghiệm COVID-19.

Theo đó, qua nắm tình hình thực tế tại các địa phương, việc quy định thời hạn hiệu lực kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 của các địa phương hiện không thống nhất. Ví dụ, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh quy định 3 ngày; Long An quy định 5 ngày; Đồng Nai quy định 7 ngày. Bộ GTVT đề nghị Bộ Y tế ban hành văn bản quy định rõ thời gian hiệu lực kết quả xét nghiệm COVID-19 để áp dụng thống nhất.

Đối với các xe vận tải hàng hóa Bắc - Nam, thời gian di chuyển dài, chỉ giao hàng xong Giấy xét nghiệm đã hết hiệu lực, lái xe phải xét nghiệm lại gây nhiều phiền toái và tăng chi phí cho doanh nghiệp. Bộ GTVT đề nghị Bộ Y tế xem xét, thống nhất thời hạn hiệu lực xét nghiệm COVID-19 của lái xe vận chuyển hàng hóa từ 5-7 ngày. 

 Nhật Thu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Loạn danh xưng nghệ sĩ

Danh xưng nghệ sĩ là thành quả của những cống hiến, sáng tạo của những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/hang-hoa-khong-thieu-vi-sao-van-khan-d160907.html